Chuyển giao kỹ thuật chăm sóc sức khỏe người dân

02:07, 08/07/2016

Học hỏi, chuyển giao- cập nhật các kỹ thuật y tế hiện đại từ các bệnh viện tuyến Trung ương về bệnh viện tỉnh; các dịch vụ y tế kỹ thuật phức tạp từ Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh (bệnh viện hạng 2) chuyển cho bệnh viện tuyến huyện (hạng 3). Đó là bước đi tích cực để trang bị các kỹ thuật y tế cao, phức tạp, phục vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân.

Học hỏi, chuyển giao- cập nhật các kỹ thuật y tế hiện đại từ các bệnh viện tuyến Trung ương về bệnh viện tỉnh; các dịch vụ y tế kỹ thuật phức tạp từ Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh (bệnh viện hạng 2) chuyển cho bệnh viện tuyến huyện (hạng 3).

Đó là bước đi tích cực để trang bị các kỹ thuật y tế cao, phức tạp, phục vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đến kiểm tra công tác khám chữa bệnh tại BVĐK tỉnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đến kiểm tra công tác khám chữa bệnh tại BVĐK tỉnh.

Cập nhật kỹ thuật y tế hiện đại

Tháng 12 năm ngoái, bà Nguyễn Thị M.H. (Vũng Liêm) làm thịt cóc có trứng... ăn. Sau đó bà được chuyển vào BVĐK tỉnh với tình trạng hết sức nguy hiểm, phải thở oxy, truyền dịch, sử dụng thuốc chống rối loạn nhịp tim và lọc máu liên tục để giải độc. Lọc máu liên tục để giải độc tố do trứng cóc gây ra đã giúp cứu sống trường hợp hy hữu này.

Cũng năm ngoái, bệnh nhân Trần Công D. chuyển từ BVĐK huyện Tam Bình về BVĐK tỉnh trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở.

Bệnh nhân được chẩn đoán bị hen phế quản ác tính, suy hô hấp nặng, “đã chết lâm sàng” trước khi vào viện. BVĐK tỉnh đã tiến hành cho thở máy, truyền kháng sinh chống bội nhiễm và các kỹ thuật cần thiết cho bệnh nhân. Sau 3 ngày được điều trị tích cực, bệnh nhân đã dần hồi phục, tiên lượng tốt.

Đó là một số trường hợp phải dùng các kỹ thuật y tế phức tạp, chuyên sâu để cứu sống bệnh nhân tại BVĐK tỉnh thời gian qua. Theo các bác sĩ Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực và chống độc tại BVĐK tỉnh, trong trường hợp bệnh nhân “nguy cấp”, các bệnh viện tuyến huyện đã làm rất tốt khâu xử trí ban đầu để chuyển bệnh kịp thời.

Là cơ sở điều trị cao nhất của tỉnh với quy mô 600 giường bệnh, nhưng BVĐK tỉnh phải thực kê gần 850 giường bệnh, cho thấy nhu cầu khám bệnh, điều trị nội trú nhiều loại bệnh phức tạp tại bệnh viện khá cao.

Theo Sở Y tế, giai đoạn 2010- 2015, nhiều kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị đã được áp dụng thành công. Qua nhiều năm học hỏi, tích lũy, tập huấn chuyển giao,... đến nay BVĐK tỉnh đã triển khai thực hiện 32 kỹ thuật khám chữa bệnh tuyến trung ương; các bệnh viện tuyến huyện đã triển khai 49 dịch vụ kỹ thuật tuyến tỉnh; trạm y tế tuyến xã đã triển khai được 4 dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện.

Như năm 2015, BVĐK tỉnh chuyển giao 6 nhóm kỹ thuật cho Bệnh viện Y dược cổ truyền TP Vĩnh Long và BVĐK TP Vĩnh Long: schock điện, thở máy, xử trí ngộ độc, kiểm soát nhiễm khuẩn, phẫu thuật nội soi mũi xoang- phẫu thuật killian, chẩn đoán điều trị suy tim, nội soi phế quản cho 110 lượt bác sĩ và điều dưỡng.

Bộ Y tế cho rằng Vĩnh Long còn nhiều khó khăn nhưng đã rất nỗ lực để phát triển ngành y tế.
Bộ Y tế cho rằng Vĩnh Long còn nhiều khó khăn nhưng đã rất nỗ lực để phát triển ngành y tế.

Hướng tới sự đa dạng chăm sóc sức khỏe người dân

Bác sĩ Trần Văn Út- Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long- nhìn nhận thời gian qua các bệnh viện tuyến trên đã hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn tích cực cho các cơ sở điều trị ở tỉnh.

Từ đó giúp ngành y tế địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng điều trị, hiệu quả khám chữa bệnh cho người dân. Với 100% trạm y tế có bác sĩ, đã giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên; giúp giảm chi phí khám chữa bệnh, đi lại của người dân...

Giai đoạn 2016- 2020, BVĐK tỉnh Vĩnh Long sẽ được đầu tư, chuyển giao chuyên môn kỹ thuật để làm bệnh viện vệ tinh cho 4 bệnh viện trung ương và tuyến cuối tại TP Hồ Chí Minh, gồm: Thống Nhất, Chợ Rẫy, Từ Dũ, Nhi Đồng 1.

Hàng loạt kỹ thuật y tế cao thuộc 4 chuyên khoa: nội, ngoại, sản, nhi sẽ được chuyển giao cho đội ngũ chuyên môn tại tỉnh. Đây là cơ sở để BVĐK tỉnh bổ sung các kỹ thuật y tế hiện đại, có thể điều trị tại chỗ, điều trị hiệu quả cho bệnh nhân với kỹ thuật cao tương tự tuyến trên. Làm được vậy sẽ đa dạng sự lựa chọn của người dân trong chăm sóc y tế...

Trong quá trình đó, từ bây giờ, yêu cầu quan trọng đối với hệ thống điều trị ở tỉnh là cần phải tăng cường đầu tư trang thiết bị y tế phù hợp, hiện đại cho bệnh viện các tuyến, kịp thời đào tạo đội ngũ nhân viên y tế cơ bản, “tinh nhuệ” để làm chủ kỹ thuật y tế cao, nâng hiệu quả điều trị và chăm sóc sức khỏe người dân địa phương.

™Bài, ảnh: MINH THÁI

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh