Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra những tế bào đặc biệt Th17 và IL-17 có khả năng ngăn chặn chứng tự kỷ phát triển trong não trẻ sơ sinh, thậm chí có thể chữa khỏi căn bệnh này.
Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra những tế bào đặc biệt Th17 và IL-17 có khả năng ngăn chặn chứng tự kỷ phát triển trong não trẻ sơ sinh, thậm chí có thể chữa khỏi căn bệnh này.
Nếu được chứng minh là có hiệu quả, phương pháp mới này sẽ thay đổi toàn bộ cuộc sống của hàng triệu người mắc chứng tự kỷ trên khắp thế giới.
Rối loạn phổ tự kỷ (ASD) gây ra một loạt các triệu chứng gây khó khăn trong cuộc sống hàng ngày và khiến những người tự kỷ bị kỳ thị vì hành vi của họ.
Người mắc chứng tự kỷ thường khó tham gia vào các cuộc nói chuyện, cương quyết cự tuyệt những sự thay đổi và thường làm theo các quy tắc bất thường như sắp xếp đồ đạc thành hàng hay thành đống. Họ dễ lên cơn khó chịu khi những thói quen của mình bị gián đoạn.
Số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, năm 2013, cứ 160 trẻ em trên thế giới thì có 1 trẻ bị tự kỷ. Ở Mỹ, theo một ước tính năm 2010, cứ 68 trẻ thì có 1 trẻ bị tự kỷ.
Cho tới gần đây, chưa có phương pháp điều trị tự kỷ nào được chứng minh là thành công, mặc dù mối quan hệ giữa việc người mẹ bị nhiễm virus khi đang mang thai và nguy cơ đứa trẻ sinh ra với chứng tự kỷ đã được nêu ra trong các nghiên cứu trước đó. Tuy nhiên, cơ chế của sự ảnh hưởng này vẫn chưa được làm rõ.
Nghiên cứu mới của trường Đại học Langone ở New York, Mỹ đã đi theo hướng khai thác mới, cho rằng có những tế bào miễn dịch có thể phản ứng với virus xâm nhập bằng cách tạo ra “một đội quân tế bào” tấn công vi sinh vật xâm nhập.
Một tập hợp con của tế bào có tên Th17 sẽ sản sinh ra interleukin (IL-17), một loại protein thúc đẩy phản ứng của cơ thể để chống lại sự nhiễm trùng tốt hơn. Nghiên cứu này chỉ ra rằng hoạt động của các tế bào Th17 và IL-17 có vai trò quan trong trong việc gây ra những bất thường về hành vi của phôi thai.
“Từ những gì chúng tôi biết, đây là nghiên cứu đầu tiên tìm ra một lượng các tế bào miễn dịch có thể đóng vai trò trực tiếp trong việc hình thành các hành vi liên quan tới tự kỷ. Với những kết quả nghiên cứu này, tế bào Th17 cũng như loại protein đặc biệt chúng tạo ra sẽ trở thành một phần của những nỗ lực ngăn chặn chứng tự kỷ trong tương lai,” nhà miễn dịch học, tác giả nghiên cứu Dan Litman cho biết.
Để kiểm nghiệm vai trò của Th17 và IL-17, các nhà khoa học đã kích hoạt hoạt động của chúng bằng cách mô phỏng sự tấn công của vi sinh vật với chuột thí nghiệm đang mang thai. Sau đó, họ theo dõi những con chuột non và đánh giá liệu chúng có các biểu hiện hành vi bất thường hay không.
Những con chuột được tiếp xúc với lượng IL-17 cao hơn có những biểu hiện tự kỷ khi chúng sinh ra. Ví dụ, chúng không phân biệt được chuột thật và chuột đồ chơi, và tương tác với cả hai như nhau. Trong khi đó, những con chuột khỏe mạnh dành nhiều thời gian để giao thiệp với những con chuột khác hơn.
Chuột tự kỷ cũng hay chôn những hòn sỏi trong chuồng của chúng hơn, lần lượt từng hòn theo một cách bắt buộc và lặp lại. Tuy nhiên, khi ngăn cản hoạt động của Th17 và IL-17, các tế bào não của những con chuột này lại quay về cấu trúc và hoạt động bình thường.
Mặc dù tiến sỹ Littman và cộng sự đã xin cấp bằng cho phương pháp chặn IL-17, sẽ phải mất nhiều năm nữa kết quả nghiên cứu của họ mới trở thành cách điều trị chứng tự kỷ được áp dụng rộng rãi trên người.
“Những gì chúng ta cần lúc này là một nghiên cứu về việc bị nhiễm virus trong thai kỳ với đối tượng nghiên cứu là hàng nghìn phụ nữ, theo dõi hoạt động của virus trong điều kiện tự miễn dịch và những chẩn đoán về rối loạn phổ tự kỷ ở những đứa bé sau vài năm,” tiến sỹ Littman nhận định./.
Theo http://www.vietnamplus.vn/phat-hien-phuong-phap-dot-pha-co-the-chua-khoi-chung-tu-ky/369627.vnp
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin