Ngày 28/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì cuộc họp Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (Văn phòng EOC) để cập nhật tình hình dịch bệnh do virus Zika và bàn kế hoạch đáp ứng trong tình huống dịch bệnh xuất hiện tại Việt Nam.
Ngày 28/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì cuộc họp Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (Văn phòng EOC) để cập nhật tình hình dịch bệnh do virus Zika và bàn kế hoạch đáp ứng trong tình huống dịch bệnh xuất hiện tại Việt Nam.
Các thiết bị phục vụ công tác kiểm dịch được lắp đặt tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN) |
Tại cuộc họp, các chuyên gia đã đánh giá dịch bệnh do virus Zika đang diễn biến phức tạp. Hiện đã có 61 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các trường hợp nhiễm bệnh trên phạm vi toàn cầu và trong thời gian tới sẽ ghi nhận thêm các quốc gia có ca mắc virus Zika.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục khẳng định dịch bệnh do virus Zika là tình trạng khẩn cấp toàn cầu và ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học về mối liên quan giữa nhiễm virus Zika với chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh (Guillain-Barré).
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết tại Việt Nam, ngày 22/3, Bộ Y tế đã nhận được thông tin về một du khách người Australia có xét nghiệm dương tính với virus Zika sau khi trở về từ Việt Nam.
Ngay sau đó, Cơ quan Đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ y tế quốc tế (IHR) của Việt Nam đã liên hệ với Australia và tổ chức điều tra, giám sát tại thực địa để khẳng định. Trước tình hình trên Văn phòng EOC nhận định nguy cơ virus Zika xâm nhập và lây lan trong cộng đồng là rất lớn.
Trước nguy cơ dịch bệnh do virus Zika có thể xâm nhập vào Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh Việt Nam cần phải nâng cao mức cảnh báo đối với toàn bộ hệ thống y tế trong việc phòng chống dịch bệnh do virus Zika để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả.
Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Y tế khẩn trương triển khai thực hiện các công tác sẵn sàng đáp ứng trên mọi phương diện; tăng cường việc giám sát, lấy mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Zika tại khoa khám bệnh; rà soát và công bố các đơn vị có khả năng xét nghiệm virus Zika trong cả nước, tiếp tục tổ chức tập huấn kỹ thuật xét nghiệm đối với các đơn vị tuyến tỉnh để mở rộng các đơn vị có đủ năng lực xét nghiệm xác định;
tổ chức việc sàng lọc, quản lý và phát hiện hội chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát, sàng lọc và các biện pháp xử lý...
Ngành y tế xây dựng nội dung truyền thông phù hợp với tình hình dịch bệnh dành cho cộng đồng và các cơ quan thông tấn, báo chí, đảm bảo thường xuyên cập nhật các thông tin về tình hình dịch bệnh, hoạt động phòng chống dịch và các khuyến cáo của Bộ Y tế lên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, đặc biệt là khuyến cáo đối với với các phụ nữ chuẩn bị mang thai, đang mang thai phòng lây nhiễm virus Zika.
Các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường công tác lấy mẫu xét nghiệm trong các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là tại các phòng khám đối với các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Zika; rà soát các cơ sở khám chữa bệnh có đủ năng lực xét nghiệm xác định virus Zika; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế trong việc khám sàng lọc, chẩn đoán điều trị, chủ động lấy mẫu gửi các đơn vị xét nghiệm khẳng định và thông báo kết quả cho các đơn vị y tế dự phòng;
chủ động tổ chức việc diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) tại các cơ sở khám chữa bệnh đặc biệt là khu vực điều trị bệnh nhân nhiễm virus Zika, hướng dẫn bệnh nhân phòng chống muỗi đốt trong quá trình điều trị để tránh lây lan.
Ngành y tế chủ động rà soát, tổng hợp nhu cầu kinh phí và đề xuất cơ chế tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cấp bổ sung để đảm bảo kinh phí phục vụ phòng chống dịch kịp thời, nhất là đối với việc xét nghiệm sàng lọc, chẩn đoán xác định trong trường hợp dịch bệnh lây lan rộng, kéo dài; sử dụng các nguồn lực từ bảo hiểm y tế để thanh toán chi phí khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân nhiễm virus Zika./.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin