Ăn tiết canh, bệnh nhân 69 tuổi bị sán dây 'làm tổ' trong người

10:10, 05/10/2016

Một bệnh nhân (69 tuổi, ở Thái Nguyên) bỗng trở thành "người gạo" - nhiễm ấu trùng sán dây chỉ vì ăn tiết canh. Các chuyên gia cảnh báo, sán dây có thể "chạy" khắp cơ thể, thậm chí di chuyển lên não.

Một bệnh nhân (69 tuổi, ở Thái Nguyên) bỗng trở thành “người gạo” - nhiễm ấu trùng sán dây chỉ vì ăn tiết canh. Các chuyên gia cảnh báo, sán dây có thể “chạy” khắp cơ thể, thậm chí di chuyển lên não.

Mấy ngày qua, trên mạng xã hội đăng tải hình ảnh chụp XQ một bệnh nhân bị sán dây “dạo chơi” khắp cơ thể khiến nhiều người hoảng hốt, không tin nổi đó là sự thật. Bệnh nhân này được cho là đang điều trị tại bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Để xác minh thông tin, PV đã liên hệ với bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và được các bác sỹ xác nhận, ngày 26/9/2016, bệnh viện đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Th., 69 tuổi (trú tại Đồng Hỷ - Thái Nguyên) bị nhiễm sán dây.

Bệnh nhân nhiễm sán dây do ăn tiết canh. Hình ảnh chụp X- Quang bệnh nhân Th. cho thấy trùng sán dây đã chạy khắp cơ thể với mật độ dày đặc.

Hình ảnh sán dây dày đặc sau khi chụp X-quang của bà Th.
Hình ảnh sán dây dày đặc sau khi chụp X-quang của bà Th.

Theo BS. Lương Quốc Chính - Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Bình thường, cơ thể chúng ta bị nhiễm sán sẽ không thể hiện lên khi chụp X-quang như bệnh nhân Th. nhưng khi vôi hóa sẽ gây cản quang như vậy.

“Rất nhiều người vẫn cho rằng đây không phải là hình ảnh của nhiễm sán vì không thể có chuyện sán lại cản quang trên phim X-quang được. Nhưng vì đây là tổn thương đã vôi hóa nên mới cản quang như vậy, chỉ cần sử dụng hai từ khóa Cysticercosis, Trichinellosis để search tìm ảnh trên google sẽ thấy những hình ảnh tương tự”, BS. Chính nhấn mạnh.

Trao đổi với PV, BS.Nguyễn Trung Cấp, bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay, đây không phải là trường hợp hy hữu mà có không ít bệnh nhân nhập viện do nhiễm sán dây vì thói quen ăn uống mất vệ sinh.

“Sán dây lợn cũng là loại sán nguy hiểm, chúng gây tác hại đặc biệt là ở não cho người nhiễm sán. Có trường hợp bệnh nhân bị co giật, viêm não do ấu trùng sán, có thể gây hỏng mắt.

Khi ký sinh ở não gây động kinh, co giật, liệt, nói ngọng làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh như mất trí nhớ, đau đầu, buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt, nặng hơn có thể liệt tứ chi, viêm màng não mãn tính. Bệnh nguy hiểm và dễ chẩn đoán nhầm”, BS. Cấp cảnh báo.

Hình ảnh đốm trắng- sán dây
Hình ảnh đốm trắng- sán dây "chạy" khắp cơ thể bà Th.

Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp cho hay, nhiều người thường có thói quen dùng các món tiết canh chế biến từ tiết sống lấy từ các loại động, thậm chí uống tiết sống lấy từ rắn, dê dẫn đến nguy cơ khôn lường với sức khỏe.

Trứng và ấu trùng sán dây trong cơ thể lợn thường giống như hạt gạo. Nó thường khu trú ở trong các bắp thịt lợn, óc, đặc biệt các hạt gạo tập trung chủ yếu phần nhiều gân và mỡ của lợn. Vì vậy, người ăn tiết canh từ các con vật này sẽ rất dễ mắc bệnh liên cầu lợn, cúm gia cầm, nhiễm khuẩn huyết, bệnh đường tiêu hóa, viêm não mô cầu, đặc biệt là bệnh nhiễm sán dây.

Để phòng ngừa nhiễm sán, BS. Nguyễn Trung Cấp khuyên mọi người nên thực hiện ăn chín uống sôi. Không ăn các món ăn tái, sống, lợn bị bệnh, không ăn tiết canh. Với các món rau sống phải rửa thật sạch, khử trùng trước khi ăn. Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn. Vệ sinh môi trường sạch sẽ.

Theo N.G (nguoiduatin.vn)

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh