Có nhiều nguy cơ cho trẻ sinh non tháng, nhẹ cân bởi dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, nhiễm trùng so với các trẻ sơ sinh bình thường khác.
Có nhiều nguy cơ cho trẻ sinh non tháng, nhẹ cân bởi dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, nhiễm trùng so với các trẻ sơ sinh bình thường khác.
Điều dưỡng chăm sóc một trẻ sinh non tháng, nhẹ cân (1,5kg) ở khu cấp cứu nhi tại Khoa Nhi. |
Theo số liệu của Khoa Nhi- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay, đơn vị tiếp nhận, theo dõi điều trị 67 ca sơ sinh có biểu hiện suy hô hấp; 24 ca sinh non tháng có biểu hiện tương tự.
Riêng với bệnh nhiễm trùng sơ sinh, nơi đây cũng tiếp nhận xử trí 137 trường hợp, trong đó có cả trẻ sinh đủ tháng và cân nặng, cũng như trẻ sinh non tháng kèm nhẹ cân.
Tại Khoa Nhi, các trường hợp cấp cứu nhi được nhìn nhận quan trọng là bệnh lý ban đầu, sẽ gồm trẻ sơ sinh (dưới 1 tháng tuổi) tiếp nhận ở đơn vị đơn nguyên sơ sinh và còn lại là trẻ lớn hơn 1 tháng tuổi.
Theo bác sĩ Châu Thị Anh Thư- bác sĩ điều trị tại Khoa Nhi, thường trẻ sinh ra dưới 37 tuần tuổi được coi là non tháng. Khi đó trẻ sẽ có nhiều vấn đề bệnh lý: hạ thân nhiệt, những vấn đề toàn thân như hệ thống thần kinh, hô hấp, phổi... phát triển chưa hoàn chỉnh.
Ngoài những vấn đề về tim mạch, hay gặp nhất ở trẻ sinh non tháng là bệnh màng trong và vấn đề tiêu hóa, nhiễm trùng từ trong bào thai. Trong đó vấn đề tiêu hóa thường ở trẻ sinh non tháng là viêm ruột hoại tử, còn bệnh màng trong là bệnh lý suy hô hấp do phổi phát triển chưa hoàn chỉnh.
Trong tất cả biểu hiện bệnh lý này ở trẻ sinh non tháng, nhẹ cân hoặc sinh vẫn đủ tháng nhưng gặp các vấn đề bệnh lý, thường được đưa vào cấp cứu nhi để theo dõi, can thiệp.
Với trường hợp suy hô hấp, bệnh màng trong của bệnh nhi sơ sinh tại đây đa số đáp ứng tốt với quá trình điều trị. Hay nhiễm trùng sơ sinh, can thiệp bằng kháng sinh cũng đáp ứng tốt.
Từ thực tế chăm sóc, điều trị, bác sĩ Anh Thư cho biết đơn vị đã từng nuôi trẻ sinh cực non (dưới 30 tuần tuổi) và cực nhẹ cân (dưới 1.000g, thường trẻ sơ sinh dưới 2.500g thì coi là nhẹ cân).
“Trường hợp đó phải chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc điều trị bệnh lý đi kèm phức tạp. Và thường để ổn định, ra viện thì trẻ nằm không dưới 1 tháng trời”- bác sĩ Anh Thư cho biết.
Vấn đề đặt ra là các sản phụ cần làm tốt việc dự phòng trước sinh. Các bác sĩ lĩnh vực sản và nhi khuyến cáo các bà mẹ nên theo dõi thai định kỳ, tuân thủ hướng dẫn bác sĩ sản khoa. Bởi có trường hợp mẹ khám sản khoa phát hiện hở eo tử cung, sau đó khâu lại, tuy nhiên vì yếu tố lối sống mà đi lại nhiều, làm việc nặng, khiến nguy cơ sinh non cao hơn.
Sinh non sẽ rất cực lúc chăm sóc ban đầu và nuôi nấng sau đó. Theo bác sĩ, khi người mẹ có kiến thức dự phòng tiền sản tốt, sẽ giảm được nguy cơ sinh non và yếu tố bệnh lý nếu có với trẻ sơ sinh.
Bên cạnh là theo dõi để biết các dấu hiệu của con mình (điều kiện con sơ sinh được nằm gần mẹ), cố gắng nuôi con bằng sữa mẹ, tiêm vắc xin đầy đủ cho trẻ để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm...
Bác sĩ lưu ý: Người nhà thấy trẻ có biểu hiện bệnh lý có trường hợp cho trẻ uống thuốc dân gian. Có trường hợp người nhà cho em bé uống mật con cá éc theo bài thuốc dân gian khi thấy trẻ có biểu hiện khò khè. Thực tế điều trị tại đơn vị cấp cứu nhi có tiếp nhận trường hợp như vậy cho thấy, bé bị ngộ độc, nhiễm trùng nặng. Bác sĩ kể không chỉ trẻ nhỏ, trẻ lớn khò khè, nôn ói cũng được cha mẹ cho dùng thuốc Tàu... |
Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin