Rượu, bia bào mòn sức khỏe ngày tết

04:02, 13/02/2018

Ngày tết, đi tới đâu bạn cũng nhận được những lời mời ăn uống và nhiều người không thể từ chối những ly rượu, ly bia chúc mừng năm mới từ bạn bè, đồng nghiệp, người thân vì lý do sợ "mất vui".

Ngày tết, đi tới đâu bạn cũng nhận được những lời mời ăn uống và nhiều người không thể từ chối những ly rượu, ly bia chúc mừng năm mới từ bạn bè, đồng nghiệp, người thân vì lý do sợ “mất vui”.

Chính điều này đã khiến không ít người bị rủi ro về sức khỏe bởi những căn bệnh do uống rượu bia quá đà. Và uống rượu bia không chỉ là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông, bạo hành gia đình mà nhiều trường hợp còn bị ngộ độc rượu, thậm chí tử vong.

Vui- nhậu, buồn- nhậu, không vui, không buồn cũng nhậu. Rượu bia là loại thức uống rất phổ biến tại Việt Nam. Năm 2017, lượng bia người Việt đã tiêu thụ là khoảng 4 tỷ lít, tăng 6% so với năm 2016, ước tính mỗi người Việt uống gần 43 lít bia/năm.

Việt Nam hiện là 1 trong 3 quốc gia tiêu thụ nhiều bia nhất trong khu vực, sau Nhật Bản (nước giàu) và Trung Quốc (đông dân nhất thế giới).

Những dịp lễ tết, đám tiệc về quê chồng là nỗi ám ảnh, nỗi buồn của chị Nguyễn Trúc Ngân (TP Vĩnh Long) vì chồng vô tư… nhậu với anh em, họ hàng.

Anh em vài tháng gặp nhau nên ngồi nhâm nhi với nhau hết bia tới rượu rất là rôm rả, nên khi chị nhắc chồng giữ sức khỏe, đừng uống nhiều bởi còn chở vợ con về bằng xe máy thì chồng chị nói: “Không sao, anh biết uống chừng mực mà”.

Trong khi mấy anh bà con thì nói: “Tụi anh quý, thương chồng em lắm mới rủ nhậu đó”. Chị nhờ mẹ chồng ra khuyên thì mẹ nói: “Ở quê là vậy con ơi, quý nhau mới uống, mà uống có quậy quạng gì đâu”.

Thói quen của nhiều người bây giờ là tiệc tùng phải có rượu bia mới vui, nhưng thật ra có rất nhiều thứ để mỗi cuộc gặp gỡ vui vẻ, chúng ta có thể nói với nhau những câu chuyện hay ho, thú vị hơn là uống đến say nôn ọe ra rồi về nhà trong bộ dạng xộc xệch, say xỉn đến không đứng vững, lăn ra ngủ tại chỗ.

Thậm chí là nhảy lên xe lái ra đường, có nguy cơ gây tai nạn, khổ cho chính mình và người khác. Chị Ngân thở dài, ngao ngán: “Lấy chồng hơn 3 năm, mỗi lần về quê tưởng có những bữa cơm gia đình sum họp, đám tiệc họ hàng đông là dịp để chị gần gũi, thân tình hơn với gia đình chồng. Đằng này lần nào về quê thì chồng chị cũng say khước”.

“Tại sao lại ép nhau nhậu mới là quý nhau, thương nhau? Uống say xỉn, “uống tự sát” gây nguy hại sức khỏe, nếu đổ bệnh thì vợ con khổ chớ ai…!” Gần tết, nghĩ cảnh những bàn nhậu ê hề, người ở quê say rượu nói năng lè nhè, rồi nhạc sống ì đùng… chị rất oải.

Về lần nào, vợ chồng cũng cãi nhau. Phải chi anh biết trân quý sức khỏe của mình, trân quý sự sum họp gia đình, biết nghĩ cho vợ con mà uống chừng mực, vừa phải thì những lần về quê chồng, chị không phải sợ như vậy”- chị Ngân bức xúc.

Cũng vì rượu mà khi Nguyễn Văn Khanh (huyện Cầu Kè- Trà Vinh) mời rượu người phụ nữ cùng xã bị từ chối, liền cho rằng mình bị xem thường. Khanh về nhà lấy dao gọt trái cây quay lại đâm chết nạn nhân.

Chỉ vì cả nể, sợ bạn nhậu không vui hoặc can ngăn chưa quyết liệt, mà gần 40% vụ tai nạn giao thông thương tâm liên quan tới bia rượu đã xảy ra.

Nếu một người đi về trong tình trạng say khướt và gặp tai nạn thì từ cuộc vui lại hóa thành tai họa, ảnh hưởng đến những người xung quanh, đặc biệt là gia đình.

Chị Lê Thị Quyến (xã Long Phước- Long Hồ) cho biết, người em thân thiết của chị vừa mất do tai nạn giao thông. “Em hiền lành lại làm việc tốt. Nhưng chỉ một tiệc nhậu ở quê, lúc về em bị tai nạn mất trên đường đi cấp cứu.

Thật sự, không biết những chiến hữu mà trong bàn nhậu nói quý, nói thương đến chia buồn có cảm thấy hối hận khi gặp mặt góa phụ trẻ và con thơ mới 8 tuổi phải mồ côi cha hay không. Em mất khi vợ con chưa kịp nhìn mặt chồng, cha...”

Những ngày nghỉ tết, việc uống rượu vô độ, liên miên nhiều bữa liền sẽ gây “ngộ độc” cho cơ thể vì dạ dày và gan không có thời gian để “nghỉ ngơi” để phân giải chất cồn trong rượu.

Ngộ độc rượu bia ở mức nhẹ thường chỉ gây khó chịu. Song, trong trường hợp nặng, ngộ độc rượu bia có thể gây các triệu chứng nôn mửa, gây mất tỉnh táo, hôn mê, gây bệnh xuất huyết tiêu hóa, viêm gan, xơ gan, suy gan, suy thận, thậm chí tử vong. Vậy mà, nhiều người trẻ lại thích nhậu.

Lẽ ra, ở độ tuổi thanh niên phải có rất nhiều việc để làm như trau dồi để nâng cao kiến thức; rảnh rỗi nữa có thể vi vu du lịch, đọc sách, nghe nhạc, xem phim hoặc đi cà phê cùng bạn bè. Tại sao cứ phải là rủ nhau đi nhậu?

Những tuần gần đây, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai tại Hà Hội thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu, điều trị có nguyên nhân liên quan đến rượu và thời điểm trước và sau tết là thời điểm bệnh nhân ngộ độc rượu tăng cao.

Thậm chí đã có trường hợp tử vong, suy gan, suy đa tạng sau uống rượu. Các bác sĩ khuyến cáo, sử dụng quá mức rượu bia do liên hoan cuối năm làm tăng nguy cơ cho sức khỏe, đặc biệt là gan sẽ bị quá tải, giảm khả năng thải lọc các chất gây độc, khiến cơ thể cũng bị tồn đọng hóa chất, bị nhiễm độc.

Theo bác sĩ Hoàng Nam - khoa Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai, rượu là tác nhân hàng đầu gây viêm gan (biểu hiện là tăng men gan), gan nhiễm mỡ lâu ngày dẫn đến xơ gan, biến chứng là hôn mê gan…

Không có loại rượu nào là “rượu bổ”, mà đã là rượu thì đều nguy hại cho sức khỏe, đặc biệt nguy hại cho chức năng gan. Mỗi ngày mỗi người chỉ nên dùng 1-2 chén rượu nhỏ, tương đương 1-2 ly bia, không lạm dụng và ỷ vào các thuốc giải rượu bia chưa được chứng minh rõ về tác dụng.

Về tác hại của lạm dụng rượu bia, theo chuyên gia y tế, người dân cho rằng uống rượu “xịn” và uống bia không hại gan, nhưng thực tế bia rượu “xịn” vẫn là gánh nặng cho gan. 

Rượu được xác định có liên quan đến 200 loại bệnh, là chất gây nhiều bệnh nhất trong các chất gây hại cho sức khỏe. 

Sử dụng rượu lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể. Người uống rượu lâu ngày khi bị viêm phổi và bị nhiễm trùng nói chung, rất dễ trở nặng và tăng nguy cơ tử vong.

MAI ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh