Nếu như trước đây bệnh nhân bị tai nạn, chấn thương thường phải mổ hở, thì nay với việc mổ qua màn hình tăng sáng (C-arm), một mặt đem lại nhiều lợi ích trong điều trị bệnh, mặt khác là phổ biến kỹ thuật cao nơi y tế cơ sở.
Nếu như trước đây bệnh nhân bị tai nạn, chấn thương thường phải mổ hở, thì nay với việc mổ qua màn hình tăng sáng (C-arm), một mặt đem lại nhiều lợi ích trong điều trị bệnh, mặt khác là phổ biến kỹ thuật cao nơi y tế cơ sở.
Nhiều bệnh nhân là người lớn tuổi dễ gặp các chấn thương về xương trong sinh hoạt hàng ngày đã được can thiệp mổ qua C-arm. Với kỹ thuật vượt tuyến này, bệnh nhân có điều kiện tiếp cận với y tế kỹ thuật cao từ cơ sở. |
Trung tâm Y tế (TTYT) TP Vĩnh Long đầu năm 2018 đã đưa kỹ thuật y tế của tuyến trên này vào áp dụng tại đơn vị. Hàng chục ca chấn thương cần phẫu thuật đã được mổ qua màn hình tăng sáng nói trên.
Cụ bà Trần Thị Tốt (90 tuổi, ngụ xã Trường An- TP Vĩnh Long) tuổi cao sức yếu, mới đây trong sinh hoạt hàng ngày đã bị té gãy xương đùi. Đưa đến TTYT TP Vĩnh Long ngày đầu tháng 4 này, bà cụ rất đau, không cử động chân, không đi đứng được.
Ê kíp y- bác sĩ chẩn đoán tình trạng, đã tiến hành mổ qua C-arm và xử trí cố định ngoài vị trí chấn thương cho bà cụ. Ca mổ nhanh gọn, thành công. Tới khoảng 2 tuần sau can thiệp, cụ bà tiếp tục được theo dõi tại viện với tình trạng đã tốt hơn rất nhiều và sẽ xuất viện khi chấn thương lành lại.
Điều dưỡng viên khoa Ngoại TTYT thành phố là Trần Quốc Thành cho biết bà cụ đã tự ngồi dậy được, giảm đau nhiều. Về nhà, cụ bà sẽ được tập dần và có thể đi đứng lại bình thường theo thể trạng của mình.
Bệnh nhân Mai Thị Lệ Thủy (65 tuổi, xã Tân Thanh, huyện Cái Bè- Tiền Giang) được đưa vào TTYT TP Vĩnh Long hôm 14/4 do tai nạn giao thông. Xui rủi bà bị mô tô tông vào chân, đau sưng, đi đứng không được.
Sau khám chẩn đoán, bệnh nhân Lệ Thủy cũng được phẫu thuật qua màn hình tăng sáng, bắt vít xốp tại vị trí chấn thương. Tiếp xúc 3 ngày sau mổ, bệnh nhân nói đã đỡ đau, cử động và co gối được. Hiện bệnh nhân được theo dõi hồi phục và xuất viện.
Đối với cụ bà 90 tuổi, nếu không mổ qua C-arm, có thể phải can thiệp mổ hở và tình huống sẽ phức tạp hơn do vết thương khá nguy hiểm và thể trạng người già khả năng không cho phép. Còn với bệnh nhân 65 tuổi, mổ C-arm nhanh hơn và đem lại tính thẩm mỹ cao hơn so với mổ hở.
Việc của những điều dưỡng như Trần Quốc Thành trong trường hợp trên là chăm sóc vết thương sau mổ C-arm như xem vết chân đinh cố định tốt không, vết mổ tiến triển lành hay không và chăm sóc tích cực bệnh nhân.
Với chuyên khoa sâu về cơ xương khớp, bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Văn Hùng- Giám đốc TTYT TP Vĩnh Long là người trực tiếp và đứng đầu ê kíp mổ qua màn hình tăng sáng này từ khi áp dụng tại đơn vị.
Để hình dung về kỹ thuật y tế cao thuộc tuyến trên (tuyến tỉnh) triển khai tại y tế tuyến huyện như TTYT thành phố, bác sĩ Đoàn Văn Hùng giải thích: Qua máy C-arm, bác sĩ sẽ nhìn thấy vị trí xương bị gãy để nắn lại hoặc cố định bắt đinh, bắt ốc ở vị trí chấn thương của bệnh nhân, thay vì trường hợp tương tự sẽ phải mổ mở vết thương ra.
Theo bác sĩ Đoàn Văn Hùng, được ngân sách tỉnh đầu tư, máy C-arm trang bị hồi đầu năm 2018. Những trường hợp chấn thương nói trên nằm trong 20- 30 bệnh nhân được mổ qua màn hình đầu năm đến nay tại cơ sở y tế này.
Bác sĩ Đoàn Văn Hùng cho biết, nhiều hiệu quả tích cực khi áp dụng kỹ thuật này đối với bệnh nhân: không có vết mổ (do không mổ hở) nên không mất máu, ít đau, xương rất mau lành sau phẫu thuật, tính thẩm mỹ cao, thời gian nằm viện ngắn, tiết kiệm chi phí điều trị...
Bên cạnh các ca mổ nhỏ, thường quy, những năm qua, TTYT TP Vĩnh Long đã thực hiện kỹ thuật cao mổ nội soi cắt túi mật sỏi, khâu lỗ thủng dạ dày, u nang buồng trứng, thai ngoài tử cung. Mổ qua màn hình tăng sáng mới đây, cùng với mổ nội soi là điểm mạnh tại đơn vị, giúp bệnh nhân được tiếp cận kỹ thuật y tế tuyến trên từ tuyến cơ sở...
Theo tài liệu y tế, máy C-arm (màn hình tăng sáng) sử dụng trong phẫu thuật kết xương giúp bác sĩ kiểm soát việc nắn chỉnh đường gãy xương trong các ca phẫu thuật khó và chuyên sâu mà không cần mổ mở ổ gãy (một dạng giống như mổ nội soi). Với hỗ trợ của C-arm, thời gian phẫu thuật bệnh nhân rút ngắn, giảm mất máu, hạn chế tai biến có thể xảy ra, thời gian liền xương nhanh, người bệnh sớm hồi phục. |
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin