Thiếu vắc xin ngừa dại tại một số địa phương do nguồn cung khan hiếm cộng với tình hình nghi dại, tử vong do bệnh dại đầu năm 2018 đến nay phức tạp đang là thách thức cho công tác kiểm soát, phòng chống bệnh này.
Thiếu vắc xin ngừa dại tại một số địa phương do nguồn cung khan hiếm cộng với tình hình nghi dại, tử vong do bệnh dại đầu năm 2018 đến nay phức tạp đang là thách thức cho công tác kiểm soát, phòng chống bệnh này.
Dù chó nhà và là vật cưng nhưng người dân cũng không nên lơ là không chịu tiêm ngừa bệnh dại cho mình khi bị chó cào, cắn. |
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) nêu tình hình này và đưa ra khuyến cáo đáp ứng phòng chống bệnh dại tới trung tâm y tế dự phòng tỉnh, trung tâm kiểm soát bệnh tật các địa phương cả nước.
Bình quân mỗi tháng có 6 ca tử vong do bệnh dại!
Theo Chương trình quốc gia Khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên người, ở Việt Nam, bệnh dại trên người đã và đang là một bệnh có số người tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm gây dịch.
Năm 2017, cả nước có 74 ca tử vong do bệnh dại và hơn 500.700 người bị chó, mèo và động vật cắn phải đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại, tăng 21% so năm 2016.
Trong 3 tháng đầu năm 2018, cả nước đã ghi nhận 18 ca tử vong do bệnh dại. Riêng trong tháng 1 và 2 đã ghi nhận hơn 75.200 người đến các cơ sở y tế tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
Tính sẽ thấy bình quân mỗi tháng trong quý đầu năm 2018, cả nước có 6 trường hợp tử vong do bệnh dại. Số này tương đương bình quân mỗi tháng 6,1 ca tử vong do bệnh dại trong năm 2017.
Tại giao ban trực tuyến vào ngày 27/4 giữa Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh với các trung tâm y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát dịch bệnh về công tác phòng chống dịch 3 tháng đầu năm và triển khai thực hiện giám sát dựa vào sự kiện tại khu vực phía Nam, thông tin cho thấy một số tỉnh phía Nam xuất hiện ca nghi bệnh dại và một số địa phương cho hay đang thiếu vắc xin.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Trà Vinh cho biết, thực tế địa phương thiếu vắc xin phòng bệnh dại phục vụ người dân. Nhiều tỉnh ở miền Tây nằm trong bối cảnh trên. Còn ở Vĩnh Long, thông tin từ ngành y tế, những năm qua tỉnh không ghi nhận trường hợp nghi dại.
Theo Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương Đặng Đức Anh- Chủ nhiệm Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên người, hiện nay cả nước đã xảy ra tình trạng thiếu hụt vắc xin dại ở một số địa phương do nguồn cung thiếu tạm thời, gây ảnh hưởng việc điều trị dự phòng bệnh dại.
Trong khi đó, Việt Nam chưa sản xuất được vắc xin dại và nguồn cung hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu.
Mặt khác, do bệnh dại vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc sử dụng vắc xin dại và huyết thanh kháng dại kịp thời sau khi bị phơi nhiễm là biện pháp điều trị dự phòng duy nhất, cứu người bị động vật nghi dại cắn để thoát khỏi bệnh dại.
Tiêm ngừa ngay khi bị chó cắn
Để đảm bảo tối đa người bị động vật cắn được điều trị dự phòng dại trong tình trạng thiếu hụt vắc xin hiện nay, Chương trình quốc gia Khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên người, đưa ra khuyến cáo: tăng cường sử dụng phác đồ tiêm trong da thay thế phác đồ tiêm bắp cho các trường hợp mới bị phơi nhiễm lần đầu và là người lớn có tình trạng sức khỏe bình thường (vừa giảm lượng vắc xin và tăng số người điều trị dự phòng);
trường hợp bị chó cắn phải tiêm phòng dại và đồng thời phải theo dõi con chó, nếu chó vẫn khỏe mạnh sau 10 ngày kể từ khi cắn người thì có thể dừng tiêm vắc xin dại; không khuyến khích chuyển đổi các loại vắc xin cho nhau trên cùng một đối tượng tiêm phòng;...
Cơ quan y tế dự phòng các tỉnh được yêu cầu phối hợp cơ quan thú y và chính quyền cơ sở để giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch dại hoặc nghi dại trên động vật để có biện pháp xử lý kịp thời, triệt để, hạn chế lây nhiễm bệnh dại sang người.
Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long - cho biết, không có tỷ lệ chính xác người bị bệnh dại do chó, mèo nhưng đại đa số là do chó cắn, tới 80- 90%.
Còn theo thống kê của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, ở nước ta vi rút dại chủ yếu được tìm thấy ở chó (96- 97%), tiếp đến là mèo (3- 4%). Các động vật khác như thỏ, chuột, sóc chưa phát hiện.
Trong bối cảnh vắc xin thiếu và bệnh dại ở một số nơi diễn biến phức tạp, bác sĩ Huỳnh Thanh Tân cho rằng: Điều quan trọng nhất để phòng bệnh dại là khi người nào đó bị chó cắn thì đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm ngừa ngay.
Chó là vật nuôi quen thuộc nhưng người nuôi cần hạn chế thả rong chó ngoài đường hay dắt chó ra khu công cộng, nếu có thì nên khớp mõm chó lại.
Hạn chế hoặc không cho trẻ em chơi đùa với chó, bởi trẻ chưa nhận thức đủ, có thể không chú ý hoặc đánh và bị con vật cắn lại. Do là trẻ nhỏ nên khi bị chó cắn thường ở vị trí nguy hiểm như mặt, cổ, đầu gây thương tích nghiêm trọng, phức tạp.
Quý đầu năm 2018 trên cả nước, bình quân mỗi tháng có 6 trường hợp tử vong do bệnh dại. Số này tương đương bình quân mỗi tháng 6,1 ca tử vong do bệnh dại trong năm 2017. |
Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin