CLB Hen- bệnh phổi mắc nghẽn mãn tính (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính: COPD) tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long vừa thành lập và đã có buổi sinh hoạt đầu tiên.
Trong điều trị bệnh, thường phải điều trị một số bệnh lý đi kèm bên cạnh điều trị bệnh lý chính. |
CLB Hen- bệnh phổi mắc nghẽn mãn tính (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính: COPD) tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long vừa thành lập và đã có buổi sinh hoạt đầu tiên.
Hơn 70 bệnh nhân là thành viên được tư vấn, hướng dẫn kiến thức chăm sóc, điều trị loại bệnh tật này, giúp hạn chế mắc hay hạ thấp nguy cơ bệnh chuyển sang nặng ở người bệnh.
Đông bệnh nhân hen- COPD
Theo BVĐK tỉnh, mô hình câu lạc bộ (CLB) “cũ người mới ta” này là học theo mô hình của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh). Tại Vĩnh Long, cuối tháng 7 rồi CLB này ra mắt và sinh hoạt lần đầu tiên và dự kiến mỗi 3 tháng sẽ sinh hoạt một lần.
Theo bác sĩ Trần Tất Trung- Trưởng Khoa Nhiễm, mỗi ngày có trên dưới 30 bệnh nhân đến khám hen- COPD (đã trừ các bệnh nhân về hô hấp khác). Tuần khám 6 ngày, là khoảng 180 bệnh.
Khoảng nửa tháng sẽ hẹn khám lại một lần đối với bệnh nhân. Nên số bệnh nhân hen- COPD qua khu khám ngoại trú mà bệnh viện nắm được tròm trèm 400 người. “Tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh hen- COPD trong cộng đồng vậy là cao”- bác sĩ Trần Tất Trung chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến- Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Vĩnh Long cũng xác nhận bệnh nhân hen- COPD tại tỉnh hiện nay khá đông. Và thông tin thêm, COPD là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 4 sau các bệnh về tim mạch, ung thư, tai biến mạch máu não. Người mắc COPD thì chất lượng cuộc sống bị hạn chế (khó thở, không dám vận động, không dám đi xa).
Các bác sĩ chuyên về nội khoa và hô hấp tại bệnh viện tỉnh chia sẻ, việc có buổi sinh hoạt cập nhật kiến thức về bệnh như hen- COPD mới đây, đã “đánh giá, thanh lọc theo nhu cầu xã hội tất yếu: người bệnh, người dân trong cộng đồng rất quan tâm tìm hiểu bệnh tật”.
Ngoài khám và điều trị nội trú, quản lý bệnh nhân hen qua tuyến bệnh viện tỉnh, việc có CLB sẽ giúp cung cấp cho bệnh nhân, người nhà của họ kiến thức nhận biết về bệnh, những yếu tố nguy cơ đưa bệnh nhân từ tình trạng ổn định đến mất ổn định do bệnh.
Bác sĩ Trần Tất Trung nói: “Chính xác hơn qua tư vấn hướng dẫn, cập nhật kiến thức sẽ giúp can thiệp, làm giảm tỷ suất hen nặng hay đợt cấp COPD- giúp giảm gánh nặng điều trị và các chi phí y tế”.
Nhu cầu muốn biết thông tin bệnh tật rất cao
Hàng loạt câu hỏi của nhiều bệnh nhân (đã mắc hoặc chưa biết mình mắc bệnh) được nêu lên tại buổi sinh hoạt hen- COPD vừa rồi. Nhiều ông bà lão còn hỏi ngoài nội dung chuyên môn này, về bệnh: tim mạch, mắt, đau khớp,...
Trước yêu cầu cần chia sẻ về các loại hình bệnh tật cao, bác sĩ diễn giải hôm đó phải cung cấp số điện thoại cho bệnh nhân lưu lại. Bác sĩ Trần Tất Trung kể: “Bệnh nhân, người dân gọi quá trời. Có hôm đâu cỡ 3 giờ sáng, có bệnh nhân hen hay phổi gì đó gọi hỏi “bác sĩ ơi, sao trong cổ họng đàm nhiều quá?”...
Để biết tình trạng bệnh nhân có mắc hen- COPD hay không, nhất thiết cần phải đo hô hấp ký. Hiện chỉ có BVĐK tỉnh có thiết bị y tế này, nên nhu cầu khám chẩn đoán, điều trị bệnh hen- COPD là cao.
Và quan trọng để điều trị hiệu quả, thì phải chẩn đoán đúng có hen- COPD hay không. Trong điều trị, nhất thiết phải điều trị lâu dài, liên tục và thường phải điều trị cùng với một số bệnh lý đi kèm.
Theo bác sĩ Trần Tất Trung, “sợ nhất là bệnh nhân không tuân thủ điều trị, sinh hoạt, dinh dưỡng và nhiều chế độ khác để bệnh ổn định”. Từ đó, nguy cơ hen chuyển nặng hay COPD chuyển độ cấp thì nguy hiểm cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến, có thể sắp tới CLB sẽ mời bên Khoa Nhi lồng ghép sinh hoạt cùng để tuyên truyền, tư vấn điều trị bệnh nhân hen nhi.
Các bác sĩ nói ban đầu mô hình ở đây, nhưng kỳ vọng sẽ nhân rộng tới bệnh viện tuyến huyện. Có thể là buổi sinh hoạt nho nhỏ về chuyên đề, có bác sĩ nói sẽ sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn, chia sẻ kiến thức phòng ngừa bệnh tật đến với người dân.
|
Bệnh hen và COPD là 2 bệnh khác nhau dù triệu chứng lâm sàng tương tự nhau như: ho, khò khè, khó thở. Ở hen phế quản, tình trạng rối loạn thông khí tắc nghẽn có thể hồi phục hoàn toàn (hồi phục tự nhiên hoặc khi dùng thuốc), trong khi đó bệnh nhân COPD có rối loạn thông khí hồi phục không hoàn toàn.
Hen phế quản thường xuất hiện lúc tuổi nhỏ và có liên quan ít nhiều đến cơ địa dị ứng, còn CODP thường xuất hiện sau tuổi 40 ở nam giới thường xuyên hút thuốc lá hoặc tiếp xúc khói bụi. Để biết rõ người mắc bệnh hen phế quản hay COPD, bác sĩ sẽ đo hô hấp ký để xác định chẩn đoán. |
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin