"Nóng ran" sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika

05:11, 11/11/2016

Sốt xuất huyết (SXH) ở nhiều địa phương tăng cao, xuất hiện nhiều ca tử vong; lo ngại bùng phát dịch Zika; vi rút Zika có thể lan rộng;... Đó là những cảnh báo "nóng ran" hiện nay bởi nguy cơ bùng phát các dịch bệnh này ở nước ta.

Sốt xuất huyết (SXH) ở nhiều địa phương tăng cao, xuất hiện nhiều ca tử vong; lo ngại bùng phát dịch Zika; vi rút Zika có thể lan rộng;... Đó là những cảnh báo “nóng ran” hiện nay bởi nguy cơ bùng phát các dịch bệnh này ở nước ta.

Thu dọn, vệ sinh khu vực quanh nhà cho thông thoáng để muỗi không còn chỗ ẩn nấp, sinh sản.Ảnh: VINH HIỂN
Thu dọn, vệ sinh khu vực quanh nhà cho thông thoáng để muỗi không còn chỗ ẩn nấp, sinh sản.Ảnh: VINH HIỂN

SXH tăng kéo nguy cơ Zika cao

Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Vĩnh Long- dẫn báo cáo của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm đến 23/10, khu vực phía Nam có 51.084 ca mắc SXH, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Vĩnh Long, từ đầu năm đến ngày 30/10, toàn tỉnh có 909 ca bệnh SXH, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ. Tỉnh đã ghi nhận một ca tử vong do SXH hồi giữa năm.

“Căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh SXH 9 tháng đầu năm nay, số ca mắc SXH sẽ tiếp tục tăng vào các tháng cuối năm”- bác sĩ Huỳnh Thanh Tân dự báo.

Ở góc độ điều trị, bác sĩ Phan Văn Năm- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long cho biết: Có thời điểm chưa vào đỉnh dịch thứ 2 trong năm nay (tháng 9-11), lúc trời nắng nóng nhưng ca bệnh SXH vào viện điều trị rất đông.

Tuy tổng số ca bệnh thì ít hơn năm ngoái, nhưng số ca bệnh nặng lại nhiều hơn so cùng kỳ 2 năm trở lại. Các trường hợp SXH nặng đều được bệnh viện tỉnh xử trí thành công.

Nói nguy cơ vi rút Zika ở tỉnh ra sao, trong bối cảnh TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh ở ĐBSCL lưu hành bệnh vi rút Zika, bác sĩ Huỳnh Thanh Tân cho biết: “Sự biến động và giao lưu của người dân từ vùng này đến vùng khác, đặc biệt là thành phố rất cao.

Bên cạnh, quần thể muỗi vằn (vi rút Zika lây từ người bệnh qua người lành chủ yếu qua trung gian muỗi vằn, Aedes Aegypti) tăng cao trong thời tiết hiện nay.

Đây là những điều kiện thuận lợi cho bệnh do vi rút Zika có nguy cơ lan truyền và phát sinh thành dịch trên địa bàn tỉnh”.

Thực hiện chỉ đạo của ngành, Trung tâm Y tế dự phòng sẽ phối hợp chặt chẽ với hệ điều trị, tăng cường giám sát ca bệnh, đặc biệt là giám sát ngày, nhằm phát hiện sớm địa phương có nguy cơ cao và ổ dịch để xử lý.

Giải pháp căn cơ: diệt lăng quăng

Không để lăng quăng, bọ gậy, muỗi sinh sản và phát triển trong những dụng cụ chứa nước, đồ phế thải chứa nước bẩn quanh nhà. Ảnh: MINH THÁI
Không để lăng quăng, bọ gậy, muỗi sinh sản và phát triển trong những dụng cụ chứa nước, đồ phế thải chứa nước bẩn quanh nhà. Ảnh: MINH THÁI

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân, hiện Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh phối hợp với y tế dự phòng tỉnh “triển khai giám sát trọng điểm bệnh SXH, bệnh vi rút Zika” tại Bệnh viện Đa khoa Mang Thít và Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Văn Thủ (Vũng Liêm).

Cơ quan y tế sẽ lấy mẫu xét nghiệm ca bệnh, giám sát địa phương có nguy cơ và ổ dịch. “Như vậy để có thể phát hiện sớm từ ca mắc Zika đầu tiên nếu có, can thiệp xử lý kịp thời, khống chế không để lây lan bùng phát dịch”- bác sĩ Huỳnh Thanh Tân nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, số người nhiễm vi rút Zika đến nay (đến ngày 5/11 là 36 người) chỉ là “tảng băng nổi”.

Trong số đó với 6 ca mắc Zika là phụ nữ mang thai nên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho hay, việc phòng lây nhiễm Zika từ mẹ sang con được tập trung nhất.

Hôm 8/11, làm việc với TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói muốn dập dịch Zika và SXH, “giải pháp căn cơ lúc này là phải diệt lăng quăng trong cộng đồng. Không có lăng quăng, không có SXH và bệnh Zika. Phải cơ động và huy động lực lượng từ học sinh đến các đoàn hội cùng tham gia diệt lăng quăng, diệt muỗi, dập dịch”.

Cần phải thấy được tính cấp thiết của “giải pháp căn cơ” nói trên trong bối cảnh dịch bệnh đe dọa bùng phát. Bởi bài học từ vụ dịch sởi năm 2014 còn đó. Từ vài ca bệnh ban đầu, dịch bệnh đã bùng phát tại nhiều địa phương.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân

Muỗi vằn chủ yếu sống trong nhà và hoạt động vào ban ngày, do đó chúng ta có thể sử dụng nhang muỗi, bình xịt muỗi, vợt muỗi... để diệt chúng. Trẻ nhỏ ngủ ban ngày cũng phải giăng mùng và mặc quần áo dài tay để tránh muỗi đốt.

Muỗi vằn sinh sản chủ yếu đẻ trứng ở những dụng cụ chứa nước sạch trong nhà và quanh nhà, do đó bà con nên dùng nắp đậy kín dụng cụ chứa nước.

Chu kỳ phát triển của muỗi vằn từ trứng- lăng quăng- muỗi khoảng 2 tuần, do đó hàng tuần bà con kiểm tra và súc rửa, đổ bỏ các dụng cụ chứa, vật phế thải chứa nước linh tinh quanh nhà có lăng quăng (gáo dừa, vỏ xe, lon sữa bò...) thì sẽ không có muỗi vằn.

Đối với dụng cụ chứa nước không thể đậy nắp kín hay súc rửa thường xuyên được, chúng ta có thể thả vào đó 1-2 cá bảy màu, lia thia để diệt lăng quăng.

Biểu hiện bệnh do vi rút Zika

Sốt nhẹ 37,5- 38,5 độ, mệt mỏi, mọc ban đỏ, sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay bàn chân, đau cơ, viêm xung huyết kết mạc, nhức đầu; một số người có thể đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc miệng hoặc ngứa;...

Người dân, đặc biệt là phụ nữ có thai cần chủ động theo dõi sức khỏe mình, nếu có một trong các biểu hiện trên hoặc nghi ngờ, thì nên đến cơ sở y tế để khám và được tư vấn điều trị.

MINH THÁI

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh