Theo các chuyên gia sức khỏe, có những thói quen ăn uống, sinh hoạt vô tình làm yếu hệ miễn dịch mà chúng ta không nhận ra.
Theo các chuyên gia sức khỏe, có những thói quen ăn uống, sinh hoạt vô tình làm yếu hệ miễn dịch mà chúng ta không nhận ra.
Vậy nên nếu cảm thấy bản thân thường không khỏe mạnh và dễ nhiễm bệnh, bạn cần kiểm tra các yếu tố có thể ảnh hưởng chức năng miễn dịch sau đây để có biện pháp điều chỉnh kịp thời:
1. Dùng thuốc kiểm soát độ axít trong dạ dày (antacid)
Ngoài các hạch bạch huyết nằm ở cổ, 70% hệ miễn dịch của chúng ta đều tập trung dưới dạng các mô bạch huyết nằm dọc theo đường tiêu hóa. Vì hệ bạch huyết là một phần quan trọng của hệ miễn dịch với công dụng chống lại mầm bệnh, nên bác sĩ Susan Blum – Giám đốc Trung tâm Y tế Blum (Mỹ) – khuyến cáo chúng ta cần tránh dung nạp những thứ gây hại hệ miễn dịch đường ruột, điều sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ miễn dịch.
Theo bà, dùng antacid (nhất là với liều cao) gây hại hệ miễn dịch vì nhiều lý do. Đơn cử, trong khi một số loại antacid chỉ hấp thu axít, thì những loại mạnh hơn có thể thay đổi cả độ pH bên trong dạ dày.
Một khi bao tử bị mất cân bằng pH, tức là không thể khử trùng thức ăn hợp lý, các tác nhân gây viêm nhiễm dễ xâm nhập cơ thể và tăng thêm áp lực cho hệ miễn dịch đường ruột.
Lời khuyên: Không dùng antacid lâu hơn 3 tháng, đồng thời áp dụng chế độ ăn loại trừ (elimination diet) – tức là loại bỏ những thực phẩm có thể gây hại đường ruột, sau một khoảng thời gian thì ăn lại để xác định chúng có phải là tác nhân gây phản ứng tiêu cực với hệ miễn dịch đường ruột hay không.
Ảnh: Extreme Health Radio |
2. Thường xuyên uống thuốc giảm đau
Chuyên gia Blum cảnh báo một số dược phẩm giảm đau như nhóm chất steroid và thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) cũng có thể tổn hại tới niêm mạc ruột và gây ra hội chứng ruột bị rò rỉ (tình trạng gia tăng độ thấm của thành ruột).
Hệ quả là tác nhân nhiễm trùng và các chất không tiêu hóa được từ thức ăn có thể thấm qua thành ruột đi vào cơ thể. Điều này gia tăng thêm áp lực cho hệ miễn dịch và làm giảm chức năng của nó.
Lời khuyên: Uống thuốc giảm đau vài lần/tuần cũng được xem là thường xuyên, nghĩa là không tốt cho hệ miễn dịch, vì vậy chỉ nên dùng thuốc trong trường hợp bất khả kháng.
3. Sử dụng thuốc kháng sinh
Bác sĩ Shilpi Agarwal cho biết các loại thuốc kháng sinh cũng có thể góp phần làm suy yếu hệ miễn dịch. Cụ thể là sử dụng kháng sinh trong thời gian dài có thể dọn sạch cả hại khuẩn lẫn lợi khuẩn trong đường ruột.
Và khi những vi khuẩn tốt không hiện diện trong ruột để bảo vệ niêm mạc ruột, thì bộ phận có tác dụng che chắn thành ruột này trở nên yếu ớt, khiến các chất độc hại có thể thâm nhập cơ thể và làm suy giảm chức năng miễn dịch.
Đặc biệt, phụ nữ là nhóm đối tượng có nguy cơ suy yếu miễn dịch vì thuốc kháng sinh rất cao bởi họ dễ viêm nhiễm đường tiết niệu (UTI - căn bệnh thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh).
Lời khuyên: Nếu bị UTI, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để thay thế thuốc kháng sinh bằng các dược phẩm khác, ví dụ như dùng vitamin C để tăng độ axít trong nước tiểu góp phần loại trừ vi khuẩn gây bệnh.
4. Uống nhiều bia rượu
Uống quá nhiều rượu làm trì hoãn quá trình sản xuất tế bào hồng cầu và bạch cầu trong tủy xương, mà nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây hại đến hệ miễn dịch - bà Agarwall cho biết.
Lời khuyên: Hạn chế các thức uống chứa cồn, thay thế chúng bằng nước giải khát có ga pha với chanh để tránh say xỉn, đồng thời bổ sung nước cho cơ thể.
5. Ăn kiêng thái quá
Chuyên gia Agarwal cho biết những người áp dụng chế độ ăn kiêng gắt gao (như ăn ít tinh bột và calorie hoặc chỉ dùng nước rau quả để thanh lọc cơ thể) dễ mắc bệnh hơn so với những người có chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng. Lý do là những kiểu ăn kiêng nói trên thường khiến cơ thể thiếu hụt một số vitamin và khoáng chất nhất định như kẽm, selen và magiê.
Lời khuyên: Nếu bạn đang áp dụng một chế độ ăn cân bằng thì có thể bổ sung nước ép từ rau xanh. Việc tập trung vào các bữa ăn cân bằng (chứa cả chất béo "tốt") cũng đã được minh chứng là có lợi cho sức khỏe làn da và hệ miễn dịch.
6. "Xê dịch" quá nhiều
Bà Agarwal cho biết những phụ nữ thường xuyên đi công tác dễ có cảm giác kiệt sức và giảm sức đề kháng. Nguyên nhân là họ luôn phải tiếp xúc với vi khuẩn và các chất độc hại xa lạ trên các phương tiện giao thông và trong khách sạn.
Bên cạnh đó, các yếu tố khác như không đủ thời gian nghỉ ngơi, ăn uống không điều độ và xáo trộn lịch sinh hoạt cũng góp phần làm suy giảm chức năng của hệ miễn dịch.
Lời khuyên: Duy trì thói quen sinh hoạt hằng ngày ngay cả khi phải đi công tác. Cố gắng tập thể dục ít nhất 15-20 phút/ngày, bởi vận động cơ thể cũng là một cách cải thiện hệ miễn dịch. Nhớ ăn đủ bữa và bổ sung những thực phẩm tăng cường miễn dịch như cam, quýt, các loại hạt hay sôcôla đen…
7. Sống cô đơn
Nghiên cứu khoa học cho thấy việc sống một mình trong thời gian dài (từ vài tháng đến vài năm) có thể tàn phá hệ miễn dịch và khiến bạn đối mặt với nguy cơ mắc nhiều căn bệnh.
Giáo sư y khoa Steve Cole tại Đại học California, Los Angeles (UCLA-Mỹ) giải thích, cuộc sống cô đơn kéo dài làm thay đổi đặc điểm sinh học của hệ miễn dịch, khiến các tế bào miễn dịch gia tăng biểu hiện các gien liên quan đến tình trạng viêm nhiễm và giảm biểu hiện các gien giúp cơ thể phòng chống lại nguy cơ nhiễm vi-rút.
Lời khuyên: Tiến sĩ Cole cho rằng để loại bỏ cảm giác cô đơn, ngoài nỗ lực tương tác với những người khác thông qua các hoạt động xã hội, chúng ta cần nuôi dưỡng cảm giác an toàn với những người xung quanh để bản thân không cảm thấy khó khăn khi giao tiếp.
Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy việc thực hiện các bài tập giảm stress như thiền, yoga cũng có thể xoa dịu cảm giác cô đơn nhờ giúp người tập cảm thấy an yên và dễ kết nối với người khác.
Theo Báo Cần Thơ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin