WHO công bố kế hoạch toàn cầu chống virus Zika

09:02, 18/02/2016

Ngày 16/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và đại diện tại khu vực châu Mỹ đã phát động một kế hoạch chống lại virus Zika trong bối cảnh virus này lây lan dữ dội tại châu Mỹ.

Ngày 16/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và đại diện tại khu vực châu Mỹ đã phát động một kế hoạch chống lại virus Zika trong bối cảnh virus này lây lan dữ dội tại châu Mỹ.

Virus Zika lây nhiễm qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes (Ảnh: UN)
Virus Zika lây nhiễm qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes (Ảnh: UN)

Theo WHO, mặc dù chưa được khoa học chứng minh, song hiện vẫn đang gia tăng nghi ngờ về một mối liên hệ giữa virus Zika do muỗi lây truyền và chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh được quan sát ở một số quốc gia trên thế giới, trong đó có Brazil.

Phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), Giám đốc điều hành Văn phòng WHO tại New York, Tiến sĩ Natela Menabde cho biết: Hiện nay, 34 quốc gia đã thông báo có sự xuất hiện của virus Zika, chủ yếu là ở châu Mỹ và vùng Caribbean, 7 nước cho biết có tình trạng gia tăng các trường hợp đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.

Đại diện của WHO nói rằng, Brazil đã ghi nhận hơn 4.700 trường hợp bị nghi ngờ mắc chứng đầu nhỏ, trong đó chỉ 1/4 số ca đã được nghiên cứu cho tới thời điểm này; trong khi trước đó, số lượng trung bình các trường hợp mắc chứng đầu nhỏ mỗi năm là 163 trường hợp. "Sự gia tăng mà chúng ta thấy bây giờ chắc chắn là một mối quan ngại nghiêm trọng" – Tiến sĩ Menabde, người trình bày chi tiết kế hoạch chống lại sự lây lan của virus Zika và các dị tật bẩm sinh có liên quan, nhấn mạnh.

Kế hoạch vừa được công bố tập trung vào việc huy động và điều phối các đối tác, chuyên gia và nguồn lực để giúp các quốc gia tăng cường giám sát virus và những rắc rối có thể liên quan tới virus này; cải thiện cuộc chiến chống lại các vector muỗi của virus; truyền thông một cách hiệu quả về các rủi ro và các biện pháp bảo vệ; cung cấp chăm sóc y tế cho người dân bị ảnh hưởng và thúc đẩy nghiên cứu, phát triển các loại vaccine, chẩn đoán và điều trị.

Theo WHO, cần 56 triệu USD để thực hiện kế hoạch này. Chủ tịch Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) Oh Joon tuyên bố nêu rõ, cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt một thách thức rất lớn. "Chúng ta phải đoàn kết để phối hợp các nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus này. Tăng cường hệ thống y tế cần được xem là một ưu tiên nếu chúng ta muốn tự bảo vệ chống lại các trường hợp y tế đột xuất trong tương lai" – ông lưu ý.

Theo ông Oh Joon, những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới đang phải dựa vào sự hỗ trợ của chúng ta để xây dựng khả năng phục hồi trước virus Zika và các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng toàn cầu khác. Chính vì vậy, hợp tác quốc tế thông qua một hệ thống đa phương mạnh mẽ và hiệu quả là rất cần thiết. “Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc sẽ giữ vai trò huy động hệ thống của Liên hợp quốc nhằm hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng trong các nỗ lực của họ để đối phó với virus" – ông nói thêm.

Virus Zika được phát hiện đầu tiên vào năm 1947 tại khu rừng Zika của Uganda, sau đó tiếp tục ghi nhận ở Nigeria vào năm 1954 và trở thành chủng virus lưu hành ở nhiều nước khu vực châu Phi.

Trong năm 2015, dư luận thế giới hoang mang khi số ca nhiễm virus Zika tăng đột biến tại Brazil trong thời gian từ tháng 10/2015 đến tháng 1/2016. Theo thông báo ngày 31/12/2015, Bộ Y tế Brazil đã ghi nhận 2.975 trường hợp nghi ngờ mắc chứng não nhỏ, trong đó có 40 trường hợp tử vong. Các chuyên gia y tế lo ngại virus Zika có thể lây lan nhanh trong cộng đồng.

Hiện virus Zika cũng đã lây lan ra các khu vực khác như: châu Âu và Bắc Mỹ, chủ yếu các ca bị lây nhiễm sau khi đi du lịch ở vùng có dịch về. WHO cũng đưa ra một số cảnh báo đối với khách du lịch là nên tránh những nguồn nước tù đọng, nơi muỗi có thể sinh sản, bôi các loại kem chống muỗi và ngủ trong màn để tránh muỗi.

Virus Zika thuộc họ virus Flaviviridae và lây nhiễm qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes. Người nhiễm virus này có các triệu chứng: sốt, phát ban, đau khớp, viêm màng kết, các triệu chứng thường kéo dài dưới một tuần. Tuy nhiên, đối với những phụ nữ mang thai, virus này có thể lây sang bào thai và làm nhỏ kích thước não, hoặc tử vong ở thai nhi.

Cho tới thời điểm hiện tại, chưa có cách điều trị nào đối với dịch bệnh này và WHO cho biết, sẽ mất khoảng 1 năm để có thể điều chế vaccine phòng bệnh dịch này./.

Theo http://dangcongsan.vn/quoc-te/nhung-van-de-toan-cau/who-cong-bo-ke-hoach-toan-cau-chong-virus-zika-370496.html

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh