Lao thường được chia ra lao phổi và lao ngoài phổi. Thực tế khám chữa bệnh cho thấy, có khoảng 70% bệnh nhân lao là lao phổi, còn lại là lao ngoài phổi.
Bác sĩ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Vĩnh Long thăm khám, tư vấn cách điều trị, chăm sóc bệnh nhân viêm phổi tắc nghẽn mãn tính kèm di chứng lao đến tái khám. |
Lao thường được chia ra lao phổi và lao ngoài phổi. Thực tế khám chữa bệnh cho thấy, có khoảng 70% bệnh nhân lao là lao phổi, còn lại là lao ngoài phổi. Lao ngoài phổi hay gặp nhất là lao màng phổi, lao hạch; ngoài ra còn có lao màng bụng, lao xương khớp, lao tim,...
Lao ngoài phổi tuy ít hơn nhưng không phải không phức tạp, có thể để lại di chứng khi không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, nhất là lao màng phổi, lao hạch.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Quyền- Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Vĩnh Long đã có chia sẻ về tình hình bệnh lao hiện nay trong cộng đồng.
Dịch tễ lao vẫn còn cao
Số liệu hoạt động của Dự án Phòng chống lao tỉnh Vĩnh Long đến hết quý III năm nay cho thấy, đã có 15.152 trường hợp khám tầm soát bệnh lao. Trong 9 tháng, có 7.894 người qua thử đờm; thu dung điều trị gần 1.100 bệnh nhân, đạt hơn 77% kế hoạch.
Còn tại các phòng khám lao và phổi tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Vĩnh Long, mỗi ngày có trên dưới 50 người bệnh đến khám, tái khám, điều trị.
Từ thực tế khám chữa bệnh tại bệnh viện, kết quả quản lý, giám sát và điều trị lao tại cộng đồng hiện nay, nữ bác sĩ Ngọc Quyền cho rằng: “Dịch tễ lao trong cộng đồng còn cao. Đến nay bệnh viện đã tiếp nhận điều trị 70 bệnh nhân lao kháng thuốc, hầu hết từ tuyến huyện đưa về”.
Chia sẻ thêm về bệnh lao, bác sĩ Trần Tất Trung- Trưởng Khoa Nhiễm thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long cho biết, tràn dịch màng phổi là triệu chứng của một bệnh lý nào đó.
Tràn dịch màng phổi có nhiều nguyên nhân và chiếm nhiều nhất là do các bệnh về tim, gan, thận, lao, các bệnh ung thư hay như bệnh sốt xuất huyết nặng cũng có thể biến chứng tràn dịch màng phổi và “nguy hiểm là do yếu tố nguyên nhân- bệnh cảnh đó gây nên”.
Trao đổi về việc hút thuốc lá nguy cơ mắc bệnh lao, phổi như thế nào, các bác sĩ nói “đó là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc lao hoặc các bệnh lý về phổi”.
Bác sĩ Trần Tất Trung cho biết, điều trị theo từng nguyên nhân- bệnh cảnh nền gây tràn dịch màng phổi. Đồng thời cho rằng: những nguyên nhân có thể điều trị được thì tiên lượng tốt, cũng như việc phát hiện, điều trị sớm hay muộn sẽ ảnh hưởng tới việc điều trị thành công hay không.
Tuân thủ điều trị, tỷ lệ khỏi cao
Bác sĩ Ngọc Quyền cho biết, điều trị bệnh lao (phổi, ngoài phổi, kháng thuốc) hiện nay thống nhất theo phác đồ DOTS- “hóa trị liệu ngắn ngày có kiểm soát trực tiếp” theo Chương trình Chống lao quốc gia.
Trường hợp người lần đầu mắc lao sẽ điều trị tại cộng đồng với phác đồ 6 tháng (phác đồ 1). “Nếu hoàn thành công thức điều trị tốt, thường hơn 95% bệnh nhân sẽ khỏi. Quan trọng là tuân thủ phác đồ: uống thuốc đều, đúng, đủ, tái khám”- bác sĩ Ngọc Quyền nói. Còn nếu sau 6 tháng đó phải điều trị lại, bệnh nhân sẽ trị theo phác đồ tái trị 8 tháng (phác đồ 2).
Về việc điều trị lao dựa vào hệ thống y tế cơ sở, theo bác sĩ Ngọc Quyền, đó là yếu tố thuận lợi cho bệnh nhân: vẫn đi làm việc, lao động sản xuất, giảm chi phí đi lại, nằm viện,... Tuy nhiên người bệnh cần tuân thủ phác đồ, khám, tái khám định kỳ để kiểm tra, đánh giá việc điều trị.
Lao màng phổi là bệnh chiếm đa số trong các bệnh lao ngoài phổi. Theo bác sĩ, nó “hơi phức tạp”, bởi nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời đúng phác đồ, có thể dẫn đến di chứng: dính màng phổi, xẹp phổi.
Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo: khi người nào đó thấy những dấu hiệu lâm sàng như ho, sốt, khạc đờm, buồn ngủ về chiều,... thì nên đến cơ sở y tế chuyên khoa khám tầm soát bệnh lao.
Nói về tràn dịch màng phổi do bệnh lao (lao màng phổi), bác sĩ Trần Tất Trung khuyên để hạn chế mắc bệnh, người dân nên khám tầm soát khi có dấu hiệu nghi ngờ, tránh tiếp xúc người ho khạc, môi trường sống cần thoáng mát...
Bác sĩ Ngọc Quyền nhấn mạnh lần nữa: Bệnh nhân lao cần tuân thủ phác đồ điều trị là quan trọng nhất. Bệnh nhân cần được chăm sóc tinh thần sức khỏe tốt, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để có thể làm âm hóa đờm, sớm cắt đứt nguồn lây. Cần kiểm soát tốt nguồn lây nhằm hạn chế tình trạng bệnh lây trong cộng đồng và chuyển từ lao sang lao kháng thuốc.
|
Lao phổi hay các bệnh lý lao ngoài phổi có thể điều trị tại cộng đồng, theo phác đồ của Chương trình Chống lao quốc gia. Bệnh nhân cần tuân thủ điều trị và tái khám định kỳ để kiểm tra, đánh giá tình trạng. Với cơ sở y tế chuyên khoa như Bệnh viện Lao và bệnh phổi Vĩnh Long, hiện đã có thể làm các kỹ thuật can thiệp với bệnh lý về lao, phổi, thu dung điều trị bệnh nhân lao kháng thuốc và đa kháng thuốc. |
- Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin