Có lẽ đây là cách diễn tả đầy đủ nhất của mối tương quan giữa người thầy thuốc với bệnh nhân. Từ đó, đặt đội ngũ người làm nghề y thực hiện nhiệm vụ chuyên môn luôn luôn với phương châm "sáng về y đức, sâu về y lý và giỏi về y thuật" và theo lời dạy của Bác Hồ "Lương y phải như từ mẫu" để tròn nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Có lẽ đây là cách diễn tả đầy đủ nhất của mối tương quan giữa người thầy thuốc với bệnh nhân. Từ đó, đặt đội ngũ người làm nghề y thực hiện nhiệm vụ chuyên môn luôn luôn với phương châm “sáng về y đức, sâu về y lý và giỏi về y thuật” và theo lời dạy của Bác Hồ “Lương y phải như từ mẫu” để tròn nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Bác sĩ Trần Văn Nhiều thăm khám bệnh nhân Hoàng Minh sau hơn tuần vào viện với vết thương tim, giờ trong tình trạng khỏe hẳn. Ảnh: MINH THÁI |
Can thiệp y khoa, cứu người trong cơn nguy cấp
Một ngày tháng 10/2016, anh Chí Tâm (khoảng 30 tuổi, ở xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) chạy ba gác chở 25 bao xi măng trên một đường đan ở xã. Xui rủi sao xe anh lạc tay lái va vào cây nhãn bên đường, anh bị chấn thương vùng bụng.
Chuyển ngay sang Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long, bác sĩ chẩn đoán vùng chấn thương gây vỡ tá tràng phức tạp kèm vỡ đại tràng, dập túi mật.
Anh được bác sĩ chuyên khoa I, Trưởng Khoa Ngoại tổng quát- Trần Văn Nhiều và ê kíp mổ cấp cứu liền sau đó. Sau mổ, chăm sóc hậu phẫu, vài ngày sau anh Chí Tâm hồi phục sức khỏe, ra viện. Vợ chồng anh mừng rơi nước mắt.
Tháng 11/2017, nữ bệnh nhân 45 tuổi ở huyện Long Hồ được chuyển vào viện với vết thương vùng hậu môn (giờ thứ 8) với mạch nhanh, huyết áp không đo được, lơ mơ, niêm mạc xanh... và được chẩn đoán “shock mất máu do vết thương đâm hậu môn”.
Bệnh viện huy động Khoa Ngoại tổng quát, Khoa Sản hội chẩn sau đó tiến hành mổ tối cấp cho
bệnh nhân.
Theo bác sĩ chuyên khoa I Lê Minh- Phó Khoa Ngoại tổng quát, khi mổ, bác sĩ phát hiện trong bụng có máu, vết thương từ hậu môn, âm đạo thấu bụng, đứt động mạch sau bàng quang. Ê kíp 2 chuyên khoa chia ra: ngoại tiến hành xử lý vết thương trực tràng, động mạch, làm hậu môn nhân tạo; bên sản khoa xử trí vết thương âm đạo.
Hôm mùng 3 tết vừa qua (18/2/2018), anh Hoàng Minh (32 tuổi, ngụ xã Trường An- TP Vĩnh Long) được đưa vào BVĐK tỉnh cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán vết thương sâu trên ngực, thủng tim bởi bị đâm bằng kéo. Bệnh nhân mất nhiều máu, hôn mê sâu, da tím tái, huyết áp không đo được...
Ê kíp y- bác sĩ đã cấp cứu, sau đó tiến hành mở ngực, khâu tim nhĩ phải (bị thủng 2 lỗ kích thước mỗi lỗ 1cm), cầm máu.
Ca mổ thành công sau khoảng 2 giờ, bệnh nhân hồi sức hậu phẫu các ngày sau đó với sinh hiệu đều ổn.
Những chi tiết vừa kể là một số trong hàng loạt mô hình bệnh tật, chấn thương nặng và rất phức tạp được chuyển đến BVĐK tỉnh để được khẩn cấp can thiệp.
Bác sĩ Trần Văn Nhiều cho biết mỗi năm thường cùng ê kíp của Khoa Khoa Ngoại tổng quát, phối hợp các khoa can thiệp phẫu thuật hơn chục trường hợp nguy hiểm, như: thủng tim/phổi, vỡ gan/tá tràng/đại tràng phức tạp... và tất cả đều phẫu thuật kịp thời, cứu sống bệnh nhân.
Đáng chú ý, nhiều lần trong số đó không phải là ca trực của bác sĩ trưởng khoa nhưng khi nhận được đề nghị từ kíp trực hoặc yêu cầu từ ban giám đốc, đêm cũng như ngày bác sĩ Trần Văn Nhiều đều có mặt ngay.
“Đó là khi đối mặt trường hợp bệnh nặng, vết thương phức tạp, thủng nội tạng, mất máu nhiều, sau hội chẩn buộc phải mổ cấp cứu ngay tại chỗ. Hầu như các trường hợp này không thể chuyển tuyến trên, bởi chuyển thì bệnh nhân mất máu nhiều và các nguy cơ khác nên sẽ tử vong trên đường đi”- bác sĩ Trần Văn Nhiều nói.
Nụ cười bệnh nhân
Bệnh nhân Chí Tâm luôn giữ số điện thoại của bác sĩ đã phẫu thuật cho mình. Năm ngoái, vợ chồng anh trong ngày sinh đứa con thứ hai đã gọi ngay cho bác sĩ Trần Văn Nhiều, rối rít trong niềm chia vui còn là sự mang ơn với người đã đem lại cho anh sức khỏe.
Niềm vui của vợ chồng anh Chí Tâm ngày sắp xuất viện khi được bác sĩ phẫu thuật kịp thời chấn thương nguy hiểm. Ảnh: Bác sĩ Nhiều cung cấp |
Hôm gặp bệnh nhân Hoàng Minh tại viện ngày 25/2, anh vẫn còn nằm theo dõi chờ phục hồi hẳn mới về nhà.
“Bây giờ thì em khỏe lắm. Em khỏe rồi, lại thấy bác sĩ bệnh viện mình tận tâm nhiệt tình chăm sóc em từng ly từng tí luôn. Nói chung bác sĩ đây rất tốt, chăm sóc em trong mọi điều kiện có thể”- Hoàng Minh nói những “thiên thần áo trắng” đã đưa mình qua cơn nguy kịch.
TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh- cho rằng, để can thiệp các chấn thương, bệnh tật khẩn cấp như vậy, đội ngũ chuyên môn các khoa bệnh viện tương tác hỗ trợ mật thiết lẫn nhau, từ cấp cứu đến các khoa ngoại tổng quát, ngoại chấn thương, khoa sản, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm,...
Đó có thể là ca bệnh thủng tim/phổi, vỡ gan/tá tràng/đại tràng rất phức tạp hoặc là trường hợp thai ngoài tử cung sốc mất máu cấp... được huy động liên khoa để hội chẩn, phẫu thuật.
Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng, do đặc thù gặp các ca bệnh phức tạp vậy, có khi đêm hôm không phải ca trực, khi cần, bác sĩ Trần Văn Nhiều phải vào ngay bệnh viện để hội chẩn và phẫu thuật, theo dõi xuyên đêm. Tận tâm, vững chuyên môn, nhưng các bác sĩ còn đối mặt với áp lực “làm sao để người nhà bệnh nhân hiểu tình hình”.
Tức là, một mặt ê kíp phẫu thuật khẩn để giành sự sống cho bệnh nhân, một mặt các bộ phận liên quan phải giải thích cho người nhà hiểu khi họ đang “nóng ruột nóng gan” lo cho người thân.
Lời dạy với người làm nghề y là cùng đau nỗi đau của người bệnh, vui cùng với niềm vui khi họ được chữa lành, các bác sĩ nói rằng điều họ day dứt là khi gặp trường hợp bệnh quá nặng hoặc đưa vào trễ và không can thiệp kịp để cứu sống bệnh nhân.
Niềm vui của người làm nghề còn là thấy đồng nghiệp, nhất là lớp trẻ hôm nay ngày càng vững chuyên môn bên cạnh đồng hành của lớp anh em nhiều kinh nghiệm.
BVĐK tỉnh cho biết trong khi thiếu bác sĩ, đội ngũ vẫn choàng gánh nhau làm tròn và không ngừng cập nhật các kỹ thuật y tế cao. Làm sao để với tinh thần thái độ phục vụ người bệnh ngày càng cao thì những bác sĩ tâm huyết đi cùng với chuyên môn vững vàng sẽ giúp giảm bớt buồn lo, đem lại sức khỏe và thêm nhiều tiếng cười cho bệnh nhân
Tinh thần Năm Y tế 2017 mà lãnh đạo tỉnh nhà đặt ra đã góp phần nâng chất lượng, niềm tin trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
“Năm Y tế 2017, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế tỉnh Vĩnh Long đã nỗ lực phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước, không ngừng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn và nâng cao y đức. Đội ngũ thầy thuốc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế tăng về số lượng và nâng dần chất lượng; phong cách, thái độ phục vụ nhân dân có nhiều tiến bộ; đã tiếp nhận, chuyển giao và triển khai nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu trong lĩnh vực khám chữa bệnh; chất lượng dịch vụ của nhiều cơ sở y tế trong tỉnh được cải thiện rõ nét...” (trích thư của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long gửi đến cán bộ hưu trí, đội ngũ thầy thuốc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế tỉnh nhà nhân kỷ niệm 63 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955- 27/2/2018). |
MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin