Đặt yêu cầu nâng chất khám chữa bệnh, quản lý tốt quỹ BHYT

05:10, 06/10/2016

Nhiều vấn đề đặt ra sau khi áp dụng thông tuyến khám chữa bệnh (KCB) ở tuyến huyện (từ xã lên huyện trong cùng địa bàn tỉnh) trên cả nước. Trước hết đã nổi lên 2 chuyện đang rất được quan tâm: lượng bệnh nhân đến bệnh viện tuyến huyện trong tỉnh tăng cao; và ở góc độ nào đó, đây là áp lực với quỹ KCB BHYT.

 

Lượng bệnh nhân đến KCB tại BVĐK Trà Ôn tăng 30-40% sau khi áp dụng thông tuyến từ xã lên huyện.
Lượng bệnh nhân đến KCB tại BVĐK Trà Ôn tăng 30-40% sau khi áp dụng thông tuyến từ xã lên huyện.

Nhiều vấn đề đặt ra sau khi áp dụng thông tuyến khám chữa bệnh (KCB) ở tuyến huyện (từ xã lên huyện trong cùng địa bàn tỉnh) trên cả nước. Trước hết đã nổi lên 2 chuyện đang rất được quan tâm: lượng bệnh nhân đến bệnh viện tuyến huyện trong tỉnh tăng cao; và ở góc độ nào đó, đây là áp lực với quỹ KCB BHYT.

Từ đó đặt ra vấn đề tiếp đối với cơ quan BHXH các cấp là quản lý tốt quỹ KCB BHYT; còn đối với các bệnh viện tuyến huyện là làm sao phải cải thiện tốt hơn mọi mặt để “cạnh tranh” trong việc phục vụ người bệnh đến với mình.

 

Khám chữa bệnh ùn ùn ở bệnh viện tuyến huyện

Một ngày cuối tháng 9/2016, hơn 3 giờ chiều, chúng tôi vẫn thấy còn lố nhố người dân ngồi đợi đến lượt mình tại một phòng khám ngoại trú tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Trà Ôn.

Bác sĩ Phạm Hoàng Bửu- Trưởng khoa Khám bệnh cho biết ông đã khám 130 bệnh. “Số như vậy còn ít, hôm thứ hai tại phòng này mình tôi khám tới 230 bệnh nhân”- ông nói tiếp.

Theo bác sĩ Phạm Hoàng Bửu, hầu hết 7 phòng khám tại bệnh viện khám các bệnh về mắt, răng hàm mặt, các mặt bệnh nội, nhi,... đều có lượng bệnh khám đông như vậy và đông nhất là ngày thứ hai và ngày thứ sáu hàng tuần. Đó là kết quả của việc thông tuyến KCB từ tuyến xã lên huyện trong phạm vi tỉnh.

Bác sĩ Lê Trúc Linh- Phó Giám đốc BVĐK huyện Trà Ôn cũng nhìn nhận, thông tuyến KCB đã làm lượng bệnh đến cơ sở này tăng mạnh. Trước thông tuyến, bệnh viện khám bình quân 500 người/ngày. Thông tuyến, lượng bệnh khoảng 700- 750 người/ngày, các ngày đầu và cuối tuần đến 900-1.000 người/ngày.

Để giải quyết nhu cầu cao của người bệnh khắp nơi đổ về, BVĐK Trà Ôn đã có những bước đi cụ thể: tăng cường đội ngũ, cơ sở vật chất phục vụ. Bác sĩ Linh cho hay hôm 27/9, bệnh viện đã có quyết định của Sở Y tế về phân công bổ nhiệm 4 bác sĩ diện đào tạo theo địa chỉ sử dụng về đơn vị.

Đồng thời đơn vị tự thu hút được 1 bác sĩ từ Cà Mau về công tác. Theo bác sĩ Lê Trúc Linh, “điều này sẽ giúp chia gánh nặng công việc với đội ngũ hiện tại. Bởi có lúc bệnh đông, bác sĩ trong ban giám đốc cũng xắn tay vào khám cho bệnh nhân”.

Về cơ sở vật chất, trước áp lực bệnh đông, đơn vị cho mở suốt phòng phám bệnh tăng cường (trước cần tăng cường thì mới mở) hay khu khám bệnh theo yêu cầu (dành cho chăm sóc sức khỏe cán bộ) khi cần thiết cũng cho bệnh nhân sang khám. Hay bệnh viện cho luân phiên mỗi khoa phòng một nhân viên ngồi trực tại bàn tiếp đón hàng ngày, chỉ dẫn tận tình người bệnh.

Trao đổi về việc có áp lực, quá tải khi lượng bệnh nhân tăng cao sau khi thông tuyến, bác sĩ Lê Trúc Linh cho hay là không, nhưng nhìn nhận là có khó khăn và đơn vị làm hết sức mình để khắc phục.

Ngoài việc phải tận dụng hết những khu vực dự phòng để khám và điều trị, bệnh viện đã được ngành chức năng cho xây dựng mở rộng thêm khu khám bệnh với 10 phòng khám để làm tốt nhiệm vụ.

 

Theo số liệu Sở Y tế Vĩnh Long, trong tháng 9/2016 (15/8-15/9), các bệnh viện tuyến huyện tiếp nhận tổng số hơn 156.400 lượt người đến KCB, tăng gần 52.000 lượt người so cùng kỳ năm 2015 (gần 50%).

Trong khi lượng bệnh đến tuyến huyện đông thì tại trạm y tế tuyến xã lượng người bệnh lại giảm. Cũng thời gian trên, tại hệ thống y tế xã tổng số khám hơn 104.000 lượt người, giảm gần 25.000 lượt người so cùng thời điểm năm ngoái (hơn 19%).

Áp lực với quỹ BHYT

Ông Huỳnh Văn Hương- Giám đốc BHXH huyện Trà Ôn cho biết, thông tuyến KCB từ xã đến huyện đã làm tăng lượng người đến khám tại BVĐK huyện 30- 40%. Theo ông, Trà Ôn trước không cóchuyện âm quỹ KCB BHYT, nay thì chỉ 6 tháng đầu năm đã vượt quỹ khoảng 5 tỷ đồng.

“Thông tuyến cộng với mức viện phí tăng áp dụng thời gian qua đã gây áp lực lên quỹ KCB BHYT. Dù trong giới hạn của BHXH tỉnh và Việt Nam tính toán nhưng cũng đặt ra các vấn đề cần giải quyết để giữ sự ổn định cho quỹ KCB”- ông Huỳnh Văn Hương nhìn nhận.

 

Vấn đề đặt ra sau thông tuyến: cơ sở KCB tuyến huyện cần nâng cao chất lượng về mọi mặt để “cạnh tranh” phục vụ người bệnh, phối hợp cơ quan BHXH quản lý tốt quỹ KCB BHYT.
Vấn đề đặt ra sau thông tuyến: cơ sở KCB tuyến huyện cần nâng cao chất lượng về mọi mặt để “cạnh tranh” phục vụ người bệnh, phối hợp cơ quan BHXH quản lý tốt quỹ KCB BHYT.

Bác sĩ Lê Trúc Linh cho hay, theo định mức đơn vị được giao khoán 6 tháng đầu năm nay là 24 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong đó chi phí thanh toán cho đa tuyến đi đã hơn 17 tỷ đồng, chỉ còn hơn 6 tỷ đồng. Khi lượng bệnh đông, lại thêm giá dịch vụ y tế mới, nên âm quỹ là không thể tránh khỏi.

Ông Ngô Hoàng Sơn- Phó Giám đốc BHXH huyện Trà Ôn cho hay, sau khi thông tuyến, trong tuyên truyền đơn vị đã thực hiện giải thích: đối với những bệnh đơn giản (cảm, ho, sổ mũi, nhức đầu...) thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ban đầu thì nên đến trạm y tế để khám điều trị. Người dân không phải đến các BVĐK huyện, tốn kém thời gian và chi phí.

Ông Ngô Hoàng Sơn- Phó Giám đốc BHXH huyện Trà Ôn

 

Quy định ở tuyến huyện, người có thẻ BHYT khi KCB bằng 15% mức lương cơ sở (172.500đ), thì người đó phải đồng chi trả 20% trong chi phí đó. Trong khi nếu ở y tế cơ sở, người bệnh có BHYT thụ hưởng đầy đủ mức chi trả của quỹ KCB.

Theo cơ quan BHXH tỉnh, lượng bệnh nhân đông tại tuyến huyện là tất yếu khi thông tuyến, khi người dân có quyền chọn lựa bất kỳ bệnh viện huyện để KCB mà không giới hạn bởi nơi đăng ký ban đầu.

Vấn đề này đặt ra nhiệm vụ đối với BVĐK huyện là cần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và con người để đáp ứng yêu cầu người dân.

Tuy nhiên, một cán bộ lãnh đạo BHXH tỉnh Vĩnh Long cho rằng cần thống nhất phần mềm quản lý KCB các tuyến (xã, huyện) để quản lý người bệnh, quản lý tốt quỹ KCB.

Vì “thông tuyến mà cứ chạy sang đây, sang kia khám mà không quản lý chặt chẽ, quỹ BHYT sẽ bội chi và đứng trước nguy cơ vỡ quỹ!”

  • ™Bài, ảnh: MINH THÁI

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh