Cảnh báo liên cầu khuẩn lợn từ... tiết canh

07:03, 04/03/2016

Nguyên nhân chính gây bệnh liên cầu khuẩn lợn (heo) ở người là do ăn tiết canh, các sản phẩm từ thịt lợn có nhiễm liên cầu khuẩ

Nguyên nhân chính gây bệnh liên cầu khuẩn lợn (heo) ở người là do ăn tiết canh, các sản phẩm từ thịt lợn có nhiễm liên cầu khuẩn (mà heo khi bệnh không có biểu hiện triệu chứng).

Bệnh này thời gian qua được ngành y tế cảnh báo nguy hiểm với số ca mắc, tử vong ngày càng phức tạp.

Trong khi đó, hàng ngày, nhiều người vẫn “vô tư” với món cháo lòng, tiết canh.

Cháo lòng là món điểm tâm ưa thích của nhiều người.

Cháo lòng “vô tư”, huyết heo pha nước!

Đánh giá tình hình dịch bệnh mùa Đông Xuân 2016, trong đó có dịch bệnh liên quan đến thực phẩm, Bộ Y tế cho hay các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm hiện có xu hướng gia tăng.

Đặc biệt là bệnh liên cầu lợn ở người do thói quen ăn tiết canh, ăn thịt sống, ăn uống không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đáng nói là hầu hết heo mang vi khuẩn liên cầu lợn lại không có biểu hiện triệu chứng.

Thực tế thời gian qua, báo chí đưa tin nhiều trường hợp ở phía Bắc, Nam, tại TP Hồ Chí Minh ăn huyết heo, tiết canh heo, tiết canh dơi dẫn đến bị bệnh liên cầu khuẩn lợn. Nhiều trường hợp mắc bệnh biến chứng nhanh, sốc nặng, dẫn đến tử vong.

Tại địa bàn TP Vĩnh Long và khu vực ngoại vi, theo tìm hiểu có ít nhất 3 quán bán cháo lòng, tiết canh heo. Người viết đến ăn tại các quán này với cháo lòng màu huyết heo ăn kèm với dồi, các bộ phận lòng heo luộc chín.

Thỉnh thoảng có khách ăn tiết canh. Tại một số quán bún cá, bún riêu, huyết heo ăn cảm giác bủng chứ không sựt như huyết heo khi làm phục vụ đám tiệc, hùn nhau mần thịt heo chia ăn như vẫn thường thấy.

Tương tự, tại rất nhiều quán ăn bình dân trên đường phố, trong không ít món ăn đều có kèm huyết heo và khi ăn thường chỉ nhìn bằng mắt thường cũng có thể khẳng định đây không còn là huyết nguyên chất. Nhiều người hiểu chuyện nói “huyết heo vậy đa phần đều có pha một lượng lớn nước để lợi hơn khi bán”.

Các bác sĩ chuyên khoa tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long cho rằng, khó kiểm chứng được nguồn gốc của thực phẩm này là có pha nước hoặc tạp chất hay không. Nhưng vì giá rẻ, vì tiện lợi và nhiều lý do nữa khiến nó luôn có mặt trong các món ăn.

Dù chưa phát hiện trường hợp nào tại địa phương vào viện cấp cứu do ăn tiết canh hay huyết heo, nhưng với thói quen buôn bán ăn uống thực phẩm này như vậy, thì chuyện bệnh có liên quan do ăn uống cũng cần phải lưu tâm.

Không ăn tiết canh, tránh liên cầu lợn

Tháng 9 năm ngoái, một nam bệnh nhân ở TP Hồ Chí Minh phải cấp cứu vì ăn huyết heo xào giá đỗ. Vợ bệnh nhân này nói do mua huyết heo đã luộc sẵn ngoài chợ, nghĩ đã chín nên về nhà chỉ xào sơ rồi ăn.

Ăn xong, đến nửa đêm ông chồng mệt, sốt cao. Hôm sau, người này bắt đầu xuất huyết ngoài da, được người nhà đưa đi bệnh viện.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh làm xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán bệnh nhân bị suy đa tạng, nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ do nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Bệnh viện hồi sức chống sốc, thở máy, dùng thuốc vận mạch, kháng sinh mạnh và theo dõi tích cực bệnh nhân. Các ngày sau đó, bệnh nhân lâm vào tình trạng nguy kịch và tử vong.

Liên cầu khuẩn lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu từ heo. Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long (Sở Y tế), liên cầu khuẩn lợn có thể lây nhiễm cho người thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua đường tiêu hóa do ăn tiết canh heo, thịt heo và các sản phẩm từ heo chưa nấu chín.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, tại đây hầu như hiếm gặp ca bệnh do liên cầu khuẩn lợn, có nguyên nhân ăn tiết canh và các sản phẩm thịt lợn. Tuy nhiên nguy cơ là vẫn có, với thói quen ăn tiết canh và các sản phẩm từ lòng heo ở nhiều người.

Còn theo bác sĩ Tô Văn Quảng- chuyên khoa Nhiễm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, không vì chưa hoặc không phát hiện trường hợp nhiễm liên cầu lợn đó mà người dân thoải mái vô tư trong ăn tiết canh và sản phẩm từ heo không nấu chín kỹ, không rõ nguồn gốc. Mà nếu ăn uống dễ dãi sẽ dễ bệnh.

Trong khi đó, hàng ngày, nhiều người vẫn “vô tư” với món cháo lòng, tiết canh.

 

Ngành y tế khuyến cáo ngăn ngừa bệnh liên cầu khuẩn lợn: Không mua bán heo bệnh, người tiêu dùng nếu thấy thịt heo có màu đỏ khác thường, xuất huyết, phù nề thì không nên ăn vì chắc chắn đó là heo bị bệnh. Đặc biệt phải ăn thịt đã nấu chín, không ăn thịt tái hoặc sống. Tuyệt đối không nên ăn thịt heo ốm, đặc biệt là tiết canh. Người giết mổ, tiêu hủy heo phải có biện pháp đề phòng để không lây sang người.

 

 

Bài, ảnh: MINH THÁI

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh