Sau khi Thông tư 52 của Bộ Y tế quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú có hiệu lực từ đầu tháng 3 năm nay, phần lớn phụ huynh không mang theo giấy chứng minh nhân dân (CMND) khi khám chữa bệnh cho trẻ dưới 72 tháng tuổi.
Sau khi Thông tư 52 của Bộ Y tế quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú có hiệu lực từ đầu tháng 3 năm nay, phần lớn phụ huynh không mang theo giấy chứng minh nhân dân (CMND) khi khám chữa bệnh cho trẻ dưới 72 tháng tuổi.
Không chỉ thầy thuốc mà ngay cả người dân cũng đều cho rằng, quy định này khó khả thi.
Gần 80% phụ huynh đến Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long khám bệnh cho con quên đem theo chứng minh nhân dân. |
Khám bệnh cho con, phải có CMND cha, mẹ
Theo quy định của thông tư, đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi thì phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số CMND của ba, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ vào đơn thuốc.
Khi có đơn thuốc (với đầy đủ thông tin về số nhà, đường phố, tổ dân phố hoặc ấp, xã- phường- thị trấn, huyện- thị, tỉnh- thành và số CMND của ba hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ dưới 72 tháng tuổi) thì bất kể ai là người nhà hoặc người thân của trẻ có thể đi mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc.
Sáng 5/3/2018, chị Nguyễn Phương Thảo (Phường 3- TP Vĩnh Long) thuê xe để đưa con trai 2,5 tháng tuổi đến Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh khám bệnh “ọc sữa” của con.
Khi vô khám bệnh cho con, chị mới biết cần phải mang theo CMND để ghi vào đơn thuốc: “Chị thì nhớ số CMND của mình nên dù quên đem vẫn đọc liền được.
Còn rất nhiều người ở xa đến khám bệnh cho con không khỏi bỡ ngỡ bởi quy định mới này. Chị thấy quy định này không cần thiết, khi trên thẻ BHYT của con đã ghi tên mẹ, địa chỉ rồi”.
Ngay khi thông tư này vừa đi vào cuộc sống vào ngày 1/3/2018, đã vấp phải sự phản ứng của xã hội, thậm chí ngay chính người trong ngành cũng cảm thấy bất cập bởi không khả thi.
Các bác sĩ nhi khoa đã rất băn khoăn về việc này bởi quy định ghi số CMND/thẻ căn cước của cha mẹ, người giám hộ của trẻ không mang đến lợi ích gì mà lại gây khó cho gia đình.
Nhà nước miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi, do vậy khi trẻ đi khám bệnh thì chỉ cần giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh hay thẻ BHYT là đủ.
Các bác sĩ cho rằng, thông tin trên toa thuốc của bệnh viện từ trước tới nay đã có tên, tuổi, cân nặng, chẩn đoán của bác sĩ; ngoài ra còn có địa chỉ và điện thoại liên lạc để thuận lợi trong việc phối hợp điều trị.
Vì vậy việc ghi thêm số CMND của cha, mẹ... trên toa thuốc có thể với mục đích nhằm đảm bảo tính an toàn trong quá trình thực hiện liệu trình điều trị; thực hiện giám sát việc cho bé uống thuốc, nếu có vấn đề gì xảy ra thì có thể nắm được thông tin cụ thể việc người nào đưa bé đi khám, người nào cho trẻ uống thuốc…
Song, cái lợi ít hơn sự phiền hà mà người dân phải gánh; đồng thời cũng “thêm việc” cho những người nhập dữ liệu.
Gần 80% phụ huynh không mang theo CMND
Tại Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long, mỗi ngày tiếp nhận khám điều trị ngoại trú cho khoảng 150 trẻ dưới 6 tuổi thì có đến gần 80% cha, mẹ, người giám hộ không mang theo giấy CMND hoặc không nhớ số CMND khi đưa trẻ đến khám chữa bệnh lần đầu.
Hiện tại Trung tâm Y tế thành phố nhắc nhở phụ huynh và vẫn thực hiện điều trị cho trẻ. Tuy nhiên, đây sẽ là cái khó khi thanh quyết toán BHYT; đồng thời, quy định cũng làm mất thêm thời gian, thủ tục khi thực hiện khám chữa bệnh cho trẻ.
Ngày 12/3/2018, anh Lê Duy Phương (xã Trường An- TP Vĩnh Long) lần thứ 2 đưa con là bé Lê Như Ngọc đến khám chữa bệnh tại Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long và có đem theo giấy tờ đầy đủ.
Theo anh Phương, trong lần khám đầu tiên anh cũng không đem theo CMND vì không biết và được bác sĩ nhắc nhở nên lần này anh rút kinh nghiệm.
Chị Huỳnh Thị Bông (xã Đồng Phú- Long Hồ) thở dài: “Quy định này rắc rối phức tạp. Khi con bệnh, tui gấp gáp chỉ nhớ lấy thẻ BHYT của con chứ đâu có nhớ đem giấy tờ khác.
Tui cũng mong bỏ quy định này đi vì con cái bệnh đâu có nhớ số CMND của mình hay đem theo.”
Còn ông Nguyễn Đình Nghiệp (xã Trường An- TP Vĩnh Long) cho biết: “Đưa cháu đi khám bệnh trong trường hợp gấp đâu biết phải xuất trình giấy CMND mà đem theo. Nhà nước cần đơn giản thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em có điều kiện khám bệnh tốt nhất”.
Không riêng gì người dân thấy phiền hà mà cả nhân viên y tế, những người trực tiếp khám chữa bệnh cũng thấy không hợp lý khi triển khai quy định này.
Bởi nếu đã có quy định mà bác sĩ không ghi thì không thực hiện đúng đơn thuốc mẫu, nhưng nếu cha mẹ trẻ không mang hoặc không nhớ số CMND/thẻ căn cước thì chẳng lẽ lại yêu cầu họ về nhà lấy- một bác sĩ nhi khoa băn khoăn.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Năm- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, nhập thông tin CMND đầy đủ trong quá trình kê đơn thuốc gặp nhiều khó khăn, gây mất thời gian của cán bộ y tế để tiếp cận bệnh nhân cũng như thời gian làm thủ tục hành chính.
Thủ tục này còn gây khó cho gia đình, nhất là trường hợp gia đình vội đi chữa bệnh cấp cứu cho con không mang theo CMND, hoặc người đưa trẻ đi khám bệnh không phải là cha mẹ, người giám hộ của trẻ.
Khám đúng bệnh và điều trị hiệu quả là vấn đề được người dân quan tâm. Tuy nhiên, việc ngành y tế quy định ghi số CMND của cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ vào toa thuốc của trẻ dưới 72 tháng tuổi có thật sự cần thiết hay không?
Mặc dù ngành y tế đã lên tiếng giải thích nhưng kỳ thực, một quy định hầu như không mang lại lợi ích gì cho trẻ thì có nên tiếp tục triển khai hay không? Hay là chúng ta đang đi ngược lại với việc cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh hiện nay?
Với quy định mới này, Thạc sĩ Cao Hưng Thái- Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, ngay khi đến các cơ sở khám, chữa bệnh, bố, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ dưới 6 tuổi phải đem theo giấy CMND để khi kê đơn, bác sĩ điền đầy đủ các thông tin trên. Khi có đơn thuốc và đầy đủ thông tin thì bất kể ai là người nhà hoặc người thân của trẻ đều có thể đi mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ. Việc ghi thêm giấy CMND vào đơn thuốc cho trẻ dù mất thêm thời gian khám, chữa bệnh của bác sĩ nhưng đây là việc cần thiết để quản lý tốt việc kê đơn và bán thuốc theo đơn, đặc biệt là việc mua bán và lạm dụng kháng sinh đang diễn ra phổ biến hiện nay. |
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin