Khắc phục thói quen ăn uống đảo lộn do dư âm Tết

09:02, 18/02/2016

Trong những ngày Tết mọi người thường ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất đạm, chất béo, khiến hệ tiêu hóa quá tải, rối loạn tiết dịch, tăng gánh nặng lên gan...

Trong những ngày Tết mọi người thường ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất đạm, chất béo, khiến hệ tiêu hóa quá tải, rối loạn tiết dịch, tăng gánh nặng lên gan...

Ảnh minh họa: Womenshealth.
Ảnh minh họa: Womenshealth.

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Minh Nguyệt, vào dịp Tết mọi người thường ăn uống, tiệc tùng quá nhiều mà ít vận động khiến cơ thể mệt mỏi, chán ăn, dễ dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng. Tình trạng này gây hệ lụy không tốt đối với sức khỏe, đặc biệt với người dễ bị tác động như trẻ em, các cụ cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính.

Bình thường ở người cao tuổi, nhiều chức năng trong cơ thể bị suy giảm, dễ chán ăn do các giác quan không còn nhanh nhạy như lúc còn trẻ. Mắt các cụ kém nên khó nhận biết thức ăn, mũi ngửi kém khó xác định mùi vị của thực phẩm, răng rụng hoặc lung lay nên giảm sức nhai cũng khiến việc ăn uống khó khăn. Chức năng tiêu hóa, hấp thụ của cơ thể người già cũng giảm nên dễ bị cảm giác đầy bụng, ăn không tiêu, từ đó không có cảm giác đói hay thèm ăn.

Người cao tuổi cũng dễ mắc một số bệnh như thoái hóa khớp, gút, tăng mỡ máu, bệnh đường tiêu hóa, sử dụng một số thuốc ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa gây đầy hơi, chướng bụng hoặc một số thuốc làm tăng men gan ảnh hưởng đến chức năng gan gây khó khăn cho việc tiêu hóa thức ăn. Các thuốc trị bệnh tim, thuốc an thần, thuốc ngủ, chống đau nhức, trị cảm, chống nghẹt mũi cũng làm giảm cảm giác thèm ăn.

Sau Tết, tình trạng chán ăn ở người già dễ có nguy cơ trở nên nặng nề hơn do trải qua nhiều ngày ăn uống thất thường, thường xuyên dùng thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất đạm, chất béo, khiến hệ tiêu hóa quá tải, rối loạn tiết dịch, tăng gánh nặng lên gan... Đến giữa tháng Giêng nhiều cụ vẫn than không muốn ăn, ăn không biết ngon, thậm chí sợ hãi ăn uống và thực phẩm. Tình trạng này rất nguy hiểm vì nhiều cụ dễ bỏ bữa, nhịn ăn lâu ngày gây suy dinh dưỡng, viêm loét dạ dày, ảnh hưởng các chức năng khác như huyết áp, tim mạch, giảm sức đề kháng. Các cụ có sẵn bệnh mạn tính có nguy cơ trở nặng hơn.

Tình trạng chán ăn tương tự cũng xảy ra ở trẻ nhỏ. Nhiều cha mẹ than phiền dù dùng đủ mọi cách từ dụ dỗ cho đến dọa nạt, con vẫn không không chịu ăn. Bác sĩ Nguyệt giải thích nguyên nhân là thức ăn ngày Tết thường vừa nhiều, vừa béo, ngọt, hầu hết đồ ăn được chế biến sẵn như bánh chưng, bánh tét, thịt kho, thức ăn nấu cúng để lâu hoặc thực phẩm hâm đi hâm lại nhiều lần... dễ gây tâm lý ngán ngẩm dẫn đến chán ăn hoặc khó tiêu, rối loạn tiêu hóa.

Việc trẻ tiêu thụ thức ăn vặt và đồ ngọt nhiều trong dịp Tết tạo nên năng lượng rỗng làm đầy bụng, khó tiêu khiến bé ăn không ngon miệng, dễ bỏ bữa ăn chính gây thiếu hụt dinh dưỡng, chán ăn. Hơn nữa, Tết là thời điểm giao mùa, lại sống trong điều kiện ăn uống, ngủ nghỉ không hợp lý nên trẻ rất dễ mắc các bệnh về hô hấp như ho, sốt, viêm phổi, suyễn... cũng khiến bé ăn không ngon. Thông thường ra Giêng nhiều trẻ trở nên biếng ăn trầm trọng kéo dài gây sụt cân khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

Để khắc phục tình trạng trên, bác sĩ Nguyệt khuyên mọi người nên đưa lịch sinh hoạt, ăn uống về bình thường càng sớm càng tốt. Đồng thời giữ chế độ ăn uống lành mạnh ngay cả trong mùa Tết lẫn sau đó, cụ thể là:

- Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ giúp hệ tiêu hóa, gan mật không chịu nhiều áp lực. Chú ý ăn đúng giờ, không bỏ bữa.

- Hạn chế uống nước ngọt và các loại mứt, bánh kẹo còn sót lại trong Tết.

- Ăn nhiều rau xanh và trái cây giúp cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ có tác dụng chống táo bón và rối loạn tiêu hóa.

- Ăn đủ đạm từ thịt cá, trứng, sữa. Sau Tết nên chuyển sang ăn cá, hải sản sẽ đỡ ngán. Người cao tuổi nên hạn chế ăn thịt, ăn nhiều cá sẽ giúp dễ tiêu hóa, cung cấp omega-3 tốt cho tim mạch.

- Không ăn quá mặn, hạn chế dùng mắm muối, thịt nguội, các món chiên, xào, kho. Tốt nhất nên chế biến dạng luộc, hấp.

- Chế biến thức ăn hợp khẩu vị, phù hợp độ tuổi, thay đổi món thường xuyên sẽ giúp ăn ngon miệng hơn.

- Uống đủ nước. Người già và trẻ em cần chủ động uống nước thường xuyên trong ngày không đợi khát mới uống.

- Hạn chế rượu bia đối với người cao tuổi.

- Người cao tuổi nếu chán ăn kéo dài cần đi khám để tìm nguyên nhân và khắc phục kịp thời. Trẻ biếng ăn có thể do bệnh lý như viêm hô hấp, rối loạn tiêu hóa cũng cần được thăm khám để điều trị dứt điểm.

- Duy trì luyện tập thể dục và vận động ở người cao tuổi giúp cải thiện lượng đường, mỡ trong máu. Nhờ đó ổn định huyết áp, nhịp tim, thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể và loại bỏ độc tố, giúp cơ thể khỏe mạnh, ăn uống ngon miệng, ngủ ngon. Vận động ở người cao tuổi không nhất thiết phải là các bài tập thể dục mà có thể làm việc nhà, đi bộ, tập hít thở sâu, dưỡng sinh...

- Trẻ em cần được vui chơi, vận động ngoài trời để tiêu hao năng lượng, có cảm giác đói thì sẽ ăn ngon miệng hơn.

- Người cao tuổi cần đặc biệt chú ý ngủ sâu và đủ giấc vào ban đêm giảm cảm giác mệt mỏi, cơ thể sảng khoái sẽ cải thiện việc ăn uống. Trẻ em cần ngủ đủ giấc, ngủ sớm trước 22h đêm để hormone tăng trưởng tăng tiết, nhờ vậy trẻ sẽ lớn nhanh và khỏe mạnh.

Theo http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/dinh-duong/khac-phuc-thoi-quen-an-uong-dao-lon-do-du-am-tet-3356294.html

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh