Kỹ lúc ăn, tránh "nghẽn, hóc"

09:05, 20/05/2016

Dị vật đường ăn phổ biến là các xương gà, vịt, cá; miếng thịt nạm, gân bò, thịt heo, thậm chí là cái mật, miếng da, viên thuốc,... Theo bác sĩ, những thứ này người lớn thường hay bị "nghẽn" ngang thực quản nhiều nhất.

Khá nhiều thứ dị vật qua đường thực quản (dị vật đường ăn) được cấp cứu, xử trí tại Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long.

Dị vật đường ăn phổ biến là các xương gà, vịt, cá; miếng thịt nạm, gân bò, thịt heo, thậm chí là cái mật, miếng da, viên thuốc,... Theo bác sĩ, những thứ này người lớn thường hay bị “nghẽn” ngang thực quản nhiều nhất.

Cận cảnh đoạn răng là dị vật bị hóc của một bệnh nhân lớn tuổi.
Cận cảnh đoạn răng là dị vật bị hóc của một bệnh nhân lớn tuổi.

Muôn trạng kiểu hóc dị vật

Theo bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Ngọc Duy- Trưởng Khoa Tai mũi họng, trường hợp nhiều bệnh nhân hóc dị vật qua đường ăn uống lại là người lớn.

Lý do lúc đang ăn họ cười nói, đùa giỡn, hoặc người lớn tuổi răng rụng khó lừa thức ăn trước khi nuốt, hay có khi họ nuốt chính răng giả của mình,... Đây là những kiểu hóc dị vật thức ăn mà khoa gặp, xử trí nhiều nhất.

Bác sĩ Lê Thị Ngọc Duy cho biết, những dị vật thức ăn thường gặp là: xương cá, xương gà, xương vịt, răng giả. Ít hơn thì có thịt nạm, gân bò, thịt heo hay là cái mật, miếng da cầy. Trẻ nhỏ cũng hóc dị vật, nhưng chiếm tỷ lệ ít, với dị vật hay bị hóc thường là đồng xu hoặc bu- loong, con tán,...

Bệnh nhân Trần Thị Y. (45 tổi, Phường 8- TP Vĩnh Long) vào bệnh viện để xử trí dị vật là... hàm răng giả của mình. Một mấu trên đoạn răng bị sứt ra không còn bám vào hàm nên trong quá trình ăn uống người này nuốt vào và bị vướng lại thực quản.

Còn bà Đỗ Thị T. (52 tuổi, Phường 5- TP Vĩnh Long) thì vào viện để xử lý dị vật là xương cá. Chỉ một ngày sau nội soi lấy dị vật, bà có thể ăn uống bình thường.

Ông Nguyễn Văn H. (78 tuổi, ngụ xã An Hữu, huyện Cái Bè- Tiền Giang) cũng được chuyển vào Khoa Tai mũi họng tại BVĐK tỉnh Vĩnh Long để lấy dị vật là... một búi thịt heo. “Chúng tôi chẩn đoán được dị vật, sau đó nội soi xé từng sợi thịt heo nhỏ và gấp ra”- bác sĩ Lê Thị Ngọc Duy kể.

Hay hôm tết rồi, BVĐK tỉnh tiếp nhận một bệnh nhân có tuổi nuốt cái mật con chó để... trị bệnh theo đồn thổi của dân gian. Các điều dưỡng tại Khoa Tai mũi họng kể, ông cụ nuốt thì cái mật không trôi xuống dạ dày được mà đến thực quản thì vướng lại.

Theo ghi nhận của BVĐK, ông đã lấy đũa xom cho cái mật vỡ ra để nuốt xuống dễ hơn. Trớ trêu thay, cái mật vỡ ra, chất đắng tràn ra đắng nghét cuống họng mà ông vẫn không nuốt được. Phải nhờ nội soi, bác sĩ mới lấy được cái mật ra giúp ông.

“Hóc dị vật đường ăn là tình huống hầu hết người lớn hàng ngày đều có thể gặp phải”- bác sĩ Lê Thị Ngọc Duy nhận xét và nói rằng, khá nhiều trường hợp nhiều người trong lúc ăn nhậu đã vô tư nói cười dẫn đến bị hóc xương, gân, nạm bò. Một điều dưỡng kể có vụ việc hy hữu là bệnh nhân hóc cục gân bò, khi nội soi gắp ra không được, đành… lấy dụng cụ đẩy miếng gân bò đó xuống dạ dày luôn!

Ăn uống cẩn trọng, tránh hóc dị vật

Điều dưỡng trưởng Khoa Tai mũi họng Nguyễn Thị Bích Vân cho hay, hàng tuần tại cuộc họp hội đồng người bệnh cấp khoa, trong tuyên truyền giáo dục sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, lúc nào cũng có nói tới chuyện hóc dị vật mà người dân hay gặp hàng ngày. Điều dưỡng chăm sóc Nguyễn Thị Diễm thì nói, đặc thù bị hóc dị vật là bệnh nhân hoang mang, lo lắng.

“Khi tiếp xúc, đầu tiên chúng tôi sẽ động viên, trấn an tinh thần họ, sau đó bác sĩ sẽ nội soi để lấy dị vật ra”- điều dưỡng Nguyễn Thị Diễm nói.

Một trẻ 5 tuổi vô tình bị hóc dị vật là con bu- loong sau khi được nội soi lấy ra.
Một trẻ 5 tuổi vô tình bị hóc dị vật là con bu- loong sau khi được nội soi lấy ra.

Theo bác sĩ Lê Thị Ngọc Duy, khi hóc dị vật, bệnh nhân đang ở tình trạng lo sợ, khó nuốt, cảm giác “nghẽn” ở thực quản, nhưng hầu hết trường hợp dị vật đường ăn đều xử trí ổn ngay sau nội soi. Nhưng cũng có trường hợp người bị hóc dị vật để quá 3 ngày, chậm đến bệnh viện, dẫn đến áp xe thực quản gây nguy hiểm tính mạng.

Trường hợp này sau xử trí ban đầu, nếu nguy hiểm sẽ chuyển lên bệnh viện tuyến trên mở lồng ngực lấy dị vật ra. “Khi hóc dị vật, đầu tiên là đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế chuyên khoa”- bác sĩ Lê Thị Ngọc Duy khuyến cáo.

Nói về cách hạn chế dị vật qua đường ăn uống hàng ngày của mọi người, bác sĩ Lê Thị Ngọc Duy cho rằng: khi ăn uống tránh nói cười, ăn chậm nhai kỹ,... Thậm chí cần thay đổi thói quen khi chế biến thức ăn là chặt thịt gà, vịt, cá thành miếng to, chặt xéo để xếp lên dĩa cho đẹp, để tránh nguy cơ khi ăn có thể hóc xương, thịt...

Với người có trồng răng giả thì khi mấu móc răng bị sụt sịt, gãy, không bấu víu hàm nữa thì nên thay, tránh để khi ăn, uống mà nuốt phải răng mình.

Thêm nữa là thói quen uống thuốc của một số người, không coi kỹ vỏ bọc viên thuốc và hay cầm cả bụm thuốc bỏ vào miệng dẫn đến hóc viên thuốc ngay thanh quản. Còn trẻ nhỏ thì rất cần quan tâm theo sát trong ăn uống chơi đùa, tránh không bị hóc các dị vật như đã nêu.

 

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh