Đông y Vĩnh Long: Vươn lên "tầm cao và tâm sáng"

07:02, 16/02/2017

Không ngừng nâng cao tay nghề, ứng dụng những kiến thức mới, mô hình mới vào nền y học cổ truyền, để hướng đến mục đích cao cả của một người thầy thuốc, tận tâm, tận lực xoa dịu nỗi đau thể xác, tinh thần của bệnh nhân. 

 

Bình Tân, Bình Minh là 2 đơn vị có thế mạnh sưu tầm dược liệu. Trong ảnh: Bà con khai thác củ cỏ cú.
Bình Tân, Bình Minh là 2 đơn vị có thế mạnh sưu tầm dược liệu. Trong ảnh: Bà con khai thác củ cỏ cú.

Không ngừng nâng cao tay nghề, ứng dụng những kiến thức mới, mô hình mới vào nền y học cổ truyền, để hướng đến mục đích cao cả của một người thầy thuốc, tận tâm, tận lực xoa dịu nỗi đau thể xác, tinh thần của bệnh nhân.

Đó là những gì mà đội ngũ thầy thuốc Đông y Vĩnh Long đã, đang và sẽ tiếp tục hướng đến, cùng nhau đoàn kết, sát cánh dưới “mái nhà chung” là Hội Đông y tỉnh Vĩnh Long.

Nâng cao tầm vóc, vai trò của hội

Đại hội Đại biểu Đông y tỉnh Vĩnh Long khóa V, nhiệm kỳ 2016- 2021, khai mạc trong những ngày tháng Giêng, càng có thêm ý nghĩa đặc biệt, khi mà ngành y học cổ truyền nước ta vừa dâng hương, thành tâm hướng về vị Sư tổ ngành y Việt Nam- Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (ngày rằm tháng Giêng).

Đội ngũ thầy thuốc thêm khắc ghi, hằng nhớ y đức cao cả và những lời y huấn về một nghề rất đặc thù, vốn được xem là cái đạo- “đạo cứu người”.

Càng đáng tôn vinh, trân trọng hơn khi mà đội ngũ thầy thuốc Đông y dám dấn thân, chọn cho mình một lối đi đầy “chông gai” trong điều kiện mà việc hành nghề của từng cá nhân, từng cấp hội luôn bị bủa vây giữa rất nhiều khó khăn về vật chất lẫn tinh thần. Do đó, ý nghĩa nhân văn về nghề càng được nhân lên gấp bội.

Tuy được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các ngành chức năng giúp Hội Đông y hoạt động, nhưng vẫn là sự khó khăn kéo dài từ các nhiệm kỳ trước về việc thực hiện chế độ chính sách đối với Hội Đông y các cấp.

Chế độ chính sách của Nhà nước đối với đào tạo nguồn nhân lực chủ chốt của hội chưa được quan tâm đúng mức, nên khi cán bộ hội được học nâng cao đúng trình độ thì bỏ việc. Mặt khác, Bộ Y tế chưa ban hành khung chương trình chuẩn về đào tạo lương y, lương dược nên nguồn nhân lực kế thừa của hội hầu như không có...

Tuy nhiên, nhìn lại hơn 20 năm qua, khi mà Thầy thuốc ưu tú, BS CK II Nguyễn Hồng Trung gầy dựng nên Hội Đông y tỉnh từ rất nhiều khó khăn, thiếu thốn; đến nay, nhìn lại có thể tự hào về những thành quả đạt được, sự đóng góp to lớn của đội ngũ thầy thuốc y học cổ truyền cho công tác khám, chữa bệnh trong toàn tỉnh.

Hệ thống hội đã phủ đều các cấp, tạo nên một hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, làm bệ phóng cho ngành Đông y Vĩnh Long không ngừng lớn mạnh, hiện đại và khoa học hơn.

Với 161 phòng chẩn trị ở các cấp hội, cùng với các cơ sở khám chữa bệnh đặt ở các chùa chiền, nơi thờ tự, tính riêng trong nhiệm kỳ qua (2011- 2016), công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đạt được con số ấn tượng với 3.889.926 lượt người.

Trong đó, thuốc Nam là: 9.054.617 thang; thuốc Bắc: 230.102 thang; châm cứu, xung điện: 1.334.992 lượt; các phương pháp khác: 241.621 lượt.

Qua 5 năm khám, chữa bệnh miễn phí, từ thiện xã hội và thu hái dược liệu đã góp phần an sinh xã hội với tổng giá trị phúc lợi gần 83 tỷ đồng, so với nhiệm kỳ trước tăng trên 64,5 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 355,3%.

Kho thuốc Nam của phòng chẩn trị Thị hội Bình Minh.

Vườn thuốc mẫu của lương y Lê Văn Sanh ở thị trấn Vũng Liêm.

Thành quả ấn tượng

Trong điều kiện khó khăn, nhưng mỗi cấp hội đều cố gắng nỗ lực vượt qua, sáng tạo nhiều hình thức hoạt động, nhiều mô hình hay vào công tác khám chữa bệnh, nuôi trồng và sưu tầm dược liệu, cũng như các công tác từ thiện, an sinh xã hội đạt được những con số ấn tượng.

Đặc biệt, Thị hội Bình Minh là đơn vị duy nhất thực hiện mô hình xe chuyển bệnh từ thiện, góp phần phục vụ cho công tác khám chữa bệnh tại Thị hội, trong nhiệm kỳ đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh và mua xe chuyển bệnh với trên 700 triệu đồng.

Đây là đơn vị có mô hình xe chuyển bệnh từ thiện đầu tiên của Tỉnh hội và so với các tỉnh bạn, rất được biểu dương.

Đối với Đông y, công tác sưu tầm, nuôi trồng dược liệu là vô cùng quan trọng, vừa đảm bảo đủ nguồn thuốc cung cấp cho các phòng chẩn trị, vừa bảo tồn được nguồn thuốc quý.

Nuôi trồng dược liệu theo mô hình “vườn thuốc 97” có tổng số 117 vườn thuốc Nam mẫu được trồng theo danh mục của Bộ Y tế quy định 9 nhóm bệnh và 60 cây thuốc có bảng tên, bộ phận dùng, công dụng từng cây thuốc, nhằm giới thiệu cho người dân đến chữa bệnh tại Hội Đông y cấp huyện và cấp xã, biết nhận dạng và sử dụng để phòng và chữa một số bệnh thông thường.

Ngoài vườn thuốc của xã Tân Quới, Huyện hội Bình Tân đã vận động các hộ dân tự nguyện nuôi trồng thuốc Nam xen vườn cây ăn trái với diện tích 11.000m2.

Huyện hội Tam Bình vận động hội viên tận dụng đất vườn trồng dược liệu làm thuốc cung cấp cho các phòng chẩn trị với diện tích 13.000m2; Huyện hội Vũng Liêm có 3 vườn thuốc đại trà với diện tích 9.000m2: vườn thuốc của lương y.

Lê Văn Sanh ở thị trấn Vũng Liêm với 4.000m2 được Sở Khoa học- Công nghệ tỉnh Vĩnh Long giới thiệu cho Viện Lúa ĐBSCL thực hiện đề tài: “Nghiên cứu điều tra bổ sung, xây dựng bản đồ dược liệu, bảo tồn tài nguyên nguồn cây thuốc Nam bản địa tỉnh Vĩnh Long” vào tháng 12/2015...

Đặc biệt, Hội Đông y huyện Bình Tân có 7 tổ sưu tầm dược liệu với 130 tổ viên và một nhà kho thuốc Nam, hàng năm đều tổ chức đi sưu tầm khai thác thu hái cây thuốc trong và ngoài tỉnh.

Mang tính truyền thống và duy trì mỗi năm là Hội Đông y xã Trường An (TP Vĩnh Long) trong khuôn viên thiền viện Ngọc Hạnh, thực hiện mỗi năm thu hái thảo dược quý hiếm tại vùng rừng núi huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng; Nhà kho thuốc Nam xã Tân Lược huyện Bình Tân tổ chức thu hái thuốc núi ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Đồng Nai...

Vườn thuốc mẫu của lương y Lê Văn Sanh ở thị trấn Vũng Liêm.
Kho thuốc Nam của phòng chẩn trị Thị hội Bình Minh.

Dự họp mặt kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Hội Đông y Việt Nam trong cuộc họp mặt những “Thầy thuốc Đông y tiêu biểu ” tại phủ Chủ tịch ngày 17/8/2016, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh lưu ý: “Các cấp hội cần chú trọng đào tạo thầy thuốc Đông y, đông về số lượng, đảm bảo và ngày càng nâng cao về chất lượng, trong sáng về y đức.

Hội Đông y Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu, kế thừa, bảo tồn và phát triển các bài thuốc, vị thuốc quý; tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng phương pháp Đông y, đặc biệt là kết hợp Đông y và y học hiện đại ở các cơ sở y tế tuyến huyện, xã”.

Đó cũng là phương châm, phương hướng của Hội Đông y tỉnh Vĩnh Long; với tinh thần, khí thế mới, đội ngũ lãnh đạo nhiệm kỳ V (2016- 2021), sẽ kế thừa, tiếp bước truyền thống thế hệ trước, đưa Hội Đông y tỉnh tiếp tục vững mạnh, đoàn kết hoàn thành vai trò, sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc Đông y.

  • Đối với chỉ tiêu khám chữa bệnh, các cấp hội phấn đấu từ nay cho đến hết nhiệm kỳ khóa V (2016- 2021): Khám chữa bệnh 4.000.000 lượt. Trong đó, thuốc Nam: 9.500.000 thang; thuốc Bắc: 300.000 thang; châm cứu, xung điện: 1.700.000 lượt; các phương pháp khác: 300.000 lượt. Dịch vụ miễn phí đạt 50 tỷ đồng.

 

 

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh