Phòng tránh bệnh tay chân miệng cho trẻ

04:10, 13/10/2016

Bệnh tay chân miệng (TCM) là một trong những bệnh truyền nhiễm, là mối hiểm họa đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi.

Bệnh tay chân miệng (TCM) là một trong những bệnh truyền nhiễm, là mối hiểm họa đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi.

Theo các bác sĩ nhi, có rất nhiều trường hợp trẻ bị bệnh TCM khi đưa đến bệnh viện ở trong trường hợp nặng. Bệnh rất dễ lây lan và có thể dẫn đến tử vong ở trẻ nhỏ nếu không có cách phòng tránh và chữa trị kịp thời.

Bệnh nhi đang điều trị bệnh TCM tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.
Bệnh nhi đang điều trị bệnh TCM tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.

Bệnh rất dễ lây lan trong trường học

Bệnh TCM xảy ra quanh năm. Có bệnh nhi chưa tròn tháng, bệnh nhi sơ sinh cũng bị mắc TCM khiến cho phụ huynh lần đầu có con nhỏ vô cùng lo lắng. Điều đáng quan tâm là bệnh đang lây lan nhanh tại các trường học và nguy cơ bùng phát thành dịch là rất cao.

Chỉ trong tháng 9, toàn tỉnh Vĩnh Long phát hiện trên 10 ổ dịch nhỏ TCM tại các trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, tập trung nhiều ở TP Vĩnh Long, huyện Long Hồ và Mang Thít. Nhằm khống chế không để bệnh lây lan trong trường học và bảo vệ sức khỏe cho trẻ, nhà trường đã chủ động cho trẻ nghỉ học để phối hợp với ngành y tế phun thuốc sát khuẩn vệ sinh trường lớp diệt mầm bệnh.

Chị Nguyễn Huy Thùy (Phường 4- TP Vĩnh Long) cho biết: “2 tuần trước Trường Mầm non A cho các bé nghỉ học để tổng vệ sinh trường lớp do có nhiều trẻ bị bệnh TCM.

Vậy mà bé Su Su hơn 2 tuổi của chị nghỉ học được 1 ngày thì bị TCM. Do mới sinh con nên chị phải cách ly bé lớn để ngừa bệnh cho bé nhỏ. Tội nghiệp, con bệnh nhõng nhẽo đòi mẹ mà chị phải nhờ ngoại bé chăm sóc”.

Chị Trần Thị Thanh Phương (xã Thanh Đức- Long Hồ) cho biết phải xin nghỉ làm buổi chiều để đưa con về sớm vì cô giáo gọi điện báo con trai 5 tuổi của chị có những biểu hiện mắc bệnh TCM. “Mùa này, trẻ con hay bị bệnh TCM thì phải. Hôm trước, mấy chị trong cơ quan tôi nói có con mắc bệnh này”- chị lo lắng.

Bệnh TCM chủ yếu gây bệnh ở lứa tuổi mầm non, mẫu giáo và trường học là môi trường được  xác định là nơi rất dễ lây lan và bùng phát thành dịch.

Vì thế, để khống chế căn bệnh này phải có sự phối hợp chặt chẽ từ ngành y tế, giáo dục và cả phụ huynh trong việc cho sóc và bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

Chị Tô Mỹ Duyên (xã Qưới An- Vũng Liêm) có con gái vừa tròn tháng bị TCM, nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long cho biết: “Nằm viện 3 ngày rồi, do chị bé học mẫu giáo mắc bệnh về lây cho em. Chị thấy bé sốt, nổi ẩn tay những hột đỏ. Chị đưa bé khám và bác sĩ bắt nhập viện liền”.

Phòng bệnh TCM cho trẻ

Để khống chế bệnh TCM trong trường mầm non phải có sự phối hợp chặt chẽ từ ngành y tế, giáo dục và cả phụ huynh trong việc cho sóc và bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
Để khống chế bệnh TCM trong trường mầm non phải có sự phối hợp chặt chẽ từ ngành y tế, giáo dục và cả phụ huynh trong việc cho sóc và bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

Bệnh TCM do virus Entero 71 gây ra thường xuất hiện ở trẻ em dưới 3 tuổi có những triệu chứng ban đầu như sốt nhẹ, sưng miệng, nổi bong bóng nước to khoảng đầu đũa, màu xám, đỏ hình ô van ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân và thường ấn không đau.

Bong bóng nước còn xuất hiện trong miệng, khi vỡ ra gây những vết loét trong miệng.

Một số trẻ có kèm nôn ói, tiêu chảy ngay khi nổi bóng nước hay khi bóng nước đã xẹp. Những triệu chứng này khiến nhiều bác sĩ chẩn đoán nhầm là bệnh thủy đậu, nhiễm khuẩn da hay dị ứng...

Nhiều trẻ mắc TCM trở nặng do người nhà, bác sĩ bỏ sót bệnh. Do ở giai đoạn đầu, khi bóng nước  chưa nổi lên, bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh khác.

Rất nhiều ca nặng khi trẻ đã mắc bệnh 3-4 ngày, bệnh đã chuyển sang giai đoạn 3-4 và trở nặng rất nhanh. Trước đó, những gia đình này nhầm tưởng cháu mắc bệnh sốt siêu vi hoặc viêm họng.

Trẻ ở nhóm tuổi từ 6 tháng – 1 tuổi lại càng dễ mắc bệnh và khi mắc, bệnh trở nặng rất nhanh. Khi khởi phát bệnh trẻ thường sốt nhẹ 1-2 ngày, sau đó hết sốt nhưng bắt đầu đau miệng, nổi bóng nước trong miệng, trong lòng bàn tay bàn chân. Có bé biểu hiện bằng bỏ ăn, chảy nước bọt. Người nhà mở miệng bé thấy có bóng nước.

Theo BS CK2 Võ Thị Thu Hương (Trưởng khoa Nhi Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long), bệnh nhi bệnh TCM thường gặp là dưới 3 tuổi, song cũng có nhiều trường hợp đến viện trong trường hợp nặng như sốt cao liên tục.

Bệnh nhi có nhịp tim nhanh hơn 150 lần/phút, không đáp ứng với thuốc hạ sốt; thở nhanh so với tuổi, thở bụng hoặc có trường hợp bệnh nhi đến trong trường hợp giật mình chới với, rung chi, hốt hoảng.

Bệnh TCM thường có diễn tiến rất nhanh, nếu không sớm đưa trẻ đi bệnh viện kịp thời có thể ảnh hưởng đế tính mạng của bé. Cha mẹ cần lưu ý và theo dõi sát dấu hiệu trở nặng của bệnh.

Đó là trẻ sốt kéo dài trên 2 ngày, sốt cao khó hạ, nôn ói nhiều. Khi bắt đầu ngủ nếu bé giật mình, chới với thì chắc chắn có biến chứng.

Nếu trong vòng 30 phút trẻ giật mình 2 lần là phải đưa đi bệnh viện ngay. Ngoài biểu hiện trên, một số trẻ khi nặng có biểu hiện khác như: run tay chân, đi đứng không vững, loạng choạng, thở khó, da nổi bông vân, tay chân lạnh.

Biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất có thế làm ở thời điểm hiện tại là cha mẹ luôn vệ sinh sạch sẽ cho trẻ và môi trường sống của trẻ, nên sát trùng sàn nhà, đồ chơi bằng xà bông hoặc nước sát khuẩn thường xuyên để phòng bệnh.

Nếu trẻ mắc bệnh trong độ tuổi đã đi học, phụ huynh nên để trẻ ở nhà ít nhất 10 ngày, đồng thời báo với nhà trường để nhà trường có phương pháp khử trùng, vệ sinh lớp học, không để bệnh lây lan cho học sinh khác.

Đặc biệt khi phụ huynh phát hiện con mình có những biểu hiện như sốt nhẹ, sưng miệng, nổi bong bóng nước ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, bàn chân thì hãy nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện khám ngay.

Các bác sĩ nhi khoa đặc biệt lưu ý các phụ huynh, với bất kỳ lý do gì cũng không nên chẩn đoán theo kiểu kinh nghiệm tại nhà, vì bệnh TCM có một số biểu hiện gần giống như những bệnh khác, nếu cha mẹ tự ý mua thuốc cho con uống thì rất nguy hiểm.

Theo ngành y tế, bệnh TCM năm nay diễn biến rất phức tạp và đang tiếp tục gia tăng. Hiện trung bình mỗi tuần Vĩnh Long phát hiện trên dưới 100 trường hợp mắc bệnh, tăng khoảng 40% so với các tuần trước và nâng các trường hợp mắc bệnh đến cuối tháng 9 lên trên 1.020 trường hợp. Trong đó, các trường hợp nặng chiếm tỷ lệ khá cao. Đây là căn bệnh rất nguy hiểm nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời khi có biến chứng.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh