Chỉ riêng ghi nhận của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long trong 7 ngày nghỉ Tết Mậu Tuất 2018 (29 tháng Chạp tới mùng 5 tháng Giêng), có 10 trường hợp tự tử đưa vào bệnh viện. Có ca tử vong sau đó, có ca chuyển tuyến trên tiếp tục điều trị.
Chỉ riêng ghi nhận của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long trong 7 ngày nghỉ Tết Mậu Tuất 2018 (29 tháng Chạp tới mùng 5 tháng Giêng), có 10 trường hợp tự tử đưa vào bệnh viện. Có ca tử vong sau đó, có ca chuyển tuyến trên tiếp tục điều trị.
Đến hôm 22/2, vẫn còn 1 ca tự tử bằng thuốc diệt côn trùng nằm điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc của bệnh viện tỉnh. |
Đến hôm 22/2, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long còn một ca uống thuốc độc tự tử nằm điều trị. Bệnh nhân là Trần Văn L. (59 tuổi, ngụ huyện Vũng Liêm), vào viện từ hôm 19/2. Bác sĩ đánh giá hiện tại trường hợp này đã khá sau khi được giải độc.
Tuy nhiên, do nạn nhân uống thuốc diệt côn trùng phối hợp phốt pho hữu cơ và Pyrethroid nên vào viện với tình trạng ban đầu nặng và rất phức tạp.
Theo bác sĩ Đặng Huỳnh Thu- Phó Khoa Hồi sức tích cực và chống độc thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hầu hết các ca tự tử hoặc không ghi nhận được hoặc nếu có ghi nhận nguyên nhân thì đa phần là do buồn chuyện bản thân, gia đình, tình cảm,... dẫn đến nghĩ quẫn và uống thuốc trừ sâu, diệt cỏ.
Bệnh án bệnh nhân L. có thể hiện đã buồn chuyện gia đình, người này nhậu và sau đó uống thuốc diệt côn trùng để... không sống nữa.
Đáng nói, theo kinh nghiệm điều trị của các bác sĩ, nhiều trường hợp tự tử do thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ bây giờ là loại thuốc phối hợp nhiều thành phần, hợp chất nên tình trạng thường phức tạp.
Điều đó gây khó cho bệnh viện khi tiếp nhận điều trị. Trong các ca tự tử ghi nhận mới đây, đa phần là nạn nhân uống thuốc diệt cỏ Paraquat, hóa chất thành phần phốt pho hữu cơ, Pyrethroid, thuốc Tây,...
Theo hồ sơ tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, ngày 14/2, nam bệnh nhân (59 tuổi) ở huyện Long Hồ tự tử bằng thuốc diệt cỏ không rõ loại, được chuyển vào viện lúc 10g30 trong tình trạng rất nguy kịch. Bệnh viện đã huy động tối đa để cứu chữa nhưng không thành. Đến 19g30 ngày 15/2, bệnh nhân này đã tử vong.
Cũng ngày 15/2, bệnh viện tiếp nhận nam bệnh nhân Nguyễn Văn T. (35 tuổi, ngụ huyện Long Hồ) ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat.
Ca bệnh ngay sau đó được chuyển tuyến trên- Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ để lọc máu. Tuy nhiên, do là thuốc cực độc và gần như chưa có cách điều trị, nên các bác sĩ phỏng đoán sẽ rất khó khăn khi điều trị ca ngộ độc Paraquat!
Thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong 7 ngày nghỉ tết năm nay, đã có 10 trường hợp tự tử được đưa vào bệnh viện can thiệp. Cả 10 trường hợp đều là nam giới và tuổi đời từ hơn 30- 60.
Trước tình hình trên, bác sĩ Hồ Bích Thủy- Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và chống độc- cảm thán: “Năm nay tự tử nhiều. Có 1 trường hợp tử vong. 1 trường hợp uống Paraquat vừa vào viện phải chuyển tuyến trên. Nhưng ca đó... rất đáng quan ngại”.
Dẫu nhiều trường hợp tự tử đã được cứu sống bằng phương tiện, kỹ thuật y tế và thuốc men như: Phốt pho hữu cơ có thuốc giải độc, Pyrethroid điều trị triệu chứng,...
Bác sĩ và nhiều người khuyên bệnh nhân là nạn nhân tự tử không vì nông nổi mà đe dọa tính mạng mình. Bởi sau đó dù sống cũng sẽ ảnh hưởng tâm lý, đời sống chính mình và gia đình, người thân.
Từ các vụ việc, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Bạch Yến- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh- cho biết, vào ngày thường không nhiều nhưng dịp tết ca tự tử lại cao bất thường, chủ yếu là nam và có tuổi.
Từ nguyên nhân như đã nêu, bác sĩ cho rằng mọi người nên cư xử với tinh thần thái độ đúng mực với nhau trong sinh hoạt hàng ngày để hạn chế vụ việc đáng tiếc. Trước hết, hãy tôn trọng sức khỏe bản thân, không vì phút nông nổi mà hủy hoại, tự quẳng đi mạng sống của mình.
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin