Chủ động phòng chống vi rút Zika

05:11, 02/11/2016

Bộ Y tế cho rằng vi rút Zika là nguyên nhân đáng kể nhất khiến bé gái hơn 4 tháng tuổi mắc dị tật đầu nhỏ ở Đăk Lăk. Đây là ca đầu nhỏ do Zika đầu tiên tại Việt Nam.

Bộ Y tế cho rằng vi rút Zika là nguyên nhân đáng kể nhất khiến bé gái hơn 4 tháng tuổi mắc dị tật đầu nhỏ ở Đăk Lăk. Đây là ca đầu nhỏ do Zika đầu tiên tại Việt Nam. Trước tốc độ lây lan nhanh chóng của vi rút Zika, Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, mọi người hãy tích cực chủ động diệt muỗi, diệt lăng quăng tại hộ gia đình mình.
Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, mọi người hãy tích cực chủ động diệt muỗi, diệt lăng quăng tại hộ gia đình mình.

Một số tỉnh thành công bố ca mắc bệnh do vi rút zika

Theo Bộ Y tế, dựa trên các kết quả lâm sàng, dịch tễ, cắt lớp não bộ, các chuyên gia kết luận, bé gái hơn 4 tháng tuổi tại Đăk Lăk có các biểu hiện điển hình của chứng đầu nhỏ liên quan đến vi rút Zika.

Để đi đến kết luận, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã 5 lần xét nghiệm, đối chứng với kết quả bên Nhật sau đó Bộ Y tế tiếp tục họp trực tuyến với các chuyên gia của WHO để xác định chính xác nguyên nhân.

Kết hợp điều tra dịch tễ cho thấy, người mẹ có biểu hiện sốt, phát ban trong tháng thứ 3 và thứ 6 của thai kỳ.

Chưa phát hiện các yếu tố có thể gây dị tật đầu nhỏ cho bé từ người mẹ như nhiễm khuẩn, tiếp xúc hóa chất độc hại, hút thuốc lá, nghiện rượu bia. Bộ Y tế đi đến kết luận, đây là trường hợp mắc chứng đầu nhỏ nhiều khả năng do vi rút Zika và trường hợp đầu tiên ở Việt Nam.

Như vậy, Việt Nam là quốc gia thứ hai trong khu vực Đông Nam Á ghi nhận trẻ sinh ra bị chứng đầu nhỏ do vi rút Zika sau khi Thái Lan xác nhận có 2 trường hợp.

Ngoài ra, cũng có một số tỉnh thành công bố ca mắc bệnh hoặc công bố dịch do vi rút Zika. Tỉnh Long An đã tổ chức họp báo và công bố trường hợp nhiễm vi rút Zika đầu tiên trên địa bàn. Cách đây vài ngày, tỉnh Bình Dương cũng chính thức công bố dịch cho vi rút này trên quy mô xã- phường.

Chủ động phòng ngừa vi rút zika

Hiện Bộ Y tế đã nâng mức cảnh báo dịch bệnh do vi rút Zika lên cấp 3 sau khi tính đến thời điểm ngày 31/10, cả nước ghi nhận 23 trường hợp nhiễm vi rút này. Trong đó có 17 trường hợp ở TP Hồ Chí Minh; tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Dương, Long An, Trà Vinh, Đăk Lăk, mỗi tỉnh có 1 trường hợp nhiễm vi rút Zika.

Ngành y tế khẳng định vi rút Zika đã lưu hành ở Việt Nam và khả năng xuất hiện các ca nhiễm mới là hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là ở những vùng có lưu hành muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và Zika.

Đối tượng cần cẩn trọng là phụ nữ mang thai. Bên cạnh đó, theo các bác sĩ không có bất kỳ biện pháp điều trị can thiệp nào ngoài việc chấm dứt thai kỳ. Vì vậy, việc chủ động phòng ngừa là khâu hết sức quan trọng.

Chị Tuyết Nh. (Phường 3- TP Vĩnh Long) đang mang thai tháng thứ 6 cho biết: “Cuối tuần, cơ quan tổ chức cho chị em đi biển Cần Giờ chơi. Em và chị đồng nghiệp cũng mang bầu định đi chơi cho vui nhưng sực nhớ ở TP Hồ Chí Minh phát hiện có ca mắc Zika nên không dám đi”.

Thời gian qua, ngành y tế tỉnh Vĩnh Long đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về các triệu trướng, biểu hiện do vi rút Zika gây nên để người dân chủ động phòng chống.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (Sở Y tế), đơn vị được giao tổ chức phối hợp giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đến tận xã, ấp, hộ gia đình; củng cố các đội chống dịch cơ động, hỗ trợ các địa phương khi cần thiết; triển khai điều tra, xử lý triệt để ổ dịch; triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất những nơi có nguy cơ cao; thường trực chống dịch để sẵn sàng điều tra, xử lý ổ dịch.

Ngành y tế tỉnh khuyến cáo để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, mọi người, mọi nhà hãy tích cực chủ động diệt muỗi, diệt lăng quăng. Không có lăng quăng sẽ không có sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika.

Phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu hoặc có ý định mang thai cần chủ động phòng ngừa để không bị nhiễm bệnh, đặc biệt là các biện pháp phòng ngừa muỗi đốt.

Chủ động kiểm tra các dụng cụ chứa nước, loại bỏ các vật liệu phế thải không để cho muỗi truyền bệnh vào đẻ trứng, sinh sản và phát triển.

Thực hiện các biện pháp phòng chống muỗi đốt như: mặc quần áo kín, sáng màu, dùng các thuốc xua đuổi côn trùng, nên mắc màn khi ngủ. Sinh hoạt tình dục an toàn, sử dụng bao cao su để tránh lây truyền vi rút Zika qua đường tình dục.

Khi phát hiện bản thân hoặc người nhà, đặc biệt phụ nữ mang thai trong vòng 3 tháng đầu có triệu chứng của bệnh do vi rút Zika, người dân nên đến ngay các bệnh viện đa khoa để làm xét nghiệm.

Trường hợp nghi ngờ bệnh do vi rút Zika là khi có phát ban và ít nhất 2 trong 4 triệu chứng gồm: sốt thường dưới 380C, viêm kết mạc hoặc xung huyết kết mạc, đau khớp hoặc phù quanh khớp và đau cơ.

Người từ vùng dịch về chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe, không để bị muỗi chích trong vòng 14 ngày từ ngày trở về, thực hiện tình dục an toàn ít nhất 28 ngày và nên liên hệ cơ sở y tế để được tư vấn chi tiết.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh