Hội chứng viêm hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS-CoV) vừa mới "lặng" đi, thì bệnh do vi rút Zika (có nguyên nhân từ muỗi Aedes, cùng loại muỗi gây bệnh sốt xuất huyết (SXH) "nổi" lên.
Hội chứng viêm hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS-CoV) vừa mới “lặng” đi, thì bệnh do vi rút Zika (có nguyên nhân từ muỗi Aedes, cùng loại muỗi gây bệnh sốt xuất huyết (SXH) “nổi” lên.
Tuy Việt Nam vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào, nhưng hiện các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này đang lưu hành nhiều nơi trên thế giới. Vì vậy, nguy cơ xâm nhập vào nước ta cũng là rất lớn. Đáng nói, hiện bệnh SXH đang lưu hành với số ca mắc gia tăng tại nhiều địa bàn trong tỉnh.
SXH gia tăng, nguy cơ vi rút Zika cao!
Thiết bị y tế tại khu vực cách ly trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long chuẩn bị phòng MERS-CoV trước đó. |
Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Vĩnh Long (Sở Y tế), trong những tuần đầu năm 2016, số ca mắc SXH “tăng cao hơn rất nhiều” (68% so với năm 2015). Ca bệnh tập trung cao ở các huyện Bình Tân, Long Hồ và TP Vĩnh Long.
“Số ca bệnh tăng cao ngay từ tuần đầu của năm nay, kéo dài liên tục, đến tuần thứ 5 giảm xuống, và có chiều hướng tăng lại ở tuần 7, 8. Dự báo số ca bệnh sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa trong các tuần tiếp theo”- bác sĩ Huỳnh Thanh Tân nhận xét. Thống kê từ đầu năm đến ngày 6/3, số ca SXH toàn tỉnh 192 trường hợp, tăng mạnh so 54 trường hợp ở cùng kỳ năm 2015.
Ngày 9/3, Trung tâm Y tế dự phòng triển khai các giải pháp phòng chống SXH cho cán bộ y tế, kiểm soát dịch bệnh, nhân viên phòng chống dịch tại các đơn vị trong tỉnh. Đồng thời là triển khai kế hoạch của chiến dịch diệt lăng quăng và diệt muỗi.
Theo thông báo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mới nhất là Lào, trước đó đã có các quốc gia: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, đặc biệt là Campuchia, Trung Quốc, những nước có chung đường biên giới với Việt Nam, đang có lưu hành của vi rút Zika, nên nguy cơ vi rút Zika xâm nhập vào nước ta và bùng phát thành dịch là rất lớn. Đến nay, vẫn chưa ghi nhận trường hợp mắc vi rút Zika xâm nhập vào Việt Nam, cũng như chưa phát hiện sự lây truyền vi rút Zika tại cộng đồng. |
Một trong các chỉ tiêu quan trọng của chiến dịch này để hạn chế SXH: 100% xã/ấp có nguy cơ bùng phát dịch bệnh phải diệt lăng quăng, phun hóa chất chủ động diệt muỗi; 100% hộ gia đình, dụng cụ chứa nước tại nơi thực hiện chiến dịch được kiểm tra và xử lý triệt để, không lăng quăng, hạn chế muỗi;...
Theo cơ quan y tế dự phòng, chiến dịch diệt lăng quăng triển khai ở 11/109 xã- phường, phun hóa chất diệt muỗi cũng tại 11/109 xã- phường, chia 2 đợt (cuối tháng 3, giữa tháng 7).
Bác sĩ Mạc Thu Hà- Phó Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm thuộc Trung tâm Y tế dự phòng cho biết, bệnh do vi rút Zika liên quan đến bệnh SXH, do “liên quan đến lăng quăng, muỗi Aedes, là loại muỗi gây bệnh SXH tại các địa phương”. Trung tâm Y tế dự phòng đầu năm đến nay đã phối hợp trung tâm y tế tuyến huyện và y tế xã xử lý 27/28 ổ dịch SXH tại các địa bàn.
Ngăn vi rút Zika... bằng phòng chống XSH hiệu quả
Các cán bộ phòng chống dịch bệnh cho rằng, phòng dịch bệnh SXH tốt đồng nghĩa với việc hạn chế nguy cơ mắc bệnh (nếu có) do vi rút Zika. Hoạt động mới nhất của y tế dự phòng là triển khai các biện pháp đáp ứng nhanh phòng chống bệnh do vi rút Zika cho cán bộ y tế, cán bộ kiểm soát dịch bệnh, nhân viên phụ trách phòng dịch tại các cơ sở y tế trong tỉnh.
Người dân Long Hồ trong một buổi tọa đàm phòng chống bệnh SXH, tay chân miệng. |
Phía Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long cũng sẽ tổ chức hoạt động này cho nhân viên y tế khối điều trị trong tỉnh.
Bộ Y tế, UBND TP Hồ Chí Minh mới đây phối hợp phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và SXH”. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh thông điệp: Mỗi người dân, gia đình hàng tuần hãy dành nửa giờ đồng hồ để thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng bằng hành động cụ thể: thả cá vào dụng cụ chứa nước gia đình (lu, chum, vại); lật úp các dụng cụ chứa nước không sử dụng; thay nước bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; thu dọn vật dụng phế thải xung quanh nhà (vỏ chai, lon bia, lon nước ngọt, lốp xe)... Bởi chính các vật dụng xung quanh nhà chứa nước đọng là nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh do vi rút Zika và SXH.
Theo bác sĩ Mạc Thu Hà, người dân mình chưa có miễn dịch với bệnh do vi rút Zika, chưa tiếp xúc với nguồn bệnh. Tuy nhiên, theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân, ngành chức năng phải có kế hoạch ứng phó ngay từ đầu, vì nguy cơ dịch bệnh xâm nhập là cao, theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Trong “Kế hoạch hành động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika tại Việt Nam” do Bộ Y tế ban hành, bác sĩ Huỳnh Thanh Tân cho biết, cơ quan phòng chống dịch khuyến cáo người xuất khẩu lao động trở về địa phương, khách du lịch đến hoặc đi tới vùng dịch bệnh lưu hành, cần khai báo cơ quan y tế biết để hướng dẫn theo dõi sức khỏe. Những phụ nữ có thai 6 tháng hoặc dự định mang thai không nên đi đến vùng có dịch bệnh này.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Quang mới đây ký văn bản chỉ đạo ngành y tế, các sở, ban ngành, đoàn thể “Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh cho người”. Trong đó nhấn mạnh người dân khi có dấu hiệu mắc một số bệnh dịch nguy hiểm, đặc biệt nghi ngờ bệnh do vi rút Zika, bệnh SXH thì nên đến ngay cơ sở y tế để được khám và hướng dẫn điều trị kịp thời... |
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin