Tăng huyết áp: bệnh "âm thầm"

07:12, 04/12/2015

Nhiều bác sĩ chuyên khoa nhìn nhận bệnh tăng huyết áp (THA) là bệnh "âm thầm". Chính vì "âm thầm", nên nó phổ biến. Qua khám sàng lọc trong cộng đồng đã cho kết quả rất nhiều người bệnh THA, nhưng phần lớn trong số đó không biết mình THA.

Nhiều bác sĩ chuyên khoa nhìn nhận bệnh tăng huyết áp (THA) là bệnh “âm thầm”. Chính vì “âm thầm”, nên nó phổ biến. Qua khám sàng lọc trong cộng đồng đã cho kết quả rất nhiều người bệnh THA, nhưng phần lớn trong số đó không biết mình THA.

Huyết áp là chỉ số được cơ sở y tế kiểm tra đầu tiên trước khi bắt đầu quy trình khám chữa bệnh cho mỗi người.
Huyết áp là chỉ số được cơ sở y tế kiểm tra đầu tiên trước khi bắt đầu quy trình khám chữa bệnh cho mỗi người.

THA trong cộng đồng còn chiếm cao

Theo Khoa Sốt rét- Nội tiết thuộc Trung tâm Y tế dự phòng, từ năm 2012 đến nay, Chương trình Phòng chống THA (một trong các chương trình y tế quốc gia có mục tiêu), đã khám sàng lọc phòng chống THA cho người dân từ 40 tuổi trở lên tại 21 xã, với chỉ tiêu mỗi năm 2.600 người.

Năm 2014, trong 2.636 người được khám sàng lọc, có tới 992 người được xác định bệnh THA (tỷ lệ 37,6%). Trong số đó, 688 người đã có tiền sử bệnh này, tức họ đã biết mình bị THA, và có tham gia điều trị hoặc không điều trị. Tuy con số này không là đại diện để đánh giá tỷ lệ chung, nhưng qua đó có thể thấy tỷ lệ người dân mắc THA trong cộng đồng qua khám sàng lọc là cao.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, hiện nay rất nhiều người dân trong cộng đồng bị THA mà không biết mình THA. “Khi người ta bị một triệu chứng gì đó bất thường trong cơ thể, đi khám bệnh, mới biết mình bị THA”- ông nói.

Năm 2015, có 2.639 người dân tại 2 xã được khám sàng lọc. Mục đích việc khám sàng lọc là giúp phát hiện sớm bệnh THA, tư vấn hướng dẫn điều trị cho người dân; ngăn ngừa biến chứng với người mắc bệnh THA nhưng chưa điều trị hoặc điều trị không liên tục.

Nói về nguyên nhân, các yếu tố nguy cơ mắc THA, bác sĩ Huỳnh Thanh Tân cho biết có: nghiện rượu, hút thuốc lá, người béo phì, thừa cân, ít vận động thể lực,... cho đến tiền sử gia đình có người bị bệnh THA.

Năm 2014, qua cuộc khảo sát 170 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 47,06% bệnh nhân có kiến thức đúng về bệnh THA; 51,76% bệnh nhân có thái độ đúng; nhưng chỉ 14,12% bệnh nhân có hành vi đúng đối với THA, đồng nghĩa với việc có đến 85,88% bệnh nhân có hành vi sai với bệnh lý này.

Theo cử nhân Lưu Ngọc Thảo Quyên- Khoa Khám bệnh thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Kiến thức, thái độ và hành vi của bệnh nhân THA chịu ảnh hưởng của yếu tố địa lý, nghề nghiệp, trình độ văn hóa. Qua khảo sát, những người làm nghề tự do, buôn bán, làm thuê, nông dân, nội trợ,... có kiến thức sai về bệnh THA chiếm khá nhiều.

Tuân thủ điều trị, kiểm soát huyết áp mục tiêu còn thấp

Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Đức- Phó Khoa Nội tim mạch- lão khoa thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, THA là bệnh “đặc thù”.

“Đặc thù ở chỗ, tỷ lệ người bị THA cao trong cộng đồng, nhưng bệnh không gây triệu chứng, biểu hiện gì rõ rệt. Từ đó, nhiều người mắc THA không biết, nên không quan tâm điều trị”- ông nói và dẫn chứng thêm- “có khi một người nào đó thấy mình nhức đầu, họ sẽ ra tiệm mua thuốc uống cho qua, mà ít hoặc không nghĩ mình có thể đang có triệu chứng của bệnh THA”.

THA thường xuất hiện từ người 40 tuổi trở lên. Ở người già, bệnh này thường kèm theo với nhiều bệnh mãn tính khác.
THA thường xuất hiện từ người 40 tuổi trở lên. Ở người già, bệnh này thường kèm theo với nhiều bệnh mãn tính khác.

Theo bác sĩ Lê Thanh Đức, từ thực tế bệnh nhân đến bệnh viện khám bệnh mãn tính, lão khoa, thì trong đó tỷ lệ mắc THA chiếm cao.

“Tuy nhiên, việc tuân thủ điều trị và điều trị liên tục, kiểm soát để đạt mức huyết áp mục tiêu (ổn định) ở các đối tượng này là rất thấp”.

Nhìn nhận hiện nay, việc khám sàng lọc để phát hiện sớm, tư vấn hướng dẫn điều trị và quản lý người bệnh THA được triển khai đến tận y tế xã- phường, tuy nhiên- theo bác sĩ Lê Thanh Đức- dù làm được vậy, nhưng nhiều người còn chủ quan với bệnh “âm thầm” này. “Khả năng không phát hiện sớm, hoặc phát hiện rồi mà không điều trị hoặc điều trị không liên tục thì bệnh dễ dẫn đến biến chứng, để lại di chứng về sau”- bác sĩ Lê Thanh Đức nói.

Giải pháp là cần tuyên truyền sâu rộng đến tất cả cộng đồng dân cư về bệnh lý này, từ đó giúp họ nhận biết, nâng ý thức về bệnh THA, chủ động phối hợp điều trị hiệu quả. Để phòng tránh THA, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần thay đổi lối sống cho phù hợp.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân: “Tăng cường vận động, thể dục thể thao hàng ngày; ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý; nên ăn lạt (vì ăn mặn là một trong các yếu tố nguy cơ hàng đầu gây THA); từ bỏ các yếu tố thuận lợi dẫn đến THA như thuốc lá, rượu bia...”. Một khi bị bệnh THA, thì con đường duy nhất là điều trị và phải liên tục.

 

Một khảo sát năm 2014 với 200 bệnh nhân THA đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long của một điều dưỡng và các cộng sự cho thấy: Tỷ lệ bệnh nhân cư trú ở nông thôn chiếm cao nhất (76%), còn lại là sinh sống ở thành thị. Có 20% bệnh nhân không có kiến thức về THA. Khoảng 76% bệnh nhân không biết bệnh đái tháo đường là yếu tố nguy cơ dẫn đến THA và 55,5% bệnh THA có ở người hút thuốc lá.

 

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh