Nhân việc can thiệp phẫu thuật, cứu sống các bệnh nhân bị vết thương tim và viêm tụy cấp nặng năm qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long đã đúc kết được kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân- nhất là đối với các ca bệnh hiếm gặp tại tỉnh.
Nhân việc can thiệp phẫu thuật, cứu sống các bệnh nhân bị vết thương tim và viêm tụy cấp nặng năm qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long đã đúc kết được kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân- nhất là đối với các ca bệnh hiếm gặp tại tỉnh.
Một bệnh nhân bị tai nạn giao thông tổn thương tim cũng được can thiệp cứu sống. |
Can thiệp cứu 5 ca bị thương tim
Vết thương tim là một cấp cứu ngoại khoa tối khẩn cấp và khả năng tử vong cao với 2 thể lâm sàng chính: sốc mất máu cấp, chèn ép tim cấp.
Có nhiều nguyên nhân gây vết thương tim như vật sắc nhọn đâm (thường gặp) hay do hỏa khí (hiếm gặp, tỷ lệ tử vong rất cao). Hay một số nguyên nhân khác như đầu xương sườn gãy, xương ức đâm thủng,... Tất cả bệnh nhân có vết thương xuyên ngực từ vùng cổ, bụng xuyên cơ hoành hay từ vùng lưng đặc biệt là vùng trước ngực đều có thể gây vết thương tim.
Thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, những năm gần đây đơn vị đã can thiệp, phẫu thuật thành công 5 trường hợp bị vết thương tim. Hầu hết họ đã trở về cuộc sống bình thường, hồi phục.
Như bệnh nhân nam 21 tuổi tên Q.H.Đ. (xã Thanh Đức- Long Hồ), đầu tháng 6 năm ngoái bị đâm bằng vật nhọn vào vùng ngực và vai, chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Khám lâm sàng bệnh nhân biểu hiện: lừ đừ, da hơi xanh, niêm mạc hồng nhạt, tiếng tim mờ tần suất 100 lần/phút, bụng trướng nhẹ và ấn thì đau khắp bụng...
Tiến hành các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán “bệnh nhân bị vết thương tim gây tràn dịch màng tim, thể chèn ép tim cấp”.
Theo bác sĩ Trần Văn Nhiều- Trưởng Khoa Ngoại và là bác sĩ mổ chính ca này, đây là thể lâm sàng điển hình chèn ép tim cấp do vết thương tim, cần phải mở ngực lấy máu tụ và khâu lỗ thủng cơ tim khẩn cấp mới có thể cứu bệnh nhân.
Trước đó, bệnh nhân được chuyển thẳng từ khoa cấp cứu lên phòng mổ, sau đó vừa mổ vừa hồi sức. Sau khi phẫu thuật lấy máu cục, máu loãng màng ngoài tim giải áp, sức co bóp cơ tim phục hồi, nhịp tim ổn định, huyết áp nâng lên.
Bác sĩ Hồ Hoàng Hảo- Trưởng Khoa Gây mê hồi sức lưu ý, nếu bệnh nhân bị vết thương tim kèm tràn máu- tràn khí màng phổi thì phải dẫn lưu màng phổi trước khi gây mê, thở máy để đề phòng tràn khí màng phổi.
Bệnh nhân sau đó được tiến hành các biện pháp hồi sức sau mổ và sớm ổn định trước khi chuyển ra khỏi khu vực hồi sức để điều trị ổn định.
Lọc máu liên tục cứu bệnh viêm tụy cấp nặng
Được chuyển giao từ tuyến trên, kỹ thuật lọc máu liên tục ở Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực và chống độc đã giúp cứu sống nhiều bệnh nhân.
Tháng 9/2016, bệnh nhân nam 43 tuổi (thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành- Đồng Tháp) chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long do đau bụng thượng vị, nôn ói, bụng mềm trướng nhẹ, uống thuốc không giảm. Tiền căn bệnh nhân: nghiện rượu.
Làm các xét nghiệm sau đó, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân viêm tụy cấp nặng, biến chứng choáng; rối loạn lipid máu, theo dõi suy thận cấp.
Theo bác sĩ Hồ Bích Thủy- Trưởng Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực, bệnh nhân sau đó có chỉ định lọc máu liên tục và thực hiện theo phương thức TPE duy nhất 6 giờ. Sau lọc máu, người bệnh tỉnh táo, giảm đau bụng, huyết áp và mạch trở lại bình thường...
Bác sĩ Hồ Bích Thủy cho biết thêm, kết quả trước và sau lọc máu liên tục, bệnh nhân đã cải thiện rõ rệt về lâm sàng và cận lâm sàng, ổn định sau lọc máu. Thời gian nằm viện rút ngắn, bệnh nhân sớm ổn ra viện.
Trước đó tương tự ca bệnh trên, bệnh nhân nữ 19 tuổi (xã Thanh Đức- Long Hồ) cũng vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh với tiền sử đau bụng âm ỉ thượng vị, nôn ói nhiều lần (khoảng 10 lần) và có mua thuốc uống nhưng không giảm. Tiền căn bệnh nhân: thể trạng mập, gan nhiễm mỡ.
Chẩn đoán bệnh nhân này là viêm tụy cấp nặng. Chỉ định đối với bệnh nhân trên cũng là lọc máu liên tục. Kết quả sau lọc máu đã cải thiện sinh hiệu, tình trạng bệnh và ngày điều trị ngắn lại, sớm xuất viện.
Theo bác sĩ Hồ Bích Thủy, qua 2 trường hợp viêm tụy cấp nặng được lọc máu liên tục cho thấy hiệu quả cải thiện các dấu hiệu: tỉnh táo hơn, nhịp tim giảm, nâng huyết áp (như nam bệnh nhân vận mạch chỉ 4 giờ rồi ngưng, hết đau bụng, hết nôn ói, dịch dạ dày chuyển sang vàng trong).
Kiến nghị của Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực là nên tiến hành lọc máu liên tục sớm cho bệnh nhân viêm tụy cấp nặng có suy tạng, rối loạn lipid máu. Nếu để chậm, số tạng suy tăng lên sẽ làm giảm hiệu quả điều trị. Về mặt nhân lực, cần bổ sung đầy đủ tại khoa để có thể lọc máu liên tục ở mọi thời điểm cần thiết, cứu sống bệnh nhân.
|
Cần trên tinh thần sẵn sàng điều kiện về nhân lực, phương tiện kỹ thuật để có phương án tối ưu nhất trong tình huống khẩn cấp cứu sống bệnh nhân, nhất là các bệnh phức tạp, hiếm gặp. |
- Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin