Ngoài yếu tố di truyền, một trong các yếu tố nguy cơ cao dẫn đến nhiều người mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là do lối sống trong xã hội hiện đại đem lại. Bệnh ĐTĐ hiện đang gia tăng nhanh ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Ngoài yếu tố di truyền, một trong các yếu tố nguy cơ cao dẫn đến nhiều người mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là do lối sống trong xã hội hiện đại đem lại. Bệnh ĐTĐ hiện đang gia tăng nhanh ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bác sĩ chích thuốc cho bệnh nhân tại Khoa Nội tổng hợp. Nhiều bệnh nhân vào đây đa số điều trị ĐTĐ, hoặc trị bệnh lý khác, nhưng có ĐTĐ đi kèm. |
Phóng viên tìm hiểu tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long và thấy việc người dân đến khám, tầm soát bệnh này hàng ngày khá cao. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thu Hà- Trưởng Phòng Kế hoạch- Tổng hợp tại bệnh viện cho biết, thống kê trong 5 ngày (28/3- 1/4/2016), có hơn 580 người dân, bệnh nhân đến khám tầm soát bệnh ĐTĐ hoặc bệnh lý khác có kèm theo ĐTĐ. Bình quân, mỗi ngày có hơn 110 lượt người khám và được tư vấn điều trị ĐTĐ.
ĐTĐ ngày càng... phổ biến
Trao đổi với các bác sĩ, trước đây số người đến khám tầm soát, điều trị ĐTĐ còn nhiều hơn tại các phòng khám bệnh viện tỉnh. Nay con số này ít lại, bởi phân tuyến khám chữa bệnh BHYT, nên rất nhiều người dân, bệnh nhân đã khám điều trị ở các bệnh viện huyện.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Bạch Yến- Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Vĩnh Long xác nhận thực tế: Người dân, bệnh nhân đến khám tầm soát bệnh lý ĐTĐ tại bệnh viện là cao.
Phòng khám nội tiết tại bệnh viện dành ngày thứ 5, thứ 6 hàng tuần khám, hướng dẫn điều trị các bệnh về nội tiết, mà chủ yếu trong đó là bệnh ĐTĐ. Phó Giám đốc BVĐK tỉnh- Nguyễn Thị Bạch Yến nói: “Hiện số người bệnh ĐTĐ trong cộng đồng ngày càng nhiều và ĐTĐ vẫn luôn là bệnh thời sự”.
Theo Ths, bác sĩ Hồ Bích Thủy- Trưởng Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực và chống độc tại bệnh viện, ĐTĐ được chia thành 2 dạng: tuýp 1, tuýp 2. ĐTĐ tuýp 1 chiếm ít (5- 10%), chủ yếu thường gặp ở trẻ em mập mạp béo phì, và triệu chứng rõ nhất là: ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều.
ĐTĐ tuýp 2 chiếm đa số (90- 95%). Điều đáng nói, theo bác sĩ Bích Thủy là “ĐTĐ tuýp 2 thường được phát hiện một cách tình cờ và đa số phát hiện trễ”.
Nguyên nhân mắc ĐTĐ tuýp 2 do yếu tố di truyền, do lối sống (ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, đặc thù công việc,...), do một bệnh cảnh nào đó như stress, tai biến,... hay có khi hy hữu là người mẹ sinh con trên 4kg thì người mẹ ấy cũng có thể mắc ĐTĐ.
Thậm chí về bệnh “thời đại” này, có bác sĩ chuyên khoa còn nói “bây giờ hầu như nhà nào cũng có người mắc ĐTĐ”. Bệnh ngày càng trẻ hóa. Nếu trước kia người mắc ĐTĐ tuýp 2, đa số từ trên 40 tuổi, thì vài năm gần đây số này trẻ hóa hơn, dưới 40, thậm chí vừa 30 tuổi.
Tại Khoa Nội tổng hợp, điều dưỡng, Trưởng khoa Đỗ Thanh Hiền thống kê sơ bộ mỗi ngày có 25- 30 bệnh nhân điều trị ĐTĐ. Có thể là bệnh cảnh chính, hoặc có thể là bệnh đi kèm bệnh cảnh khác, nhiều bệnh nhân điều trị ĐTĐ tại đây đa số đã già và có biến chứng liên quan.
Ông Mai Hữu L. (53 tuổi, Phường 4- TP Vĩnh Long) đang điều trị tại Khoa Nội tổng hợp là trường hợp như vậy. Bà Bùi Thị N. (77 tuổi, thị trấn Tam Bình- huyện Tam Bình) mắc nhiều chứng bệnh lão khoa cũng đang nằm bệnh viện tỉnh gần tuần nay. Người nhà cho hay bà mắc nhiều chứng bệnh, trong đó đang điều trị chủ yếu là ĐTĐ.
Thay đổi lối sống, kiểm soát tốt lượng đường huyết
Đơn giản nhất để hiểu, người mắc ĐTĐ tuýp 1 do cơ thể không tiết đủ Insulin để điều chỉnh lượng đường huyết trong cơ thể họ. Còn người mắc ĐTĐ tuýp 2, cơ thể họ vẫn sản xuất Insulin, nhưng Insulin bị đề kháng nên “làm việc” không hiệu quả, tức cũng không điều chỉnh đường huyết tốt.
Căn cứ đó để có giải pháp tương ứng trong điều trị ĐTĐ.
Theo bác sĩ Bích Thủy, ĐTĐ không thể chữa khỏi nhưng có thể kiểm soát được, nếu như bệnh nhân tuân thủ kiểm soát tốt đường huyết và điều trị liên tục.
Theo đó: ĐTĐ tuýp 1 thường bắt buộc dùng thuốc suốt đời, tức chích Insulin. ĐTĐ tuýp 2, điều trị chia ra dùng thuốc và không dùng thuốc.
Không dùng thuốc, tức sẽ dùng biện pháp thay đổi lối sống: tránh lối sống thụ động, ít vận động, ăn uống điều độ đi kèm với giảm béo, ngọt, các chất kích thích (rượu bia, thuốc lá), tránh để thừa cân, béo phì,... sẽ hạn chế bệnh diễn biến phức tạp.
Ở phương pháp dùng thuốc, là khi bệnh nhân mắc ĐTĐ nặng, có biến chứng, hoặc mắc một số bệnh lý khác, rồi kèm theo bệnh ĐTĐ. Trường hợp bệnh nhân sau khi đã thay đổi lối sống và tuân thủ cơ bản các giải pháp để khỏi dùng thuốc, mà ĐTĐ vẫn diễn biến phức tạp, thì cũng phải sử dụng đến Insulin.
“Tốt nhất là kiểm soát từ đầu các yếu tố nguy cơ mắc ĐTĐ, mà ở đó quan trọng là kiểm soát tốt đường huyết trong cơ thể. Đường huyết tăng, nguy cơ mắc ĐTĐ là khó tránh khỏi”- bác sĩ Bích Thủy chia sẻ.
Một khi mắc ĐTĐ và bệnh nặng, sẽ có các biến chứng đi kèm rất “dữ dội”, như: nhiễm trùng huyết, suy thận mãn, các biến chứng về tim mạch, mù mắt, loét chân (thường dẫn đến cắt cụt chân),...
Ở góc độ quản lý chuyên môn, bác sĩ Bạch Yến cho biết, hiện nay đa số bệnh viện huyện đều có xét nghiệm, tầm soát, điều trị được ĐTĐ. Với trường hợp bệnh nặng, có biến chứng liên quan đến não, thận, tim, thường sẽ chuyển về bệnh viện tỉnh hoặc bệnh viện tuyến trên.
Điều quan trọng trong điều trị ĐTĐ là cần tuân thủ theo phác đồ bác sĩ. Bác sĩ Bạch Yến kể có trường hợp bệnh nhân điều trị ĐTĐ ở bệnh viện tỉnh, do “ngán” phải điều trị thường xuyên, lâu dài, nên dùng biện pháp điều trị thuốc Nam. Trường hợp này, nếu người bệnh không am hiểu, sẽ dễ gây biến chứng âm thầm và rất nguy hiểm.
“Nối vòng tay lớn đẩy lùi bệnh ĐTĐ”. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn chủ đề này để hưởng ứng ngày Sức khỏe thế giới (7/4) năm 2016. WHO khuyến cáo mọi người dân nên kiểm tra thường xuyên và kiểm soát tốt lượng đường huyết trong cơ thể. Nên vận động thể dục, ăn uống lành mạnh, hạn chế rượu bia, thuốc lá, từ từ giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì,... nhằm hạn chế thấp nhất các yếu tố nguy cơ mắc ĐTĐ cho mình. |
Bài, ảnh: MINH THÁI
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin