Những bệnh truyền nhiễm nguy cơ vào mùa hè

03:04, 06/04/2018

Gần cuối tháng 3 này, tại TP Đà Nẵng, Bộ Y tế tổ chức hội nghị phòng chống sốt xuất huyết (SXH) và dịch bệnh mùa hè năm 2018. Với tình hình SXH lưu hành ở tất cả địa phương và quanh năm, nên tại hội nghị, không khó nhận ra tầm quan trọng của việc phòng chống bệnh nguy hiểm này từ muỗi vằn.

Gần cuối tháng 3 này, tại TP Đà Nẵng, Bộ Y tế tổ chức hội nghị phòng chống sốt xuất huyết (SXH) và dịch bệnh mùa hè năm 2018. Với tình hình SXH lưu hành ở tất cả địa phương và quanh năm, nên tại hội nghị, không khó nhận ra tầm quan trọng của việc phòng chống bệnh nguy hiểm này từ muỗi vằn.

Với các bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng, ngành y tế khuyến cáo phụ huynh nên đưa con em đi tiêm ngừa đủ liều, đúng lịch.
Với các bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng, ngành y tế khuyến cáo phụ huynh nên đưa con em đi tiêm ngừa đủ liều, đúng lịch.

Bệnh SXH:

Năm 2017, cả nước ghi nhận 184.741 trường hợp mắc (155.618 nhập viện), 32 trường hợp tử vong. Số mắc tăng từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 8/2017. Từ đầu tháng 9 đến cuối năm, giảm sâu và liên tục ở hầu hết các tỉnh- thành.

Năm 2017, 63 tỉnh- thành cả nước đều ghi nhận có ca bệnh SXH. Số ca bệnh tập trung ở miền Nam và miền Bắc. Trong 10 tuần đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 11.385 ca bệnh, 1 ca tử vong. So cùng kỳ 2017 với 18.058 ca bệnh, số mắc giảm trên cả nước 36,9%.

Bệnh tay chân miệng:

Năm 2017, ghi nhận 106.480 ca bệnh (48.668 nhập viện), 1 trường hợp tử vong. So cùng thời điểm năm trước, số nhập viện tăng 2,6%. Năm qua, tay chân miệng lưu hành ở hầu hết các địa phương, ca bệnh tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam, miền Bắc, Tây Nguyên.

Tuy nhiên trong 10 tuần đầu năm nay, số ca bệnh và số nhập viện giảm mạnh lần lượt là 36% và gần 45%.

Bệnh sởi, ho gà, bạch hầu:

Chủ yếu ghi nhận ở miền Bắc và một số tỉnh miền Nam, trong 431 trường hợp sốt phát ban nghi sởi thì qua xét nghiệm kết quả có 141 ca dương tính với sởi, không có ca tử vong. Đáng chú ý trong số mắc sởi, có 54 trường hợp trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa đến độ tuổi tiêm chủng; 55 trường hợp không tiêm chủng và ngoài 22 trường hợp không rõ tiền sử tiêm chủng thì 10 trường hợp có tiêm chủng nhưng vẫn dương tính với sởi.

Năm qua, ghi nhận có 3 ca tử vong trong 353 ca bệnh ho gà cả nước, chủ yếu ở miền Bắc. Tỷ lệ trẻ mắc bệnh do chưa tới độ tuổi tiêm chủng và tỷ lệ không tiêm chủng nên mắc bệnh chiếm cao, lần lượt 37,7% và 31,4%. Đáng nói, trong tổng số ca bệnh ho gà, có 23,8% trường hợp là có tiêm vắc xin.

Với bệnh bạch hầu, trong năm cả nước chỉ ghi nhận rải rác ca bệnh thuộc tỉnh Quảng Nam.

Bệnh liên cầu lợn:

Rải rác cả 3 miền Bắc- Trung- Nam, năm qua ghi nhận 169 trường hợp bệnh.

Bệnh viêm màng não do não mô cầu:

Ghi nhận chủ yếu tại miền Bắc, trong 52 ca bệnh rải rác trong năm thì có 3 trường hợp tử vong.

Bệnh thủy đậu:

Với 38.898 trường hợp mắc, năm 2017 đánh dấu bệnh thủy đậu tăng cao với 45,9% trên cả nước. Bệnh có xu hướng gia tăng từ tháng 3-6 và giờ bắt đầu vào thời điểm có đặc điểm trên.

Bệnh dại:

Đây là bệnh rất nguy hiểm, bởi nguy cơ tử vong cao. Năm qua, bệnh dại cả nước ghi nhận 74 ca tử vong. Các trường hợp bệnh xuất hiện tại một số tỉnh miền núi phía Bắc và một số tỉnh ở Tây Nguyên. Bệnh luôn rải rác các tháng trong năm.

Theo Cục Y tế dự phòng, năm 2017 vẫn là năm đạt kết quả trong phòng chống dịch bệnh khá khích lệ, như: không ghi nhận bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và mới nổi xâm nhập vào Việt Nam; bệnh SXH tăng từ những tháng đầu năm và tăng cao tại Hà Nội, nhưng từ tháng 9 đã được kiểm soát và số mắc giảm liên tục. Năm qua ghi nhận thực hiện tốt công tác chống dịch, tuy vậy công tác phòng dịch chưa đạt như mong muốn.

Tương tự, các bệnh có vắc xin phòng tiếp tục được khống chế hiệu quả cũng như các bệnh lưu hành khác được khống chế, không có diễn biến bất thường. Giữ vững thành quả thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh. Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi cả nước đạt 96,8% và vượt yêu cầu.

Giảm 18,6% trường hợp bệnh dại tử vong so năm 2016 (91 trường hợp).

Nhận diện thách thức trong phòng chống dịch bệnh sắp tới, Cục Y tế dự phòng cảnh báo: các bệnh nguy hiểm và mới nổi luôn có nguy cơ rất cao xâm nhập vào Việt Nam do vẫn diễn biến ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Các bệnh trong tiêm chủng mở rộng (sởi, ho gà, bạch hầu...) có nguy cơ gia tăng do tiêm chủng chưa đạt trên 95% quy mô xã- phường, chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng, nhất là vùng sâu, vùng xa.

Bệnh SXH nguy cơ gia tăng do bắt đầu vào mùa mưa, thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi.

Số ca tử vong do bệnh dại có thể tiếp tục ghi nhận do tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó chưa cao. Vẫn còn các trường hợp không đi tiêm ngừa khi bị chó nghi dại cắn.

Các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa (tiêu chảy, lỵ) có thể gia tăng trong mùa hè do không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Trên cơ sở kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2018, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc và ngành y tế các địa phương cả nước chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh, không để bùng phát dịch bệnh trong mùa hè.

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh