Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long (Sở Y tế) vừa thông tin diễn biến bệnh truyền nhiễm sốt xuất huyết, tay chân miệng (SXH, TCM) gần tháng rưỡi qua tại tỉnh: dù tổng số ca bệnh thống kê có số mắc giảm so cùng kỳ năm ngoái, nhưng tính từ tuần 3- 5 năm nay, số ca mắc lại có chiều hướng gia tăng.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long (Sở Y tế) vừa thông tin diễn biến bệnh truyền nhiễm sốt xuất huyết, tay chân miệng (SXH, TCM) gần tháng rưỡi qua tại tỉnh: dù tổng số ca bệnh thống kê có số mắc giảm so cùng kỳ năm ngoái, nhưng tính từ tuần 3- 5 năm nay, số ca mắc lại có chiều hướng gia tăng.
Số ca mắc bệnh truyền nhiễm mùa Đông Xuân tuy có giảm so cùng kỳ năm trước, nhưng đã có chiều hướng tăng dần (ảnh minh họa). |
Theo báo cáo của Sở Y tế, trong tháng 1 vừa qua, số mắc TCM ghi nhận trên toàn tỉnh là 169 ca, giảm 232 ca (57,85%) so cùng kỳ năm 2016 (401 ca).
Cùng đó, SXH với 90 ca mắc trong tháng đầu năm nay, cũng giảm 19 ca (17,43%) so cùng kỳ. Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng- cho biết, dù chưa phải vào cao điểm mắc và bùng phát SXH, TCM, nhưng các ca bệnh với số mắc có chiều hướng gia tăng từ tuần 3-5 của năm nay. “Thời tiết đầu năm bất thường (các trận mưa hôm mùng 5- 7 tết vừa rồi), đã tạo điều kiện để SXH, TCM hay các bệnh mùa xuân như thủy đậu, sởi có nguy cơ bùng phát”- bác sĩ Huỳnh Thanh Tân nhận định.
Theo chuyên gia y tế, hội chứng TCM xuất hiện khoảng chục năm trở lại đây và được gọi là bệnh mới nổi. Trước diễn biến số ca bệnh có hầu như quanh năm tại hầu hết các địa phương- nhất là vùng ĐBSCL- nay ngành y tế còn gọi bệnh truyền nhiễm này là “bệnh lưu hành tại địa phương”.
Số liệu của Bộ Y tế cho thấy, hiện đã ghi nhận gần 2.100 ca bệnh TCM tại 57 tỉnh- thành trên cả nước trong hơn tháng đầu năm nay. Trong đó, đã ghi nhận 1 trẻ 19 tháng tuổi tại tỉnh Trà Vinh tử vong.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sau tết là “mùa” dịch bệnh TCM ở khu vực phía Nam, trong đó cao điểm “đỉnh dịch” từ tháng 3- 5 hàng năm (đợt 1).
Trước tình hình này, bác sĩ Huỳnh Thanh Tân dự báo “TCM sẽ tiếp tục có chiều hướng gia tăng kéo dài đến đợt đỉnh dịch nói trên trên địa bàn”.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Phan Văn Năm- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, TCM là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút thuộc nhóm Enterovirus 71 (EV71) gây ra.
Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh và thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi.
Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân, dấu hiệu nhận biết của TCM là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước, thường thấy ở lòng bàn tay, bàn chân.
Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng, gây các biến chứng nguy hiểm như viêm não- màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, nguy cơ tử vong cao.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, phản ánh năm ngoái cho thấy đa số ca bệnh TCM khám và điều trị nội trú tại đây là ở mức độ nhẹ (nhiều nhất là độ I, IIA, IIB). Vẫn có nhưng chiếm rất ít ca bệnh nặng và đều được đơn vị xử trí thành công.
Báo cáo Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các bệnh viện tuyến huyện cho biết, trong sinh hoạt hội đồng người bệnh gần đây nhất đã lồng ghép tuyên truyền các bệnh nguy cơ mắc cao, phức tạp hay gặp ở mùa Đông Xuân: nhiễm trùng, viêm phổi, hen phế quản, sỏi đường mật, ngộ độc thực phẩm, SXH, TCM...
Còn bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo phụ huynh nên chủ động thực hiện các lời khuyên y tế, báo đài để phòng TCM cho con em mình. Trong đó, chú ý đặc biệt đến vệ sinh cá nhân, ăn uống cho trẻ nhỏ và cả người lớn để phòng bệnh hiệu quả.
Không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay; lau sạch tay nắm cửa và tay vịn cầu thang Đó là một số trong hàng loạt biện pháp đơn giản để góp phần hạn chế nguy cơ mắc bệnh TCM cho trẻ, mà phụ huynh ít chú ý và dễ bỏ qua. Theo đó, người dân cần tuân thủ các biện pháp: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng cho trẻ em lẫn người lớn, nhất là trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn hay trước khi ẵm bồng em bé, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ nhỏ. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi. Thường xuyên lau sạch bề mặt, dụng cụ mà trẻ nhỏ tiếp xúc hàng ngày: đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn ghế, sàn nhà... nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây truyền hoặc mắc bệnh TCM. |
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin