Số liệu từ nghiên cứu của Hội Tim mạch học Việt Nam nêu (năm 2016): khoảng 48% người dân hiện nay tăng huyết áp.
Số liệu từ nghiên cứu của Hội Tim mạch học Việt Nam nêu (năm 2016): khoảng 48% người dân hiện nay tăng huyết áp.
Với việc chiếm tỷ lệ cao trong cộng đồng và ngày càng xuất hiện nhiều ở những người trẻ (40, 50 tuổi thay vì trước đây từ 60 trở đi), tăng huyết áp trở thành nguyên nhân đe dọa hàng đầu trong số các bệnh không lây nhiễm.
Đi chợ, làm việc nội trợ trong nhà, chơi thể thao, tập thể dục... là các hình thức vận động hàng ngày nâng cao sức khỏe, hạn chế bệnh tật. Trong ảnh: Người cao tuổi tập thể dục dưỡng sinh buổi sáng, người trẻ chơi thể thao. |
Tăng huyết áp đe dọa và trẻ hóa
Bệnh nhân Nguyễn Văn H. (54 tuổi, ngụ xã Trung Hiệp- Vũng Liêm) được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long và bác sĩ chẩn đoán xuất huyết não.
Bệnh nhân khi đó hôn mê, liệt nửa người, huyết áp lên tới 200/140 mmHg, có lúc lên 220/140 mmHg. Nguyên nhân gây triệu chứng do tăng huyết áp. Trong khi một người có huyết áp bình thường nằm trong khoảng 100-120/60-80 mmHg.
Tương tự, bệnh nhân Nguyễn Thanh H. (ngụ xã An Bình- Long Hồ) cũng vào viện với tình trạng chẩn đoán xuất huyết não. Sau điều trị 3 ngày, hiện bệnh nhân được đưa ra khỏi khu hồi sức tích cực.
Bác sĩ Hồ Bích Thủy- Trưởng Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực và chống độc thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long cho biết: Có thể đến 2 tuần mới đánh giá được ca này di chứng hay... khả năng xấu hơn! Trường hợp bệnh nhân 54 tuổi ở trên, tình trạng bệnh cũng đang phải theo dõi.
Đây là 2 trong số rất nhiều trường hợp xuất huyết não, nhồi máu não, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận,... biến chứng do tăng huyết áp gây ra.
Theo bác sĩ Hồ Bích Thủy, khi một người “có tuổi” ít hoặc không tầm soát huyết áp định kỳ để kiểm soát huyết áp ở mức bình thường, thì tăng huyết áp sẽ gây biến chứng trên “các cơ quan đích” tim, não, thận.
Bên cạnh, tình trạng “trẻ hóa” tăng huyết áp ở người dân hiện nay là thực tế và đáng báo động. Nêu số liệu nghiên cứu của Hội Tim mạch học Việt Nam, bác sĩ Hồ Bích Thủy cho biết: Khoảng 48% người Việt mắc bệnh tăng huyết áp. Hay cụ thể hơn, cứ 10 người lớn thì có gần 5 người bị tăng huyết áp.
Tránh những tai biến do tăng huyết áp
Theo bác sĩ Bích Thủy, đa số bệnh nhân vào viện với tình trạng bệnh đột quỵ hay tim mạch thường biểu hiện: đột ngột khó thở (suy tim, có thể do tăng huyết áp ác tính); đau ngực dữ dội, khó thở (nhồi máu cơ tim); bệnh nhân đột ngột nhức đầu, nôn ói, hôn mê (xuất huyết não); bệnh nhân đột ngột đớ lưỡi, nói khó nghe, liệt một bên người (nhồi máu não)...
Thực tế tại Vĩnh Long, tình hình người dân đến bệnh viện tỉnh khám bệnh tại Khoa Nội tim mạch hay đưa đến Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực khi bệnh nặng, lượng bệnh liên quan đến biến chứng của tăng huyết áp cũng cao.
Tỷ lệ người bệnh tăng huyết áp trong cộng đồng cao, đồng nghĩa việc nguy cơ cao đối với các bệnh không lây nhiễm hiện nay.
Đó là những bệnh nhân mang các yếu tố: tuổi (từ 45 tuổi trở đi, trẻ hóa so trước đây từ 60 tuổi trở đi), gia đình có cha, mẹ tăng huyết áp, do lối sống ít vận động, do béo phì,...
Và với “cơ chế” lối sống hiện đại hiện nay, nguy cơ tăng huyết áp và trẻ hóa lượng người bệnh tăng huyết áp được coi là đe dọa hàng đầu.
Với những người chưa tầm soát huyết áp lần nào hoặc người có bệnh huyết áp nhưng chưa từng điều trị sẽ có nguy cơ cao dẫn đến các biến chứng như đã nêu.
“Hầu như tất cả các cơ sở y tế đều có đo, tầm soát huyết áp, quan trọng là ý thức của người dân với việc kiểm tra, kiểm soát huyết áp của mình. Ít nhất nên 6 tháng một lần thực hiện kiểm tra huyết áp, đảm bảo kiểm soát tốt huyết áp”- bác sĩ Hồ Bích Thủy đưa ra lời khuyên.
Theo cảnh báo của chuyên gia y tế: chúi đầu vào điện thoại hay máy tính bảng nhiều giờ liền; ít vận động; ăn uống thiếu khoa học, béo phì và “kẻ thù” hàng đầu gây tăng huyết áp... là nguyên nhân khiến nhiều người- đặc biệt là giới trẻ- bị đột quỵ. |
Bài, ảnh: MINH THÁI
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin