Kết hợp hài hòa giữa y học cổ truyền và hiện đại

04:08, 05/08/2016

Trong nhiệm kỳ 2011- 2016, Hội Đông y huyện Bình Tân luôn nỗ lực phấn đấu tổ chức xây dựng và phát triển mạng lưới Đông y ngày càng vững chắc. Song song đó, cùng với ngành y tế, tăng cường công tác khám chữa bệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân trong lĩnh vực Đông y.

Trong nhiệm kỳ 2011- 2016, Hội Đông y huyện Bình Tân luôn nỗ lực phấn đấu tổ chức xây dựng và phát triển mạng lưới Đông y ngày càng vững chắc. Song song đó, cùng với ngành y tế, tăng cường công tác khám chữa bệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân trong lĩnh vực Đông y.

Chủ tịch Hội Đông y huyện Bình Tân Nguyễn Tấn Tuấn đang thăm khám cho bệnh nhân.
Chủ tịch Hội Đông y huyện Bình Tân Nguyễn Tấn Tuấn đang thăm khám cho bệnh nhân.

Bình Tân là địa phương có truyền thống nhiều năm qua phát triển mạnh công tác nuôi trồng, sưu tầm và sơ chế dược liệu; từ đó luôn tạo được nguồn dược liệu dồi dào, bảo đảm cho công tác điều trị của các cấp hội tại địa phương, đồng thời hỗ trợ tốt cho các Hội Đông y lân cận.

Theo Lương y Nguyễn Tấn Tuấn- Chủ tịch Hội Đông y huyện Bình Tân: “Ngoài các vườn thuốc mẫu theo 9 nhóm của Bộ Y tế, Huyện hội còn vận động nhân dân trồng thuốc Nam xen trong vườn cây ăn trái với tổng diện tích trên 9.000m2, ở các xã: Tân Lược, Tân Bình và Thành Lợi. Mô hình này sẽ được nhân rộng trong thời gian tới”.

Đây cũng là thế mạnh được giữ vững và phát huy trong nhiều năm qua. Lương y Nguyễn Phương Trình- Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Vĩnh Long, đánh giá:

“Bình Tân đã biết tận dụng những lợi thế riêng để bảo tồn và phát triển đa dạng nguồn dược liệu, bảo đảm phục vụ tốt cho công tác điều trị. Trong đó, nhà kho thuốc Nam Tân Lược, do Ủy ban Y tế Hà Lan- Việt Nam tài trợ đã phát huy hiệu quả. Ngoài ra, các mô hình vườn thuốc tư nhân, cũng như việc tận dụng quỹ đất trống để nuôi trồng dược liệu đã được nhiều nơi học tập nhân rộng”.

Cụ thể, vườn thuốc Nam chuyên canh xã Tân Lược 6.000m2 ở cụm tuyến dân cư trên địa bàn ấp Tân Long, được UBND xã Tân Lược cho mượn, có vành đai chống lũ, hiện đã trồng trên 20 chủng loại: thuốc vũ, ké đầu ngựa, ý dĩ, dừa cạn, đinh lăng, dâu tằm,...

Ngoài ra, có 2 vườn thuốc Nam ở xã Thành Lợi với 4.500m2 và xã Tân Quới khoảng 5.00m2, trồng nhiều chủng loại quý hiếm như: bạch chỉ, xích đồng nam, bạch đồng nữ, cúc tần,...

Hội còn tận dụng đất mốc lộ giới Đường tỉnh 908, thuộc xã Tân Hưng, trên 3.000m2, trồng các loại thuốc như: ngũ trảo, dâu tằm, dừa cạn, ké đầu ngựa,...

Ngoài ra, Huyện hội còn vận động người dân trồng thuốc Nam với nhiều mô hình như: trồng xen trong vườn cây ăn trái, cây cảnh, cây rau có vị thuốc,... với tổng diện tích nuôi trồng trên 11.000m2 như: chân chim, mạch môn, đinh lăng, tần dày lá, tía tô, gừng, nghệ,...

Đối với công tác sưu tầm và sơ chế dược liệu, các tổ sưu tầm dược liệu trong huyện đã thu hái và sơ chế được 542 tấn thuốc Nam, hơn 50 tấn thuốc núi. Trong đó, thu hoạch từ các vườn là trên 41 tấn.

Ông Tuấn cho biết: “Tất cả số thuốc trên được phân phối cho các phòng chẩn trị trong huyện và còn cung cấp miễn phí cho các phòng chẩn trị phục vụ từ thiện ở các địa phương khác như Cần Thơ, Đồng Tháp, Cà Mau,
TP Vĩnh Long...”.

Những năm 2011- 2013 là giai đoạn Huyện hội gặp nhiều khó khăn do không có nơi bố trí phòng chẩn trị nên có hạn chế trong công tác khám chữa bệnh.

Để giải quyết khó khăn này, đến cuối năm 2013, UBND huyện Bình Tân đã quyết định giao cho Huyện hội quản lý và sử dụng 6 phòng làm việc cũ của Công an huyện Bình Tân (ở ấp Tân Thuận, xã Tân Quới) để làm cơ sở hoạt động.

Từ đó, đã triển khai được các phòng chức năng, sân phơi sơ chế dược liệu rộng rãi, nên thu hút đông bệnh nhân đến khám chữa bệnh.

5 năm qua, Hội Đông y Bình Tân đã khám và điều trị cho trên 300.000 lượt bệnh nhân, với nhiều phương pháp điều trị cùng với sử dụng phối hợp thuốc Nam, thuốc Bắc đạt hiệu quả cao. Trong đó, thuốc Nam gần 900.000 thang, thuốc Bắc gần 31.000 thang.

Với những thành quả đạt được, Hội Đông y Bình Tân tiếp tục phát huy, không ngừng phấn đấu vì mục tiêu cao cả của người thầy thuốc, kết hợp hài hòa giữa y học cổ truyền và hiện đại; từng bước hiện đại hóa nền Đông y, không ngừng nâng cao chất lượng hiệu quả trong công tác khám và điều trị bệnh cho nhân dân.

 

Đội ngũ thầy thuốc của Hội Đông y huyện Bình Tân đã được Tỉnh hội đánh giá là đồng đều và khá mạnh. BCH Hội nhiệm kỳ 2011- 2016 là 19 ủy viên. Trong đó, có 4 bác sĩ (21%), 7 y sĩ y học cổ truyền (36,8%), 7 lương y (36,8%).

Bài, ảnh: QUANG THUẦN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh