Bụi phổi, sạm da, điếc nghề nghiệp, viêm gan B hay HIV,... là một số trong 28 bệnh nghề nghiệp (BNN) mà người lao động, nhân viên y tế có nguy cơ gặp phải trong môi trường làm việc của mình.
Dù làm trong môi trường công việc nào, người lao động cũng cần chấp hành tốt bảo hộ lao động, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. |
Bụi phổi, sạm da, điếc nghề nghiệp, viêm gan B hay HIV,... là một số trong 28 bệnh nghề nghiệp (BNN) mà người lao động, nhân viên y tế có nguy cơ gặp phải trong môi trường làm việc của mình.
Theo bác sĩ Võ Thế Châu- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long (Sở Y tế): BNN là bệnh liên quan đến nghề nghiệp, công việc, phát sinh do đặc thù công việc, nghề nghiệp của mỗi người.
Trung tâm Y tế dự phòng đã triển khai khám tầm soát, đưa ra giải pháp điều trị BNN từ 3 năm qua. Tuy nhiên đến nay, bác sĩ Võ Thế Châu cho biết chưa phát hiện trường hợp mắc BNN như các bệnh “phổ biến” kể trên tại tỉnh.
Tại tỉnh, quy mô số lượng công nhân của các công ty, doanh nghiệp tại khu công nghiệp không đông như các tỉnh thành lớn, nhưng cũng không phải là ít.
Trong cộng đồng, môi trường làm việc đặc thù (khói bụi, hóa chất) vẫn có nguy cơ xảy ra BNN với người lao động. Chị Nguyễn Thanh Thảo (Phường 9- TP Vĩnh Long) làm chục năm nay trong ngành bưu điện.
Công việc giao dịch viên của chị phải đứng hầu như suốt cả ca làm. Chị Thảo nói dù hàng năm vẫn đi khám sức khỏe định kỳ, chưa phát hiện BNN, nhưng “nhiều khi đứng suốt buổi, về nhà đêm ngủ 2 đầu gối đều ê ẩm...”.
Còn anh Phạm Văn Ân là công nhân công ty đóng tại Khu công nghiệp Hòa Phú (Long Hồ) nhiều năm nay cho biết: Điều kiện lao động, chế độ chăm sóc sức khỏe với cũng như nhiều người khác làm việc tại đây là rất tốt. Dẫu vậy, do làm lâu dài, có làm đêm, có tăng ca, đôi khi anh thấy “nhịp sinh học của mình thay đổi”.
Tuy chưa đến mức bệnh lý, nhưng chắc chắn là có vấn đề về sức khỏe bản thân trong môi trường công việc đặc thù.
Theo bác sĩ Võ Thế Châu, một khi đơn vị sử dụng lao động không đảm bảo điều kiện về an toàn vệ sinh lao động hoặc đã có đủ các điều kiện trên mà người lao động không chấp hành tốt, thì họ có nguy cơ mắc BNN.
Các BNN dễ thấy nhất khi người lao động có thể gặp phải sau thời gian làm việc đủ dài trong môi trường đặc thù, chẳng hạn như: làm ngành giày da về lâu dài có thể mắc bệnh sạm da; người làm ngành xây dựng nguy cơ mắc bệnh bụi phổi; hay điếc nghề nghiệp nếu làm việc đủ lâu trong môi trường nhiều tiếng ồn...
Hàng năm khi tiến hành khám BNN, ngành y tế sẽ phối hợp đơn vị sử dụng lao động chọn một yếu tố nguy cơ (có thể xảy ra, ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động) để khảo sát.
Ví dụ bệnh điếc nghề nghiệp, khi muốn khám tầm soát bệnh này ở một cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sức khỏe nghề nghiệp sẽ chọn đối tượng chịu ảnh hưởng của tiếng ồn của một bộ phận, phân xưởng để khám tầm soát.
Qua đó phản ánh các trường hợp đó bị BNN hay không và tiếp theo là công bố BNN cũng như giải pháp can thiệp như: khuyến cao chăm sóc phục hồi chức năng, hay chế độ bồi thường của đơn vị sử dụng lao động,...
Hiện nay hầu hết công ty, doanh nghiệp lớn nhỏ đều cơ bản đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh lao động, bảo hộ lao động theo quy định. Theo một cán bộ chuyên BNN, nhiều đơn vị có lập đội “An toàn vệ sinh viên” để kiểm tra, giám sát thực hiện an toàn vệ sinh lao động, phòng chống BNN, tai nạn thương tích cho người lao động tại đơn vị.
Công nhân một công ty sản xuất kinh doanh tại Khu công nghiệp Hòa Phú trong một buổi tìm hiểu nghề nghiệp của mình. |
Bác sĩ Võ Thế Châu cho rằng, để hạn chế nguy cơ BNN, người lao động cần phải chấp hành quy định bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc, khám sức khỏe định kỳ hàng năm, những nơi đặc thù có thể nửa năm khám một lần; công ty, đơn vị kinh doanh tuân thủ kiểm tra giám sát thường xuyên ý thức chấp hành các điều kiện đảm bảo an toàn cho người lao động nhằm hạn chế thấp nhất BNN với họ...
Công nhân, người lao động các ngành nghề, nhân viên văn phòng được khuyến cáo cần có lối sống (ăn, ngủ, nghỉ, thể dục) lành mạnh, phù hợp để cơ thể có sức đề kháng tốt, nhằm “đề kháng” đủ lâu với BNN (nếu có) trong môi trường làm việc.
Chưa phát hiện, nhưng nguy cơ BNN vẫn có |
BNN là bệnh liên quan đến nghề nghiệp, công việc, phát sinh do đặc thù công việc, nghề nghiệp của mỗi người. Dẫu qua khám tầm soát hàng năm, địa phương chưa phát hiện BNN, nhưng nguy cơ của hình thái bệnh tật này đối với nhân viên văn phòng, người lao động làm việc trong môi trường làm việc khói bụi, tiếng ồn,… là có. |
Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin