BS viện Bạch Mai tiết lộ "sốc" nguyên nhân rất nhiều người Việt suy thận, phải chạy thận

07:07, 20/07/2016

Theo TS. BS Đỗ Đào Vũ, 1 trong những biến chứng của bàng quang thần kinh là kênh cung cấp bệnh nhân suy thận khiến chi phí chăm sóc y tế tăng lên rất nhiều.

Theo TS. BS Đỗ Đào Vũ, 1 trong những biến chứng của bàng quang thần kinh là kênh cung cấp bệnh nhân suy thận khiến chi phí chăm sóc y tế tăng lên rất nhiều.

Cả đời phải đặt thông tiểu bàng quang

Bệnh nhân Nguyễn Thị Hòa (tên bệnh nhân đã được thay đổi) quê ở Hải Phòng là một trường hợp đáng tiếc khi bị bệnh không được phát hiện để điều trị sớm.

Tiền sử bệnh nhân này có các triệu chứng đi tiểu không kiểm soát như tiểu nhiều lần, tiểu dầm, rỉ tiểu trong nhiều năm, đã đi khám và điều trị ở nhiều nơi nhưng bệnh không thuyên giảm.

Năm 2015, bệnh nhân phải nhập viện Việt Đức trong tình trạng đã suy thận, thủng bàng quang, tình hình rất nghiêm trọng. Bác sĩ chỉ định mổ xử lý và tạo hình bàng quang.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được giới thiệu đến Đơn vị niệu động học và phục hồi chức năng tiết niệu – sinh dục thuộc Trung tâm Phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục điều trị chuyên khoa.

Bàng quang thần kinh không được điều trị tất yếu sẽ dẫn đến suy thận
Bàng quang thần kinh không được điều trị tất yếu sẽ dẫn đến suy thận

Tại đây, các bác sĩ khám và chẩn đoán bệnh nhân này bị tiểu không kiểm soát đã phẫu thuật tạo hình bàng quang trên bệnh nhân có bàng quang thần kinh do tôn thương tủy sống. Trường hợp này bệnh nhân phải đặt thông tiểu ngắt quãng lâu dài.

Tuy nhiên, TS. BS. Đỗ Đào Vũ, PGĐ Trung tâm Phục hồi chức năng - người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Hòa cho biết trường hợp này có thể duy trì không làm nặng thêm tình trạng của bệnh, cải thiện tình trạng tiểu không kiểm soát như rỉ tiểu, tiểu dầm, giảm các biến chứng nhiễm khuẩn tái diễn nếu được điều trị và chăm sóc đúng phương pháp.

Bác sĩ cho biết với phác đồ điều trị bằng thuốc kháng muscarin (trường hợp bàng quang tăng hoạt tính) kết hợp thông tiểu ngắt quãng, bệnh nhân tuân thủ đúng thì có thể không làm nặng thêm tình trạng suy thận mạn.

Nếu không khống chế được, bệnh nhân sẽ tiến triển đến mức suy thận nặng hơn thì không tránh khỏi chạy thận hoặc nguy hiểm đến tính mạng.

Bàng quang thần kinh: Nguyên nhân của rất nhiều ca suy thận

Bàng quang thần kinh là bệnh lý gây mất chức năng của bàng quang do tổn thương một phần của hệ thống thần kinh.

Bệnh khiến cho bàng quang hoạt động kém, không thể tống nước tiểu ra ngoài hoàn toàn hoặc ngược lại hoạt động quá mức, bàng quang co bóp không tự chủ thường xuyên, thậm chí không còn khả năng phối hợp với hoạt động co thắt bàng quang.

Cơ chế gây bệnh:

Quá trình đi tiểu thông thường đòi hỏi sự phối hợp của hệ thần kinh bao gồm thần kinh trung ương, thần kinh giao cảm, phó giao cảm và sự hoạt động bình thường của cơ bàng quang, cơ thắt niệu đạo. Khi các tổ chức này bị tổn thương sẽ dẫn đến các rối loạn bài xuất nước tiểu từ bàng quang.

Nếu nguyên nhân của rối loạn này không phải do tổn thương của hệ thống bàng quang hay niệu đạo thì nó đến từ tổn thương của hệ thần kinh. Do đó, nó được gọi là hội chứng bàng quang thần kinh.

Nguyên nhân gây bệnh:

Theo TS. BS. Đỗ Đào Vũ, PGĐ Trung tâm Phục hồi chức năng, bàng quang thần kinh là hậu quả của những bệnh lý thần kinh như tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, u não, bệnh lý parkinson, bệnh lý về tủy sống, bệnh lý đái tháo đường, bệnh nhân bị HIV, herpes sinh dục tiết niệu... làm cho người bệnh tiểu không kiểm soát.

Nếu không được chăm sóc, hậu quả có thể dẫn đến trào ngược bàng quang niệu quản, suy thận, nguy cơ tử vong cao.

Triệu chứng của bàng quang thần kinh:

Bệnh lý bàng quang thần kinh có thể dẫn đến việc người bệnh đi tiểu nhiều lần và không kiểm soát được việc đi tiểu của mình, buồn tiểu liên tục nhưng tiểu bí, khó tiểu, tiểu nhỏ giọt do bàng quang hoạt động kém không co lại và tống được hết nước tiểu ra ngoài khiến nước tiểu bị ứ đọng trong bàng quang.

Trường hợp này, nếu nước tiểu ứ đọng lâu ngày sẽ dẫn đến nhiễm khuẩn đường tiểu, viêm thận, bể thận, sỏi tiết niệu, trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên thận.

Bàng quang thần kinh cũng có thể dẫn đến hiện tượng bàng quang hoạt động quá mức, co bóp thường xuyên, liên tục, không có khả năng phối hợp với cơ thắt niệu đạo khiến cho người bệnh không tự chủ được việc đi tiểu gây ra tiểu gấp, tiểu dầm... ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ.

Những lưu ý điều trị:

Theo TS. BS Đỗ Đào Vũ, bàng quang thần kinh là một bệnh lý phức tạp, chưa được quan tâm đúng mức. Biến chứng của bàng quang thân kinh thường là nhiễm khuẩn tiết niêu, sỏi bàng quang, trào ngược bàng quang niệu quản, suy thận…

Việc không kiểm soát tốt bệnh lý bàng quang thần kinh làm gia tăng tỷ lệ bệnh nhân suy thận khiến tăng chi phí chăm sóc y tế, chất lượng cuộc sống thấp nếu không được chăm sóc điều trị đúng.

Chính vì thế, quan trọng nhất trong điều trị bàng quang thần kinh là cần phát hiện ra bệnh sớm, chăm sóc và điều trị đúng. Người bệnh, khi thấy có các dấu hiệu rối loạn tiểu tiện cần đến ngay các chuyên khoa tiết niệu hoặc phục hồi chức năng tiết niệu để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nhiều trường hợp bệnh nhân cho rằng những rối loạn đi tiểu như thế là bình thường nên cố gắng chịu đựng mà không đi khám hoặc đi khám nhưng không đúng chuyên khoa dẫn đến việc bệnh không được phát hiện và điều trị.

BS Vũ cho biết, nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng phương pháp, hậu quả có thể dẫn đến suy thận, ở mức độ nặng bệnh nhân phải chạy thận hoặc tử vong. Tuy nhiên, nếu biết sớm có thể ngăn chặn được biến chứng nguy hiểm này.

Một điều quan trọng nữa được BS Vũ nhấn mạnh là trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ những chỉ dẫn của bác bác sĩ, khám theo dõi định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

Rất nhiều bệnh nhân do không làm đúng yêu cầu của bác sĩ nên việc điều trị bệnh không tiến triển, hậu quả có thể là biến chứng trào ngược bàng quang niệu quản, suy thận hay nhiễm khuẩn tiết niệu tái diễn.

Cũng có thể do bệnh đã ổn định, bệnh nhân cho rằng như thế là đã khỏi nên tự ý bỏ điều trị, không tuân thủ dặn dò của bác sĩ, không thực hiện tái khám... khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, khó kiểm soát.

Theo BS Vũ, trong điều trị bàng quang thần kinh, quan trọng nhất là khám phát hiện sớm, điều trị đúng và sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân. Bên cạnh đó, các bác sĩ điều trị cũng cần giải thích cặn kẽ để bệnh nhân ý thức được việc này.

Khám và điều trị ở đâu?

Trong trường hợp phát hiện các triệu chứng của bàng quang thần kinh, bệnh nhân nên đi khám tại các chuyên khoa tiết niệu hoặc khoa phục hồi chức năng.

Ở Hà Nội có Đơn vị niệu động học và phục hồi chức năng tiết niệu – sinh dục thuộc Trung tâm Phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai là nơi thường xuyên tiếp nhận, điều trị, chăm sóc các trường hợp mắc bệnh này./.

Theo Tri Thức Trẻ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh