Tiêu chảy là bệnh truyền nhiễm thường quy có số mắc nhiều vào mùa khô nóng. Dịp lễ tết cũng là một trong các điều kiện để số ca mắc hay ổ dịch tiêu chảy tăng cao hơn trong bối cảnh thời tiết thuận lợi, đồ ăn thức uống nhiều.
Tiêu chảy là bệnh truyền nhiễm thường quy có số mắc nhiều vào mùa khô nóng. Dịp lễ tết cũng là một trong các điều kiện để số ca mắc hay ổ dịch tiêu chảy tăng cao hơn trong bối cảnh thời tiết thuận lợi, đồ ăn thức uống nhiều.
Giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống xung quanh là yếu tố góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm. |
Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Vĩnh Long, thông tin ở góc độ phòng bệnh: bất kỳ thời điểm nào trong năm nhưng phổ biến vẫn là các dịp lễ tết và thời điểm khô nóng, nguy cơ trẻ bị tiêu chảy cấp thường cao hơn, nhất là tiêu chảy do Rotavirus (vi rút Rota).
Thống kê chưa đầy đủ của đơn vị này, từ tháng 1-12 năm nay, có khoảng 3.350 ca bệnh tiêu chảy.
Bác sĩ Võ Thị Thu Hương- quyền Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long) nói: Tiêu chảy cấp đối với trẻ em có thể xảy ra do vi rút Rota và Enterovirus 71 (vi rút EV71).
Nếu tiêu chảy do vi rút Rota thì trẻ có biểu hiện sốt từ nhẹ tới cao, nôn ói trong 1-2 ngày, đi tiêu 5-6 lần/ngày, phân có nhiều nước. Vi rút EV71 là siêu vi trùng là nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng, đồng thời gây tiêu chảy cấp.
Theo bác sĩ Thu Hương, có trường hợp bệnh nhi tiêu chảy cấp với biểu hiện nôn ói ồ ạt mà nguyên nhân gây bệnh do vi rút EV7. Khả năng dẫn đến tử vong cao với trường hợp này khi không chẩn đoán được sớm và điều trị ngay.
Tại Khoa Nhiễm- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, bác sĩ Cao Thị Ánh Loan- Phó Khoa Nhiễm cho biết: Hầu như ngày nào cũng có ca bệnh tiêu chảy vào điều trị và hầu hết là tiêu chảy người lớn.
Theo bác sĩ Ánh Loan, đây đều là những trường hợp sinh hiệu ổn, điều trị bình thường để phục hồi, thường sau 3 ngày là hồi phục, xuất viện. “Nguyên nhân tiêu chảy ở đối tượng này thường do ăn uống”.
Theo các bác sĩ, trên thực tế là có ca bệnh đến viện trễ hoặc bệnh cảnh nặng: tình trạng ngộ độc nặng, tiêu chảy nhiều và liên tục, uống nước không được,... có thể dẫn đến choáng nhiễm trùng hay suy thận cấp, nguy cơ tử vong. Những trường hợp này thường được điều trị ở khu cấp cứu hồi sức tích cực.
Trong các nguyên nhân gây tiêu chảy cấp do nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, ngoài bù nước và ăn uống phù hợp, bệnh nhân cần được sử dụng kháng sinh đúng với tác nhân gây bệnh (tả, lỵ trực trùng, lỵ amíp) theo phác đồ điều trị.
“Vấn đề đảm bảo vệ sinh cá nhân, an toàn vệ sinh thực phẩm trong ăn uống là rất quan trọng đối với khả năng bị hoặc không mắc bệnh tiêu chảy”- bác sĩ khái quát.
Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân, phụ huynh nên cho trẻ đi uống đầy đủ vắc xin phòng bệnh. Khi thấy trẻ có biểu hiện đau bụng, nôn ói, tiêu chảy nhiều lần trong ngày thì đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị.
Tiêu chảy lây qua đường tiêu hóa, trong ăn uống có thể thức ăn không đảm bảo vệ sinh thực phẩm thì các siêu vi, vi khuẩn, độc tố trong thức ăn... sẽ ảnh hưởng tiêu hóa, gây bệnh tiêu chảy.
Khi bệnh nhân bị tiêu chảy, đừng lầm với bị nôn ói mà hạn chế ăn uống. Nên ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn ít, uống đều, nghỉ ngơi hợp lý để nhanh hồi phục khi bệnh.
Những sai lầm mà phụ huynh thường gặp và xử trí với tình huống con em mắc bệnh tiêu chảy: cho trẻ nhịn ăn; nôn nóng cho trẻ uống thuốc cầm tiêu chảy; uống dung dịch nước biển khô thay nước sôi để nguội; cứ nghĩ là phải truyền nước biển; cho trẻ nhịn ăn, nhịn uống vì tiêu chảy kèm theo nôn ói; chủ quan không đưa trẻ đi khám điều trị. Bác sĩ chuyên khoa sẽ có khuyến cáo thích hợp đối với các lầm tưởng không nên này. |
Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin