Với cơ chế phù hợp, sẽ có nguồn nhân lực hiệu quả

05:09, 30/09/2017

Tiếp tục thắt chặt thân tình của mối quan hệ hợp tác, tiếp tục hỗ trợ tỉnh Vĩnh Long đào tạo nhân lực y tế, nghiên cứu khoa học và tư vấn, hỗ trợ quản lý, chăm sóc sức khỏe nhân dân...

Tiếp tục thắt chặt thân tình của mối quan hệ hợp tác, tiếp tục hỗ trợ tỉnh Vĩnh Long đào tạo nhân lực y tế, nghiên cứu khoa học và tư vấn, hỗ trợ quản lý, chăm sóc sức khỏe nhân dân...

Đó là những vấn đề nêu ra trong định hướng tới năm 2020 khi tổ chức sơ kết giai đoạn 2012- 2015 của chương trình hợp tác toàn diện về lĩnh vực y tế giữa UBND tỉnh Vĩnh Long và Trường ĐH Y dược Cần Thơ.

Tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân của Vĩnh Long ở mức cao trong khu vực, nhưng thấp hơn bình quân cả nước. Ở nhiều bệnh viện hiện nay vẫn nêu cái khó là thiếu bác sĩ.
Tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân của Vĩnh Long ở mức cao trong khu vực, nhưng thấp hơn bình quân cả nước. Ở nhiều bệnh viện hiện nay vẫn nêu cái khó là thiếu bác sĩ.

Vai trò lớn từ nguồn nhân lực theo địa chỉ sử dụng

Từ năm 2011, Sở Y tế Vĩnh Long đã phối hợp với Trường ĐH Y dược Cần Thơ tổ chức đào tạo ngắn hạn tại tỉnh với 222 lượt cán bộ y tế tham dự gồm các lớp: siêu âm tổng quát, điện tim, quản lý bệnh viện, kinh tế y tế, quản lý điều dưỡng và chăm sóc người bệnh.

Năm 2013, tiếp tục đào tạo xét nghiệm cho trạm y tế đã được trang bị máy xét nghiệm có 41 cán bộ tham dự.

Năm 2014, trường tổ chức đào tạo tại tỉnh 5 lớp ngắn hạn cho trạm y tế với 160 lượt cán bộ tham dự gồm: quản lý một số bệnh lây và không lây nhiễm thường gặp tại cộng đồng, quản lý thuốc tại trạm y tế,...

Trên là hàng loạt lớp đào tạo ngắn hạn y- dược mà trường hỗ trợ tỉnh đào tạo các năm qua nằm trong nội dung đào tạo cán bộ y tế cho tỉnh Vĩnh Long ở các trình độ: ĐH, sau ĐH, đào tạo lại, đào tạo liên tục.

Nội dung đó là một trong 4 nhóm nội dung trong chương trình hợp tác giữa 2 đơn vị.

Theo báo cáo Sở Y tế, tổng học sinh chính quy đào tạo ĐH theo địa chỉ sử dụng từ 2012- 2016 cho tỉnh là 204 người; đào tạo hệ liên thông là 276 người.

Ông Huỳnh Minh Đức- Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ- cho biết tính từ năm 2014, số sinh viên theo địa chỉ sử dụng ra trường đến nay là 109 người và hầu hết trong số đó đều được sở phân công tại các bệnh viện và đơn vị trực thuộc trong tỉnh.

Bác sĩ chuyên khoa II Văn Công Minh- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long- cho biết: Nhiều năm gần đây, bệnh viện thiếu bác sĩ và hiện nay có tình trạng một số bác sĩ xin nghỉ việc, xin chuyển đi vì lý do cá nhân, thì chính bác sĩ đào tạo theo địa chỉ sử dụng đã góp phần đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho đơn vị.

Theo ông, đến nay có 13 bác sĩ đa khoa, 2 bác sĩ răng hàm mặt, 1 dược sĩ, 1 cử nhân xét nghiệm được phân công về bệnh viện.

Ông Huỳnh Minh Đức cho rằng, Vĩnh Long đã và đang lập mới bệnh viện như các bệnh viện chuyên khoa (Mắt, Lao và Bệnh phổi, Tâm thần), mở rộng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nên việc hỗ trợ đào tạo, bổ sung bác sĩ cho tỉnh là rất cần thiết.

Theo PGS.TS Nguyễn Trung Kiên- Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Cần Thơ, có thể nói trong 4 lĩnh vực hợp tác thì kết quả rõ rệt nhất thể hiện ở đào tạo nguồn lực y tế.

Ông nói sắp tới sẽ tăng cường nội dung này và định hướng sẽ gắn vào đào tạo ĐH chính quy theo địa chỉ sử dụng.

Cần cơ chế, chính sách thu hút tốt!

PGS.TS Nguyễn Trung Kiên nói từ chỗ trường phối hợp đưa “sinh viên y 4” sang thực tập, từ chỉ lĩnh vực nội, nay đã phủ đều ở 4 lĩnh vực nội, ngoại, sản, nhi.

Sắp tới, sẽ đưa “sinh viên y 6” sang thực tập. Đó cũng là cách để hỗ trợ nhân lực cho bệnh viện tỉnh. Xa hơn, nhà trường sẽ có kế hoạch “cắm” cán bộ, giảng viên là người Vĩnh Long để hỗ trợ chuyên môn, tăng cường đào tạo nhân lực tại chỗ cho tỉnh.

GS.TS Phạm Văn Lình- Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y dược Cần Thơ- nói: Nhân lực y tế của tỉnh còn khiêm tốn và nhất là địa phương có cơ chế chính sách thu hút, đãi ngộ bác sĩ chưa thật sự hiệu quả bằng một số tỉnh- thành khác.

Ông ví dụ một số địa phương ở miền Đông Nam Bộ có nơi cấp ngay cho bác sĩ lương tháng 20 triệu đồng, có nơi hỗ trợ hàng trăm triệu đồng tính từ khi ra trường về công tác.

Với Vĩnh Long, các ngành hiếm như lao phổi, tâm thần, pháp y... đã có đưa người đi học. Tuy nhiên, trong quá trình học, nếu không hỗ trợ học phí và về thì không thu hút, đãi ngộ phù hợp thì... khó giữ chân nhân lực!

Vấn đề theo GS.TS Phạm Văn Lình là cần xác định nguồn nhân lực đào tạo chính quy, trong bối cảnh đào tạo liên thông tới đây sẽ siết lại và cần có cơ chế chính sách đãi ngộ phù hợp để thu hút bác sĩ.

Đồng chủ trì hội nghị trên, ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- nói rằng kết quả hợp tác của giai đoạn qua là đáng ghi nhận và làm sao tiếp tục duy trì, phát huy.

Thấy được khó khăn vướng mắc, cũng như đề xuất các bên là điều kiện để ngành y tế tỉnh tham mưu hợp lý, giúp chỉ đạo thực hiện tốt hơn giai đoạn tới.

Trước nhất như vấn đề về đào tạo và thu hút, tỉnh yêu cầu Sở Y tế tổng hợp ý kiến, hoàn chỉnh kế hoạch thu hút nguồn nhân lực y tế trình tỉnh để trình kỳ họp HĐND cuối năm.

Gần chục năm trước, Vĩnh Long vẫn có chính sách này nhưng hiện được cho đã không còn phù hợp nữa!

Trong bối cảnh “dịch chuyển” nguồn nhân lực y tế từ bệnh viện công sang bệnh viện tư như hiện nay, thì rất cần một chính sách thu hút hợp lý và đủ sức hấp dẫn để có thể “kéo” bác sĩ về địa phương công tác.

Theo PGS.TS Nguyễn Trung Kiên, trong nhiệm vụ đào tạo nhân lực y dược ở ĐBSCL, Vĩnh Long là địa phương duy nhất mà trường ký hợp tác toàn diện về lĩnh vực y tế. Và đó là điều kiện thuận lợi cho tỉnh về nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, quản lý y tế, khám chữa bệnh... Sở Y tế dự thảo kế hoạch đến 2020, tỉnh cần Trường ĐH Y dược Cần Thơ đào tạo ĐH chính quy 80 bác sĩ, cử nhân các loại 30 người; liên thông 40 bác sĩ và cử nhân 30 người. Ở trình độ cao hơn, tỉnh có nhu cầu đào tạo 1 tiến sĩ, 5 thạc sĩ, 10 bác sĩ chuyên khoa II, 30 bác sĩ chuyên khoa I.

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh