PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo: cha mẹ không tự dùng khí dung cho con khi mắc bệnh về đường hô hấp.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo: cha mẹ không tự dùng khí dung cho con khi mắc bệnh về đường hô hấp.
PV: Thưa ông, khí dung có tác dụng như thế nào trong điều trị bệnh về đường hô hấp?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Khí dung là một thành tựu của y học bởi nó đã đem lại lợi ích rất lớn trong việc điều trị bệnh về đường hô hấp, có thể đưa thuốc vào đường hô hấp qua đường khí dung mà không phải qua đường tiêm hoặc uống.
Tuy nhiên, không phải bệnh đường hô hấp nào cũng dùng khí dung được, chỉ có chỉ định trong các bệnh lý đường hô hấp như bệnh hen, các bệnh về hô hấp dưới (hen phế quản và viêm tiểu phế quản), còn một số bệnh đặc biệt khác, người thầy thuốc phải khám rất kỹ để quyết định xem có khí dung hay không.
Cha mẹ không nên tự ý dùng khí dung cho con |
Các bệnh về hô hấp trên như viêm mũi xoang dị ứng, viêm mũi họng... trước kia cũng khí dung nhưng nhờ khoa học tiến bộ, phương pháp mới đang được thay thế, áp dụng nhiều hơn đó là dùng thuốc xịt thẳng vào mũi và họng.
Vì vậy các bệnh về hô hấp trên người ta không dùng khí dung nữa. Mặt khác, 2 loại bệnh trên cũng không phải dễ chẩn đoán và chữa trị, cho nên chỉ các thầy thuốc mới cho chỉ định có được làm khí dung hay không.
PV: Như vậy, không nên tự ý điều trị tại nhà bằng khí dung?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Chạy máy khí dung ở nhà có thể xảy ra những điều đáng tiếc như: không đánh giá được bệnh nặng hay nhẹ, do vậy đã có một số trường hợp bệnh tiến triển nặng đến mức không thể chịu nổi mới đi viện, và một số trường hợp trên đường đến bệnh viện thì tử vong.
Sử dụng khí dung cũng không phải là an toàn tuyệt đối bởi vì ngay ở khoa Nhi của Bệnh viện Bạch Mai đã gặp trường hợp 2 bệnh nhi (nhà gần bệnh viện) lên cơn khó thở, toàn thân tím tái vì khí dung tại nhà, vừa đến phòng cấp cứu đã ngưng thở, may mắn chúng tôi cứu sống được.
Đã có rất nhiều nghiên cứu về đề tài này khuyến cáo không nên khí dung ở nhà kể cả chỉ khí dung nước muối.
Chúng ta phải hiểu cơ chế rất rõ do phản xạ, tức là khi chạy máy khí dung, sẽ tạo một áp lực nén khí, tạo sức mạnh để đẩy ra và phun cực mạnh giúp cho thuốc từ dạng lỏng biến thành một dạng có thể bay hơn và phun sương được.
Về nguyên tắc, khi tự dưng úp một luồng khí mạnh ập vào mũi rất nhanh (kể cả khi cho từ từ vào), gây đột ngột co thắt thanh quản, có thể gây tắc thở ngay lập tức (giống như bị bóp cổ).
Mặc dù tỉ lệ này rất thấp nhưng y văn thế giới đã khuyến cáo về mức độ nguy hiểm của việc này, theo đó việc khí dung phải được thực hiện ở bệnh viện chứ không được tự ý làm ở nhà.
Một điều ít người biết là, mỗi lần thực hiện khí dung hiệu quả việc tiệt trùng cả một đường dây và dụng cụ (gọi là mát để úp vào mặt) rất quan trọng.
Có nghĩa là mỗi 1 lần khí dung tại nhà phải dùng dây mới chứ không được dùng lại trong khi đó người dân tự mua máy khí dung, chỉ một bộ dây mà dùng hết năm này qua năm khác, sẽ có nguy cơ “nạp” thêm vi khuẩn gây bệnh cho trẻ.
PV: Nhưng có nhiều cha mẹ vẫn truyền tai nhau về tác dụng của khí dung và tự sắm máy tại nhà?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Một số người khẳng định với tôi rằng “em dùng khí dung cho con có thấy sao đâu”.
Xin thưa, trong y khoa muốn đánh giá tác dụng của một thuốc hoặc biện pháp điều trị nào đó chúng tôi phải dùng phương pháp “mù đôi” - có nghĩa là cả bệnh nhân và thầy thuốc đều không biết được dùng thuốc gì trước và sau đánh giá để việc đánh giá tác dụng của thuốc được khách quan!
Chứ đằng này, bà mẹ vừa tự ý dùng thuốc khí dung cho con rồi tự đánh giá là nó đỡ sau khi dùng khí dung khác nào “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Việc ngộ nhận tự dùng khí dung ở nhà cho con mình mỗi khi con khụt khịt, hắt hơi, sổ mũi… là tốt, rồi chia sẻ trên mạng xã hội gây “hiệu ứng tin đồn”, cho nên người nghe thông tin phải thận trọng và biết cân nhắc.
Tôi dứt khoát nói không với việc dùng khí dung ở nhà. Tôi nhấn mạnh, chỉ có thể thực hiện khí dung ở bệnh viện.
PV: Cảm ơn ông đã tư vấn!./
Theo Lưu Hường/Báo VOV (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin