Nâng trách nhiệm cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm

05:04, 13/04/2018

Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2018 có chủ đề: "Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm".

Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2018 có chủ đề: “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”.

Như vậy, khoảng 17.700 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm sẽ phải nâng nhận thức, thể hiện trách nhiệm của mình trước yêu cầu của xã hội và sức khỏe của người tiêu dùng.

Rau và trứng buôn bán tại một điểm chợ.
Rau và trứng buôn bán tại một điểm chợ.

Ngộ độc thực phẩm tăng quy mô vụ việc và người mắc

Theo báo cáo của BCĐ liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh Vĩnh Long, năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ ngộ độc thực phẩm. So với năm 2016, tuy không tăng về số vụ (cùng 7 vụ) nhưng tăng về số người mắc (282 so 148 người) và quy mô vụ việc (2 vụ so 1 vụ có lớn hơn 30 người).

Theo BCĐ liên ngành tỉnh, để tồn tại vấn đề trên, một trong những nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về ATTP của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa cao.

Sâu xa hơn, “do nhận thức yếu kém, chạy theo lợi nhuận và cố tình vi phạm của một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng”.

Tháng hành động cao điểm vì ATTP hàng năm được triển khai trên cả nước từ 15/4-15/5. Tại tỉnh, nhiều năm qua đều có tổ chức hoạt động hưởng ứng tháng cao điểm này, kết quả đã tác động từng bước đến đối tượng sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng và cộng đồng.

Hiện toàn tỉnh có gần 17.700 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, ngành y tế quản lý 5.025 cơ sở; ngành nông nghiệp quản lý 8.227 cơ sở; ngành công thương quản lý 4.444 cơ sở.

Ngành công thương còn quản lý 115 chợ, gồm: 1 chợ hạng 1; 17 chợ hạng 2; 92 chợ hạng 3 và 5 chợ tạm với hơn 7.100 hộ kinh doanh thực phẩm và con số này vẫn còn phát triển.

Vì lẽ đó, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm còn những khó khăn, thách thức phải đối mặt như: nguy cơ ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố; sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn... nhưng vẫn đến với người tiêu dùng.

Hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm

Hiện nay đang nở rộ phong trào rau sạch nhà trồng: thủy canh hoặc trồng trên sân thượng như thế này.
Hiện nay đang nở rộ phong trào rau sạch nhà trồng: thủy canh hoặc trồng trên sân thượng như thế này.

Để tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, Tháng hành động vì ATTP năm nay triển khai thống nhất cả nước với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”.

Ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng BCĐ liên ngành vệ sinh ATTP tỉnh Vĩnh Long- mới đây chủ trì hội nghị triển khai Tháng hành động năm 2018 tại tỉnh, đã lưu ý tuyên truyền trong ngành và qua truyền thông cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Đặc biệt chú ý tuyên truyền vào nhận thức về tính trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. “Ngoài quyền lợi, phải xoáy vào chiều sâu trách nhiệm của họ đối với an toàn sức khỏe của người tiêu dùng”.

BCĐ liên ngành tỉnh cũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương kiểm tra, giám sát việc tăng cường trách nhiệm này. Là “đối trọng” để đảm bảo ATTP, người tiêu dùng cần ý thức nâng cao nhận thức, để có thể tiêu dùng thực phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe.

Bác sĩ Trần Văn Út- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế- cho rằng năm nay sẽ có các hoạt động thanh tra, kiểm tra trước, trong và cả sau tháng cao điểm.

Theo đó, công tác ATTP tại tỉnh chuyển biến khá thời gian qua, nhưng số vụ ngộ độc thực phẩm còn nhiều, vụ việc tập thể đông người ngộ độc vẫn còn cao. Và dường như, cứ cao điểm tháng hành động là... có xảy vụ việc ngộ độc thực phẩm!

Ông Lữ Quang Ngời chỉ đạo cần hạn chế tối đa các vụ việc ngộ độc thực phẩm, nhất là vụ việc xảy ra ở trường học (như năm 2017 xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm với gần 200 học sinh tiểu học). “Không để mất ATTP, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm mới là thành công của công tác”- Trưởng BCĐ liên ngành tỉnh nhấn mạnh.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra ATTP kéo dài từ 15/4-15/5. Theo BCĐ, có 3 đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh do 3 ngành: y tế, nông nghiệp- PTNT, công thương, chủ trì phối hợp kiểm tra lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Ngoài ra, mỗi huyện- thị- thành cũng lập đoàn liên ngành tương tự cấp tỉnh. Ở tuyến xã, mỗi BCĐ liên ngành lập một tổ kiểm tra vệ sinh ATTP trên địa bàn, thực hiện kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh