Mướp hương thuộc họ bí, theo Đông y, mướp có vị ngọt, tính mát, không độc, có tác dụng điều kinh, chỉ đới, bình can, thanh nhiệt, nhuận da, thông kinh lạc...
Mướp hương thuộc họ bí, theo Đông y, mướp có vị ngọt, tính mát, không độc, có tác dụng điều kinh, chỉ đới, bình can, thanh nhiệt, nhuận da, thông kinh lạc, thông đại tiểu tiện, hành huyết mạch. Các bộ phận của cây mướp đều được dùng làm thuốc với các tên như: lá mướp (ty qua diệp), dây mướp (ty qua đằng), xơ mướp (ty qua lạc)... có thể sử dụng chữa nhiều bệnh khác nhau.
Quả mướp
Chữa viêm phế quản, ho nhiều đờm: mướp tươi để cả vỏ rửa sạch, giã nát lấy 40ml nước, hòa trộn với 10ml mật ong, ngày uống 2-3 lần.
Chữa tiểu tiện ra máu, viêm đường tiết niệu: quả mướp 250g, dùng cả cuống và vỏ, bổ ra, thêm nước nấu thành 400ml nước, để nguội, cho lượng mật ong vừa phải vào uống thay nước giải khát trong ngày.
Chữa trĩ nội, đại tiện ra máu: dùng 250g quả mướp non, nạo bỏ vỏ ngoài, thái ra thành miếng cho lượng nước vừa phải vào nấu lên ăn.
Chữa thông tuyến sữa: dùng lượng mướp vừa phải, nướng tồn tính, nghiền vụn, uống 3-6g với chút rượu.
Chữa mụn nhọt: vỏ quả mướp già (chưa thành xơ), hạt gấc, hạt trám, đốt thành than, trộn với mỡ lợn, bôi vào vết thương.
Chữa đau lưng: hạt mướp già 5-10g sao vàng, sắc uống.
Xơ mướp
Chữa trĩ ra máu, rong kinh, băng huyết, kiết lỵ ra máu: xơ mướp đốt tồn tính, tán bột, uống mỗi ngày 4-8g chia làm 2 lần chiêu với nước ấm.
Chữa tắc tia sữa: xơ mướp 1 cái, gai bồ kết 10 cái, hành tươi hoặc phơi khô 1 củ. Tất cả băm nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày. Dùng 2-3 ngày. Kết hợp xoa nắn vú cho thông tia sữa.
Chữa hen: xơ mướp 20g băm nhỏ, sao; hạt đay quả dài 12g, giã dập, sao. Trộn đều, sắc uống lúc nóng, ngày hai lần. Dùng 2-3 ngày.
Chữa sởi (làm sởi mọc nhanh và mọc đều, hạn chế các biến chứng): xơ mướp 20g, kinh giới 12g, bạch chỉ 12g, kim ngân 12g, cỏ mần trầu 8g, cam thảo nam 4g. Tất cả thái nhỏ, sao vàng, sắc uống làm hai lần trong ngày.
Lá mướp
Chữa viêm họng: lá mướp hương rửa sạch, giã nhỏ với ít muối, thêm nước, gạn uống làm một lần.
Chữa ho, hen kéo dài: lá mướp hương 15g nấu nước uống hoặc chế biến dưới dạng cao lỏng 1/1, mỗi lần uống 0,5ml.
Chữa phù thũng: lá mướp hương 15g phối hợp với cây cứt lợn 10g, thái nhỏ, phơi khô, sắc với 200ml nước còn 50ml, uống làm một lần trong ngày. Dùng 5-7 ngày.
Dùng ngoài: lá mướp hương để tươi, giã nát, lấy nước bôi chữa lở đầu, mẩn ngứa, giời leo; nếu đem nướng lá, rồi giã xát chữa nước ăn chân. Lá mướp hương phơi khô, đốt tồn tính, tán bột mịn, hòa với dầu vừng, bôi chữa nứt nẻ đầu vú, viêm lợi chảy máu.
Thân cây mướp
Chữa viêm xoang mũi, chảy nước mũi: thân cây mướp (lấy từ mặt đất trở lên khoảng 1m) chặt nhỏ, đốt tồn tính, tán mịn, uống mỗi lần 10g với ít rượu.
Chữa đau lưng, đau hông do thấp nhiệt: thân cây mướp 30g, phối hợp với xa tiền tử 30g, hổ trượng 15g, hoàng bá 10g, sắc nước uống ngày 1 thang.
Hoa mướp
Chữa sốt cao, đau đầu: hoa mướp 20g, hạt đậu xanh 100g. Đậu xanh để cả vỏ, ninh nhừ rồi lấy khoảng 400ml nước cốt. Vớt xác đậu xanh ra, cho hoa mướp đã thái nhỏ vào, đun sôi trong 5-10 phút. Để nguội. Chắt lấy nước uống làm 2-3 lần trong ngày.
Rễ mướp
Chữa đau nửa đầu, viêm mũi, viêm xoang: rễ mướp mỗi ngày 15-30g sắc uống.
Chữa đau lưng: Rễ cây mướp và dây mướp già thái nhỏ sao vàng, tán bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g, chiêu thuốc bằng rượu.
Theo SK&ĐS
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin