Kháng kháng sinh tăng cao

08:01, 15/01/2016

Chủng vi khuẩn gây bệnh viêm phổi mắc phải trong cộng đồng (VPCĐ) không thay đổi nhiều, nhưng tình hình kháng kháng sinh có xu hướng tăng, nhất là đối với những kháng sinh chủ lực như Caftazidim, Meropenem,...

Bệnh nhân đến khám các dấu hiệu bệnh lao- phổi tại bệnh viện tuyến tỉnh.
Bệnh nhân đến khám các dấu hiệu bệnh lao- phổi tại bệnh viện tuyến tỉnh.

Chủng vi khuẩn gây bệnh viêm phổi mắc phải trong cộng đồng (VPCĐ) không thay đổi nhiều, nhưng tình hình kháng kháng sinh có xu hướng tăng, nhất là đối với những kháng sinh chủ lực như Caftazidim, Meropenem,...

Dự kiến sự đề kháng kháng sinh sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm tới, nếu không có các biện pháp hạn chế lạm dụng và chỉ định dùng kháng sinh không phù hợp.

Đây là một bệnh lý nhiễm trùng phổ biến. Bệnh xảy ra ngoài bệnh viện và trong 48 giờ sau khi nhập viện, biểu hiện bằng viêm phổi thùy, viêm phổi đốm hoặc viêm phổi không điển hình. Đặc điểm chung là có hội chứng đông đặc phổi và bóng mờ phế nang hoặc mô kẽ trên phim X- quang phổi; bệnh do vi khuẩn, vi rút, nấm và một số tác nhân khác, nhưng không do trực khuẩn lao.

VPCĐ không còn là một bệnh lý dễ trị và chóng hết bệnh. Sự đề kháng kháng sinh đang là một vấn đề nghiêm trọng trong VPCĐ. Hiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long đã và đang đối phó tình trạng viêm phổi nặng và sự kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh.

Một số bác sĩ chuyên khoa nội, lao phổi đã khảo sát tất cả bệnh nhân từ 15 tuổi trở lên điều trị nội trú tại đây từ tháng 1- 9/2015, có kết quả cấy đàm hay dịch rửa phế quản tìm thấy vi khuẩn gây bệnh.

Kết quả tổng số chủng vi khuẩn đáp ứng tiêu chuẩn tác nhân vi khuẩn gây VPCĐ qua nghiên cứu có 381 chủng, tăng bình quân trên 60% so cùng kỳ năm 2014 (236 chủng). VPCĐ chiếm cao ở khoa Nội tổng hợp (hơn 52%), kế đến khoa Cấp cứu hồi sức tích cực và chống độc (21%), Nội tim mạch (15,7%).

Theo bác sĩ Trần Tất Trung- Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, có thể nói tỷ lệ VPCĐ đến khám tại bệnh viện tỉnh tăng rất cao trong năm qua. Các tác nhân vi khuẩn gây VPCĐ hầu hết tăng so khảo sát ở năm 2014. Tương tự, tỷ lệ đề kháng kháng sinh của các chủng vi khuẩn cao và tăng ở nhiều loại kháng sinh trong khảo sát.

Theo kết quả nghiên cứu, chủng vi khuẩn gây bệnh không thay đổi nhiều, nhưng tình trạng kháng kháng sinh có xu hướng tăng, nhất là đối với những kháng sinh chủ lực như Caftazidim, Meropenem,...

Dự kiến sự đề kháng kháng sinh sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm tới, nếu không có các biện pháp hạn chế lạm dụng và chỉ định dùng kháng sinh không phù hợp. Để ngăn sự tăng lên của vi khuẩn kháng kháng sinh, cần sự phối hợp của tất cả nhân viên y tế...

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, có thể thấy tỷ lệ bệnh tăng cao bên cạnh sự đề kháng của vi khuẩn với các kháng sinh thiết yếu cũng tăng cao là mối lo ngại rất lớn đối với các bác sĩ lâm sàng. Vấn đề đặt ra là liệu việc sử dụng kháng sinh có thật sự hiệu quả, và có nên được xét đến là một chiến lược quan trọng để hạn chế sự đề kháng kháng sinh?

Từ câu hỏi này, nhóm bác sĩ chuyên khoa đề xuất: nên thành lập phác đồ chẩn đoán và điều trị VPCĐ riêng cho bệnh viện tỉnh (giống như Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã thực hiện hiệu quả từ năm 2014); nên có nghiên cứu sâu, rộng hơn trên phạm vi tỉnh về VPCĐ.

Bởi trên cơ sở nghiên cứu này, có thể thấy tình hình kháng kháng sinh của vi khuẩn, các chủng vi khuẩn thường gặp gây VPCĐ, góp phần giúp việc sử dụng kháng sinh điều trị VPCĐ hiệu quả...

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh