Thực phẩm là một trong những nhu cầu thiết yếu cho sự tồn tại của con người. Nhưng vì những mục đích khác nhau, nhiều nhà sản xuất và kinh doanh thực phẩm vẫn còn sử dụng chất bảo quản, chất tẩy và các phụ gia trong thực phẩm không hợp lý, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, tổn thất về kinh tế.
Thực phẩm là một trong những nhu cầu thiết yếu cho sự tồn tại của con người. Nhưng vì những mục đích khác nhau, nhiều nhà sản xuất và kinh doanh thực phẩm vẫn còn sử dụng chất bảo quản, chất tẩy và các phụ gia trong thực phẩm không hợp lý, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, tổn thất về kinh tế.
Năm 2009- 2014, tỉnh Vĩnh Long có trung bình 4 vụ ngộ độc thực phẩm/năm, đa số các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra với quy mô nhỏ (dưới 30 người), có 1 ca tử vong.
Riêng năm 2014, có 1 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể lớn với 238 người mắc trong tổng số 370 người ăn và không có ca tử vong. Chủ yếu là do ô nhiễm thực phẩm và bảo quản thực phẩm không an toàn.
Trước tình hình đó, ThS.BS Nguyễn Thị Yến Nhi, bác sĩ chuyên khoa II Văn Công Minh và cộng sự tại Chi cục An toàn thực phẩm Vĩnh Long (Sở Y tế) đã thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh về “Tình hình ô nhiễm vi sinh vật và hóa chất trong một số nhóm sản phẩm thực phẩm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long năm 2015”.
Đề tài đã nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 300 mẫu thực phẩm tại 5 địa bàn thuộc tỉnh Vĩnh Long, gồm: Long Hồ, Tam Bình, Trà Ôn, TX Bình Minh và TP Vĩnh Long (tháng 4/2015- 6/2016); nhằm tìm ra tỷ lệ ô nhiễm Coliforms và E. coli trong nhóm sản phẩm thịt, cá; tỷ lệ sử dụng hàn the trên sản phẩm từ thịt, cá và bánh bột; tình hình sử dụng Formaldehyt trong nhóm bánh bột và tỷ lệ sử dụng chất tẩy trắng sulfit trong rau củ quả muối chua.
Tổ khảo sát đã đến các địa bàn trên, chọn ngẫu nhiên 8 cơ sở sản xuất hoặc kinh doanh cho mỗi nhóm thực phẩm ở mỗi chợ: nhóm có nguồn gốc từ thịt hoặc các sản phẩm từ thịt; nhóm có nguồn gốc từ bột và nhóm có nguồn gốc từ rau củ quả muối chua.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ ô nhiễm Coliforms và E. coli ở các huyện đa số khác nhau. Tỷ lệ ô nhiễm Coliforms ở TX Bình Minh và huyện Long Hồ như nhau (45%). Tỷ lệ nhiễm Coliforms và E. coli cao nhất ở Tam Bình (lần lượt là 85% và 65%) và TP Vĩnh Long có tỷ lệ nhiễm thấp nhất.
Sự ô nhiễm Coliforms, E. coli giữa các loại thực phẩm từ thịt, cá có sự khác biệt. Chả cá có tỷ lệ ô nhiễm Coliforms, E. coli cao nhất (lần lượt là 96% và 64%) và chả quế có tỷ lệ nhiễm thấp nhất (lần lượt là 12% và 8%).
So với số liệu nghiên cứu của các tác giả về thức ăn đường phố tại TP Quy Nhơn (năm 2012), tỷ lệ ô nhiễm vi sinh vật trong thực phẩm ở các tỉnh Tây Nguyên (giai đoạn từ 2008- 2010) và mức độ ô nhiễm E. coli trong sản phẩm giò chả tại TP Thái Bình (năm 2010), kết quả ô nhiễm Coliforms, E. coli trong mẫu chả cá tại các huyện- thị- thành ở Vĩnh Long khá cao, cần xem xét lại điều kiện vệ sinh nơi chế biến và thực hành của người sản xuất cũng như buôn bán.
Tỷ lệ sử dụng hàn the trong nhóm thịt, cá khá cao (30%) và nhóm bánh bột (17%). Điều đáng mừng là huyện Trà Ôn hiện nay không còn thấy sử dụng hàn the trong các sản phẩm bánh bột. 53 mẫu nhóm bánh bột ở các huyện- thị- thành nói trên cho thấy không còn sử dụng Formaldehyt.
Tỷ lệ sử dụng hàn the giữa các sản phẩm bánh bột rất khác nhau, trong đó mì tươi là nhóm sản phẩm có sử dụng hàn the đến 77%, bánh lọt 23%. Các sản phẩm bánh bò, hủ tiếu, bánh phở và bánh canh không tìm thấy chất hàn the.
Tỷ lệ sử dụng chất tẩy trắng chỉ tập trung ở nhóm ngó sen, bồn bồn, măng, củ sen ngâm chua chiếm 100% mẫu kiểm tra. Tất cả đều có sử dụng chất tẩy trắng để tạo hấp dẫn cho sản phẩm. Không tìm thấy chất tẩy trắng Sulfit trên các sản phẩm giá, hoa chuối bào và rau muống.
Trước những kết quả khảo sát được, nhóm nghiên cứu kiến nghị cần tăng cường công tác thanh- kiểm tra thường xuyên theo tháng, đặc biệt các sản phẩm có nguy cơ cao như hàn the trong mì sợi; Sulfit trong nhóm ngó sen, bồn bồn, măng, củ sen ngâm chua.
Đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền tác hại của các hóa chất có thể dẫn đến độc hại nếu sử dụng quá liều.
ThS.BS Nguyễn Thị Yến Nhi
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin