Kê toa thuốc không hợp lý, không làm kháng sinh đồ khi hướng dẫn sử dụng thuốc cho người bệnh là tình trạng đang phổ biến đối với bác sĩ điều trị.
Kê toa thuốc không hợp lý, không làm kháng sinh đồ khi hướng dẫn sử dụng thuốc cho người bệnh là tình trạng đang phổ biến đối với bác sĩ điều trị.
Chưa hết, tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, thậm chí bị các hãng dược “cầm tay” kê thuốc kháng sinh vô tội vạ đang đẩy bệnh nhân tiến gần đến cửa… tử thần! Đó là hồi chuông báo động mà các chuyên gia y tế gióng lên tại buổi hội thảo “Mối nguy hiểm của kháng thuốc” vừa diễn ra tại TPHCM.
Bệnh gì cũng… kháng sinh
Qua thực tế điều trị và tổ chức bình xét toa thuốc hàng tuần, TS-BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TPHCM, cho biết hiện trong BV có khoảng 50% kháng sinh được bác sĩ kê toa bất hợp lý.
Bệnh nhân nằm điều trị tại một bệnh viện ở TPHCM |
Nguyên nhân thì có nhiều nhưng theo TS Ngọc Thảo thì chủ yếu bác sĩ thiếu kiến thức hoặc xác định nhầm bệnh; điều trị kháng sinh đã bị đề kháng; điều trị kháng sinh không đủ liều; điều trị kháng sinh quá mức...
Nghiên cứu thực trạng kê toa, bà băn khoăn vì trong số các trường hợp sử dụng kháng sinh không hợp lý có 2 trường hợp chiếm tỷ lệ cao là bệnh nhân không nhiễm khuẩn hoặc không do vi khuẩn nhưng bác sĩ cũng chỉ định sử dụng kháng sinh, chiếm 32%.
Cao nhất trong việc sử dụng kháng sinh không hợp lý là trường hợp bác sĩ chỉ định sử dụng kháng sinh kéo dài không cần thiết, chiếm 33%.
Khi đã kháng kháng sinh, cần có một kháng sinh khác thay thế nhưng theo TS Ngọc Thảo, tình trạng sản xuất kháng sinh mới trong những năm gần đây rất khan hiếm. Từ năm 2008 - 2011 chỉ sản xuất được 2 loại kháng sinh mới.
Theo TS Huỳnh Hiền Trung, Trưởng khoa Dược BV Nhân dân 115, hiện nay tình trạng bệnh nhân bị nhiễm khuẩn nặng đang có tốc độ gia tăng rất cao. Đây là một bệnh rất cần thiết phải sử dụng kháng sinh, nhưng bác sĩ thường chỉ định không hợp lý, gây ra nhiều hệ lụy như: tăng tỷ lệ tử vong, tăng kháng thuốc, tăng chi phí điều trị...
Đối với bệnh nhân nhiễm khuẩn nặng, nếu chậm trễ trong 1 giờ sử dụng kháng sinh sẽ làm tăng nguy cơ tử vong lên đến 70. Theo TS Huỳnh Hiền Trung, những sai lầm tai hại của bác sĩ trong việc chỉ định sử dụng kháng sinh đối với bệnh nhân nhiễm khuẩn nặng là không thực hiện phân tầng bệnh nhân; khởi đầu điều trị kháng sinh trễ; dùng kháng sinh không đủ liều và không dựa vào dược lực/dược động của thuốc; chưa đánh giá lại người bệnh mỗi ngày để xem xét khả năng xuống thang kháng sinh hoặc ngưng kháng sinh đúng lúc...
Bác sĩ Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh - BV Nhi đồng 1, cho rằng nhiều bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng kháng sinh theo kinh nghiệm nhưng lại không cập nhật và ít hiểu biết về tình trạng kháng thuốc. “Cứ hễ thấy bệnh nhân ho, sốt, tiêu chảy... là chỉ định sử dụng kháng sinh.
Điều này là một thói quen rất tai hại, dễ gây nên tình trạng kháng kháng sinh khiến cho việc điều trị khó khăn, không hiệu quả”, bác sĩ Hoàng nói.
Đưa bệnh nhân đến gần cửa “tử thần”
Thực tế hiện nay, đề kháng kháng sinh đang diễn ra một cách nhanh chóng và đe dọa đến khả năng không còn thuốc chữa cho những bệnh nhân bị nhiễm khuẩn, nhất là nhiễm khuẩn nặng.
Thống kê của Bộ Y tế cho biết 50% toa thuốc được kê lạm dụng kháng sinh. Tình trạng kháng kháng sinh đã xảy ra ở nhiều nhóm bệnh.
Một khảo sát của BV Nhân dân Gia Định cho thấy, hơn 93% mẫu đàm của bệnh nhân nằm viện khi phân lập được đều có vi khuẩn đa kháng thuốc, kháng với kháng sinh điều trị.
Tại hội nghị về nhiễm khuẩn BV mới đây, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cảnh báo đề kháng kháng sinh làm kéo dài thời gian nằm viện trung bình từ 9,4 đến 24,3 ngày; tăng chi phí điều trị trung bình từ 2 - 32,3 triệu đồng/bệnh nhân, tăng tỷ lệ tử vong.
“Các bác sĩ không chỉ dùng một mà một lúc nhiều loại kháng sinh nên tỷ lệ kháng thuốc ngày càng tăng lên, như vi khuẩn gram âm đã kháng với Cephalosporin thế hệ 3 và 4.
Nhiều nước vẫn đang dùng kháng sinh thế hệ thứ 1, nước Mỹ mới phát hiện 2 bệnh nhân kháng kháng sinh mà đã lo sốt vó, còn ở Việt Nam đã dùng kháng sinh thế hệ thứ 4”, PGS-TS Lương Ngọc Khuê lo ngại.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam được xếp vào một trong những nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất. Không chỉ lao, sốt rét, viêm phổi mà các thuốc dự phòng HIV/AIDS, các loại thuốc kháng sinh thế hệ mới cũng đang bị kháng.
Không chỉ bác sĩ lạm dụng, mà ngay người dân cũng tự ý sử dụng kháng sinh bừa bãi dẫn đến kháng kháng sinh. Các chuyên gia y tế nhìn nhận người dân vẫn có thói quen mua thuốc không cần kê toa, theo kiểu “truyền miệng”, trong khi nhà thuốc một phần vì nhận thức chưa đúng đắn, một phần vì lợi nhuận nên cứ vô tư bán!
Với thực trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng trầm trọng khiến hiệu quả điều trị thấp, kéo dài ngày nằm viện, tăng chi phí điều trị, tăng tỷ lệ tử vong, các chuyên gia y tế đặt vấn đề tìm kiếm những giải pháp ngăn chặn cấp thiết.
Các chuyên gia y tế đồng thuận rằng đã đến lúc cần đưa những quy định bắt buộc khắt khe trong sử dụng kháng sinh cũng như có những quy định chế tài răn đe. Đồng thời tăng cường truyền thông, hướng dẫn mạnh mẽ để người dân, cộng đồng không lạm dụng kháng sinh.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê đề nghị lãnh đạo các BV phải tuân thủ làm kháng sinh đồ, thường xuyên bình đơn thuốc để xử lý những bác sĩ sử dụng kháng sinh bừa bãi.
Theo kết quả khảo sát của Bộ Y tế về việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị, trong tổng số 2.953 nhà thuốc được điều tra, có 499 nhà thuốc ở thành thị và 257 nhà thuốc ở nông thôn có bán đơn thuốc kê kháng sinh. Phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn (88% ở thành thị và 91% ở nông thôn); người dân thường yêu cầu được bán kháng sinh mà không có đơn chiếm 49% (thành thị) và 28,2% (nông thôn). |
Theo SGGPO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin