Những điều cần biết khi da bị mẩn đỏ do dị ứng thời tiết

01:12, 01/12/2016

Theo BS Trần Thiên Tài, những người dị ứng với thời tiết lạnh cần giữ ấm cơ thể, sử dụng các loại kem dưỡng ấm cho da, tránh mặc quần áo quá chật.

Theo BS Trần Thiên Tài, những người dị ứng với thời tiết lạnh cần giữ ấm cơ thể, sử dụng các loại kem dưỡng ấm cho da, tránh mặc quần áo quá chật.

Rất nhiều độc giả gửi thư hỏi rằng, vì sao mỗi khi thời tiết thay đổi, làn da của họ thường bị mẩn đỏ, ngứa, nổi mụn và rất khó chịu?

Giải thích điều này, BS Trần Thiên Tài, phòng khám Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho rằng, dị ứng là một bệnh lý thường gặp, đặc biệt là dị ứng thời tiết.

Dị ứng là tình trạng quá mẫn của cơ thể, khi cơ thể tiếp xúc với các yếu tố môi trường bên ngoài (đôi khi các yếu tố này là vô hại đối với những chủ thể khác), qua hàng loạt các phản ứng của hệ miễn dịch trong cơ thể, khi đó các hóa chất trung gian (histamine đóng vai trò quan trọng nhất) được phóng thích, gây ra các tình trạng như kích thích các đầu tận cùng dây thần kinh gây ngứa, tăng tính thấm thành mạch gây sưng phù, gây co thắt cơ trơn…

BS Trần Thiên Tài khám bệnh cho bệnh nhân bị dị ứng da do thời tiết.
BS Trần Thiên Tài khám bệnh cho bệnh nhân bị dị ứng da do thời tiết.

Theo BS Tài, thời tiết là một trong những yếu tố dễ gây dị ứng, đặc biệt với những người có yếu tố cơ địa. Các biểu hiện lâm sàng của dị ứng thời tiết khá đa dạng, có thể biểu hiện ở da gây ra các tình trạng ngứa da, nổi mẩn đỏ, sưng phù ở da.

Dị ứng thời tiết cũng có thể biểu hiện ở mũi như ngứa mũi, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi gây viêm mũi dị ứng hoặc ở đường hô hấp với biểu hiện co thắt phế quản trong bệnh hen phế quản,…Trong đó, biểu hiện ở da và mũi là rất thường gặp.

BS Tài lưu ý: dị ứng thời tiết có thể xảy ra quanh năm nhưng thường vào những mùa nắng nóng, mùa đông, thời điểm giao mùa hay khi thời tiết thay đổi đột ngột, vùng da tiếp xúc sẽ xuất hiện các triệu chứng như ngứa ít hoặc nhiều, cảm giác châm chích, phát ban, nổi sẩn đỏ, sưng phù,…

Với thời tiết nóng sẽ làm cho cơ thể ra nhiều mồ hôi, bề mặt da luôn ẩm ướt, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, từ đó gây nên tình trạng viêm nhiễm, nổi sẩn ngứa khó chịu.

Với thời tiết lạnh, độ ẩm thấp, làn da bị khô, nhạy cảm hơn, dễ tróc vảy nhiều hơn từ đó da dễ bị kích ứng.

Dị ứng thời tiết có thể xảy ra ở tất cả các đối tượng với mọi lứa tuổi, đặc biệt là những người có cơ địa dị ứng. Về mức độ nặng hay nhẹ của bệnh cũng tùy thuộc vào mỗi người khác nhau.

Việc điều trị, BS Tài cho biết, điều quan trọng nhất là người bệnh phải chú ý quan sát, nhận biết các yếu tố gây dị ứng từ đó phòng tránh tiếp xúc.

Ví dụ cần giữ ấm cơ thể, sử dụng các loại kem dưỡng ấm cho da đối với những người dị ứng với thời tiết lạnh hoặc giữ cơ thể khô thoáng, mát mẻ, mặc đồ không quá chật, tránh các hoạt động ra nhiều mồ hôi đối với những người dị ứng thời tiết nóng.

Người bệnh cần tránh để cơ thể có sự mất cân bằng nhiệt độ một cách đột ngột như hạn chế ra ngoài trời khi thời tiết nóng lạnh hoặc mưa gió thất thường hay như nhiệt độ trong nhà, phòng làm việc nơi ở chênh lệch nhiều so với nhiệt độ ngoài trời.

Bên cạnh đó, trong những trường hợp biểu hiện dị ứng nặng cần sử dụng các thuốc điều trị như thuốc antihistamine, corticoide bôi da…tất nhiên là cần tham khảo của ý kiến bác sĩ chuyên khoa Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng./.

Theo Hà Anh/VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh