Các bác sĩ khối y tế dự phòng cho biết, bệnh cúm mùa có quanh năm và ai cũng có thể mắc bệnh. Thường thì bệnh tự khỏi, hoặc khỏi sau quá trình uống thuốc. Phần đông là không gây hại, nhưng cũng có số ít trường hợp cúm vẫn diễn biến phức tạp, phải điều trị và ảnh hưởng sức khỏe.
Ai cũng có thể mắc bệnh cúm mùa thông thường, nhất là vào mùa Đông Xuân. Hãy ý thức thực hiện khuyến cáo y tế để đảm bảo sức khỏe, tiêm chủng đầy đủ phòng bệnh. |
Các bác sĩ khối y tế dự phòng cho biết, bệnh cúm mùa có quanh năm và ai cũng có thể mắc bệnh. Thường thì bệnh tự khỏi, hoặc khỏi sau quá trình uống thuốc. Phần đông là không gây hại, nhưng cũng có số ít trường hợp cúm vẫn diễn biến phức tạp, phải điều trị và ảnh hưởng sức khỏe.
Cúm do vi rút cúm gây ra, thường có 3 tuýp: A, B, C. Trong đó vi rút cúm tuýp A gây bệnh cho người và gia cầm và dễ gây thành dịch. Còn cúm tuýp B, C sẽ gây bệnh cho người, thường nhẹ, ít gây dịch.
Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Vĩnh Long, ở nước ta và cũng như các địa phương, vi rút gây cúm mùa thường gặp có: A/H1N1, A/H3N2 và cúm B. Kể từ đợt dịch cúm năm 2009 thì cúm A/H1N1 đã được Bộ Y tế đưa vào dạng cúm mùa.
Khác với đó, cúm gia cầm xuất hiện ở vi rút gây cúm thuộc tuýp H5N1 và H7N9. Tuy nhiên, thực tế vẫn có sự biến đổi tuýp vi rút, nên một số vi rút cúm gia cầm gây bệnh cho người, và gọi là cúm gia cầm ở người.
TS. Trương Đình Bắc- Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, cúm mùa và cúm gia cầm A/H5N1 là 2 trong số 10 bệnh truyền nhiễm dễ mắc trong mùa Đông Xuân, khi tiết trời ẩm vi rút cúm và vi khuẩn rất dễ phát triển. TS. Trương Đình Bắc dẫn số liệu 5 năm qua (2011-2015), trung bình mỗi tháng hơn 100.000 ca cúm mùa trên cả nước, có ca tử vong.
Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, các giọt nước bọt bắn hay dịch tiết mũi họng từ người bệnh sang người lành do ho, hắt hơi. Bệnh thường có ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở trẻ dưới 5 tuổi.
Với cúm A/H5N1, đây là một loại cúm gia cầm. Theo TS. Trương Đình Bắc, bệnh lây truyền từ gia cầm sang người, cũng lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng nhiễm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm bệnh, chết do nhiễm vi rút cúm A/H5N1.
Bệnh chưa có vắc xin ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu. Nghiêm trọng hơn là bệnh diễn tiến phức tạp nhanh và có thể dẫn đến tử vong.
Cũng theo TS. Trương Đình Bắc, sau nhiều năm không ghi nhận thì năm 2014, cả nước có 4 trường hợp nhiễm cúm gia cầm ở người, 2 trong số đó tử vong. Sau đó lắng lại đến nay.
Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân, bệnh cúm mùa thường chỉ điều trị triệu chứng. Người bị bệnh cúm với triệu chứng sốt, đau đầu, ho, sổ mũi,... sẽ uống thuốc men tương ứng để hết các triệu chứng. Hay có thể dùng kháng sinh trong trường hợp cần thiết để phòng ngừa biến chứng phức tạp về hô hấp.
Để phòng cúm mùa thông thường, bác sĩ Huỳnh Thanh Tân khuyến nghị người dân chú ý thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng, tiêm đầy đủ vắc xin cúm mùa phòng bệnh...
Tương tự, để tránh nguy cơ có thể mắc cúm gia cầm lây sang người, TS Trương Đình Bắc khuyến cáo người dân không ăn gia cầm hay các sản phẩm gia cầm bệnh, chết, không rõ nguồn gốc; ăn chín uống chín, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; khi có biểu hiện sốt, ho, đau ngực, khó thở mà trước đó có liên quan đến gia cầm thì đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị.
|
Trong tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh cúm mùa của Bộ Y tế nêu: cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây nên.
Bệnh xảy ra hàng năm, thường xuất hiện nhiều vào mùa Đông Xuân. Cúm mùa thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm ở người có bệnh lý mãn tính về tim mạch, hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già trên 65 tuổi, trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong. |
- Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin