Theo tài liệu y tế, cứ mỗi 100 người Việt Nam thì có 2-6 người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (Chronic Obstructive Pulmonary Disease- COP
Một buổi khám tầm soát bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long. |
Theo tài liệu y tế, cứ mỗi 100 người Việt Nam thì có 2-6 người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (Chronic Obstructive Pulmonary Disease- COPD).
Nhiều chuyên gia y tế cảnh báo tại Việt Nam gánh nặng COPD tiếp tục gia tăng những thập kỷ tới, do tăng tiếp xúc các yếu tố nguy cơ và tình trạng già đi của dân số.
Nhiều nguy cơ, hệ lụy với COPD
COPD được định nghĩa là tình trạng bệnh lý hô hấp đặc trưng bởi sự tắc nghẽn luồng khí thở ra không có khả năng hồi phục hoặc chỉ hồi phục một phần. Theo tài liệu y tế, cứ mỗi 100 người Việt Nam sẽ có 2-6 người mắc COPD.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh là hít phải khói thuốc lá, thuốc lào, khói bếp than, bụi nghề nghiệp,... trong thời gian dài. Người mắc bệnh ở giai đoạn 1 và 2 thường có các biểu hiện chính: ho kéo dài, khạc đờm kéo dài, có thể khó thở khi gắng sức.
Mặc dù là bệnh có thể dự phòng và điều trị được, nhưng việc có thể tránh tối đa tiếp xúc các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đặc biệt là khói thuốc lá, thuốc lào, môi trường ô nhiễm trong và ngoài nhà còn nhiều hạn chế.
Tới giai đoạn 3 và 4, COPD đã ở thể nặng hoặc rất nặng. Bệnh nhân khó thở khi gắng sức nhẹ hoặc liên tục và tình trạng có thể xấu đi khi bệnh nhân vào các đợt cấp, kèm các biểu hiện phù chân, tím môi,...
Qua khảo sát 110 bệnh nhân 40 tuổi trở lên, có chẩn đoán COPD trên 6 tháng đang quản lý điều trị tại phòng khám hô hấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, có 94 người nam (85,4%) mắc COPD, còn lại 16 người (14,6%) là nữ giới. Biểu hiện chủ yếu của bệnh là khó thở (83%), ho khạc đàm (12%).
Hầu hết bệnh nhân COPD tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đều có tiền sử hút thuốc lá lâu năm, thường được phát hiện bệnh trễ (tổng 2 giai đoạn 3, 4 khoảng 72%) biểu hiện qua những đợt cấp cùng bệnh lý đi kèm.
Nâng hiểu biết người dân để kiểm soát COPD
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, CLB Hen- COPD thành lập gần 2 năm qua, sinh hoạt thường kỳ, giúp quản lý và điều trị bệnh nhân. Trong năm 2017, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đã hỗ trợ chuyên môn Trung tâm Y tế TX Bình Minh thành lập CLB Hen- COPD, để nâng chất lượng chẩn đoán điều trị ở cơ sở.
Khuyến cáo cảnh báo về thuốc lá trong một hội thảo chuyên đề. |
Hội Hô hấp Việt Nam, Hội Hô hấp TP Hồ Chí Minh mới đây phối hợp đơn vị chuyên môn quốc tế đại diện tại Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Cá thể hóa điều trị COPD” để cập nhật các kiến thức lâm sàng trong quản lý và điều trị COPD.
Tại đây, các chuyên gia y tế chia sẻ khuyến cáo hướng dẫn điều trị hiện nay nên cá thể hóa điều trị, kết hợp liệu pháp dùng thuốc với không dùng thuốc để tối ưu hiệu quả kiểm soát và điều trị COPD.
Bằng cách tầm soát, chẩn đoán, tiên lượng bệnh theo hướng cá thể hóa, thuốc điều trị được lựa chọn phù hợp theo từng bệnh nhân. Điều này giúp tránh việc cần phải đổi thuốc nhiều lần do bệnh nhân không đáp ứng.
Trong khi với gánh nặng và dự báo ngày càng phức tạp, phần lớn người mắc bệnh đều e ngại chi phí điều trị và nhanh nản lòng, việc điều trị bị dang dở.
Điều này đặt vấn đề cho ngành y tế cần phải truyền thông nâng cao nhận thức người dân với COPD. Bởi kiểm soát bệnh tốt sẽ làm giảm độ nặng của bệnh, từ đó góp phần giảm gánh nặng y tế, kinh tế cho xã hội.
Còn trước hết, bác sĩ chuyên hô hấp khuyên bệnh nhân hoặc người có nguy cơ mắc COPD hạn chế hút thuốc lá, nên đến cơ sở y tế đo hô hấp ký tầm soát sớm phát hiện COPD (nếu có) để được tư vấn điều trị, chăm sóc tốt hơn.
- Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin