Virus HPV (Human papilloma virus) là một trong những tác nhân gây ra ung thư cổ tử cung ở nữ giới và các bệnh liên quan như sùi mào gà, ung thư hậu môn…
Virus HPV (Human papilloma virus) là một trong những tác nhân gây ra ung thư cổ tử cung ở nữ giới và các bệnh liên quan như sùi mào gà, ung thư hậu môn…
Chúng ta có thể thấy sự nghiêm trọng và khả năng đe dọa đến tính mạng của virus này, nhưng lại chưa có hành động cụ thể nào để bảo vệ bản thân và phòng chống virus một cách hiệu quả.
Khi căn bệnh “thầm lặng” lên tiếng
Theo thống kê, trên thế giới cứ mỗi 2 phút có 1 phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung. Hàng năm, ở Việt Nam có hơn 5.000 trường hợp mắc bệnh ung thư cổ tử cung, tương ứng với 7 phụ nữ thiệt mạng và 14 trường hợp mắc mới mỗi ngày.
Hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung là do virus HPV gây ra.
Có khoảng 100 chủng virus HPV, trong đó chủng 16,18 là hai chủng có nguy cơ cao nhất, là nguyên nhân gây ra 70% bệnh lý ung thư cổ tử cung.
Theo điều tra của Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế, tỷ lệ nhiễm HPV của phụ nữ toàn cầu dao động trong khoảng 9-13%. Chi phí điều trị ung thư cổ tử cung dao động trong khoảng 600 triệu đồng/ca bệnh.
Virus HPV không chỉ lây qua đường tình dục mà còn lây nhiễm qua việc sử dụng chung đồ lót, găng tay, vật dụng vệ sinh với người nhiễm.
Ung thư cổ tử cung là quá trình diễn tiến do nhiễm virus HPV dai dẳng từ 15-20 năm. Nghĩa là, độ tuổi có khả năng nhiễm HPV cao nhất là 20 tuổi, và giai đoạn bùng phát ung thư cổ tử cung cao nhất là lứa tuổi 40-50. Hiện nay, độ tuổi này đang có xu hướng trẻ hóa
Không phải ai nhiễm các chủng HPV “độc” cũng có khả năng dẫn tới ung thư cổ tử cung. Bệnh này thường xuất hiện khi có thêm các yếu tố nguy cơ như quan hệ tình dục sớm, nhiều bạn tình, vệ sinh kém, suy giảm miễn dịch, sinh đẻ, nạo hút hay sẩy thai nhiều lần…
Những tổn thương này tạo điều kiện cho virus HPV dễ dàng tiếp cận hơn với lớp tế bào đáy cổ tử cung và gây biến đổi các tế bào này. Trải qua nhiều năm, tế bào trở thành ác tính.
Tiêm ngừa vắcxin là biện pháp hiệu quả nhất
Dựa trên các thử nghiệm lâm sàng và báo cáo của các tổ chức y tế quốc tế, tiêm ngừa vắcxin phòng chống HPV cho các bé gái và phụ nữ 9-26 tuổi, dù chưa từng hay đã quan hệ tình dục, được xem là biện pháp hiệu quả để bảo vệ họ khỏi căn bệnh nguy hiểm này.
Vắcxin ngừa HPV phòng nhiễm các chủng HPV 6,11,16,18. Các vắcxin này có thể phòng ngừa 99% nguy cơ nhiễm vi rút HPV qua đường tình dục, hiệu quả 98% trong việc phòng thương tổn tiền ung thư cổ tử cung, và ngăn ngừa 90% mụn cóc sinh dục do chủng HPV 6,11 gây ra.
Theo nghiên cứu, vắcxin ngừa HPV có thể bảo vệ nữ giới khỏi các bệnh ly nguy hiểm đến sức khỏe trong vòng 30 năm.
Vắcxin ngừa HPV đã phổ biến ở hơn 130 quốc gia và được đưa vào chương trình tiêm chủng của 66 quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, vắcxin này đã được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng từ năm 2009.
Bên cạnh việc tiêm ngừa vắcxin phòng chống virus HPV đầy đủ, phụ nữ nên giữ gìn vệ sinh cơ thể và chăm sóc sức khỏe tình dục.
Nếu bạn đang tìm kiếm một tương lai hạnh phúc không bệnh tật, hãy dành thời gian để thăm khám và tiêm ngừa vắcxin phòng chống HPV ngay từ hôm nay./.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin