Tập trung ngăn ngừa lây nhiễm Zika cho phụ nữ

04:11, 10/11/2016

Trước tình hình dịch bệnh do virus Zika gây ra tiếp tục gia tăng số người mắc, đặc biệt là việc ghi nhận 6 trường hợp phụ nữ mang thai bị nhiễm Zika

Trước tình hình dịch bệnh do virus Zika gây ra tiếp tục gia tăng số người mắc, đặc biệt là việc ghi nhận 6 trường hợp phụ nữ mang thai bị nhiễm Zika, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, việc phòng lây nhiễm Zika cho phụ nữ và từ mẹ sang con đang được Bộ Y tế hướng đến.

Theo đó, hiện nay, Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em đang khẩn trương xây dựng quy trình cụ thể để các cơ sở y tế ứng phó khi ghi nhận phụ nữ mang thai nhiễm Zika và sớm chuyển giao cho các cơ sở y tế.

Tuy nhiên điều khó khăn là phải đến những tháng gần cuối của thai kỳ mới xác định được thai nhi có bị đầu nhỏ hay không nên khâu tư vấn cho bà mẹ mang thai rất cần thiết.

Việc phòng lây nhiễm Zika cho phụ nữ và từ mẹ sang con đang được Bộ Y tế hướng đến
Việc phòng lây nhiễm Zika cho phụ nữ và từ mẹ sang con đang được Bộ Y tế hướng đến

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, có từ 60% - 80% các trường hợp nhiễm virus Zika không có dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng.

Tuy nhiên, virus Zika lại gây ra nhiều mối nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai, 1-10% trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm Zika trong 3 tháng đầu thai kỳ bị dị tật đầu nhỏ. Bởi lẽ virus Zika tấn công vào tế bào mầm thần kinh làm não không phát triển, gây tình trạng não bé.

Các bé bị dị tật này cũng có thể bị ảnh hưởng về vận động, tuần hoàn khi trẻ lớn hơn. Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết thêm, ngoài virus Zika gây ra mối lo dị tật đầu nhỏ cho trẻ sơ sinh, còn có khoảng 30 tác nhân khác có khả năng gây ra dị tật nguy hiểm này nhưng Zika đứng đầu trong số các tác nhân vi sinh gây di tật đầu nhỏ.

Do đó, phụ nữ mang thai cần chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn sức khỏe.

Liên quan tới diễn biến của dịch Zika, đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết, qua giám sát dịch tễ cho thấy, số người nhiễm virus Zika tập trung nhiều nhất ở TPHCM, tiếp đến là một số tỉnh thành phía Nam và Tây Nguyên. Đối với miền Bắc vẫn chưa phát hiện trường hợp nhiễm virus Zika.

Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay thời tiết miền Bắc đang chuyển lạnh, mật độ muỗi vằn truyền bệnh Zika có thể giảm nhưng vẫn tồn tại trong cộng đồng và tiềm ẩn nguy cơ lan truyền virus Zika khi muỗi đốt phải người bệnh và có thể làm lan truyền sang người lành.

Hơn nữa, nguy cơ lây nhiễm và lan rộng các trường hợp nhiễm virus Zika từ địa phương này sang địa phương khác là rất lớn do việc giao lưu đi lại thường xuyên giữa các địa phương.

Để phòng ngừa dịch Zika, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân chủ động phòng chống muỗi đốt, diệt muỗi, bọ gậy (lăng quăng). Đặc biệt phụ nữ có thai nên chủ động đăng ký theo dõi thai sản sớm để được khám, theo dõi sức khỏe định kỳ.

Đối với người dân khi có các biểu hiện nghi nhiễm Zika như: phát ban trên da kèm theo sốt nhẹ, viêm kết mạc mắt không mủ, đau khớp, phù quanh khớp, đau cơ... cần tới cơ sở y tế để được khám, tư vấn sức khỏe.

Người dân có thể liên hệ khám bệnh và xét nghiệm virus Zika tại 6 cơ sở gồm: Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TPHCM, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Bệnh viện  Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM.

Đối với các tỉnh, thành phố chưa thực hiện được xét nghiệm tại chỗ, các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Zika sẽ được các đơn vị y tế dự phòng lấy mẫu và gửi về các Viện khu vực để thực hiện xét nghiệm.

Theo SGGPO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh