Trong nhiều mô hình truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) dựa vào cộng đồng, truyền thông dựa vào trường học mà chủ thể chính là học sinh, giáo viên đã bước đầu đem lại hiệu quả tốt.
Trong nhiều mô hình truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) dựa vào cộng đồng, truyền thông dựa vào trường học mà chủ thể chính là học sinh, giáo viên đã bước đầu đem lại hiệu quả tốt.
Trường THCS Đồng Phú (xã Đồng Phú- Long Hồ) trong năm 2015 đã thí điểm triển khai mô hình này.
Cán bộ y tế Viện Y tế công cộng trắc nghiệm kiến thức phòng chống SXH tại Trường THCS Đồng Phú. |
“Mô hình truyền thông phòng chống SXH dựa vào trường học” do Khoa Giáo dục và Nâng cao sức khỏe (Viện Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh) phối hợp Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe (Sở Y tế Vĩnh Long) thực hiện. Chọn thí điểm mô hình tại Trường THCS Đồng Phú, bởi từ thực tế địa phương được xem là địa bàn tập trung đối tượng dễ bị tổn thương, dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu và có độ phơi nhiễm cao với bệnh SXH.
Ông Thái Văn Lợi- Trưởng Trạm y tế xã Đồng Phú cho biết hiệu quả truyền thông khi dựa vào trường học: Thứ nhất là trên 80% các hộ gia đình đều có học sinh và đây là lực lượng đông đảo.
Thứ hai là các thầy cô giáo có kiến thức về kỹ năng sư phạm, do đó khi được cung cấp kiến thức, thầy cô sẽ truyền đạt cho học sinh dễ dàng và hiệu quả hơn. Với học sinh cấp 2, các em cũng sẽ có kiến thức và kỹ năng thực hành các biện pháp phòng chống SXH và như vậy sẽ mang lại hiệu quả bền vững hơn.
Từ tài liệu phòng chống SXH do cơ quan truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh cung cấp, Trường THCS Đồng Phú sẽ tổ chức lồng ghép tuyên truyền trong những buổi sinh hoạt dưới cờ, tiết học ngoại khóa cho toàn thể học sinh.
Tiếp theo, nhà trường phối hợp với ban ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức cho các em thực hành các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng, tổ chức thi kiến thức phòng chống SXH,... Mỗi học sinh từ đó sẽ tiếp tục là “tuyên truyền viên” khi về với gia đình, xóm ấp của mình.
Qua kiểm tra trắc nghiệm kiến thức và thực hành phòng chống SXH trong 240 học sinh khối lớp 6, 7, 8, số nhà có trữ nước sinh hoạt giảm 0,2 lần, tỷ lệ gia đình súc rửa dụng cụ chứa nước tăng 5,5 lần và đậy nắp kín dụng cụ chứa nước tăng 3,7 lần.
Ngoài ra, các giải pháp “mềm” như: học sinh chọn cá rô, cá sặt, cá bã trầu để thả vào dụng cụ chứa nước tăng lên nhiều lần; số học sinh biết đậy nắp, đậy kín bằng miếng ny lông che kín lu tăng, biết bỏ muối vào chén nước chống kiến chân tủ thức ăn để diệt lăng quăng; nhà học sinh có vật linh tinh bên ngoài nhà giảm; mặc áo dài tay và quần dài để phòng chống muỗi đốt, dùng quạt đuổi muỗi cũng tăng...
Sở Y tế Vĩnh Long cho đây cũng là kết quả mong đợi của ngành y tế trong phổ biến kiến thức, biện pháp thực hành rộng rãi đến hộ gia đình trong cộng đồng để phòng chống dịch bệnh có nguồn gốc từ muỗi này.
Qua mô hình thí điểm, ông Tạ Quốc Đạt (Khoa Giáo dục và Nâng cao sức khỏe, Viện Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh) kiến nghị:
Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan y tế với nhà trường để nâng cao hiệu quả truyền thông thay đổi hành vi phòng chống SXH dựa vào học sinh, nhất là kiến thức và thực hành phòng bệnh chưa chuyển biến tốt. Cần có sự phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh học sinh, đội ngũ nhân viên y tế khóm- ấp trong giám sát thực hành tại nhà học sinh và hộ gia đình để nâng cao hiệu quả mô hình khi triển khai rộng ra.
Dự kiến, năm học 2016- 2017, mô hình sẽ nhân rộng thêm 4 điểm trường học trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: MINH THÁI- HỒNG NHUNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin