Tỷ lệ sâu răng ở trẻ em đang ngày càng cao, do thói quen dùng nhiều thức ăn ngọt và vệ sinh răng miệng không đúng cách. Sâu răng nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của các em.
Tỷ lệ sâu răng ở trẻ em đang ngày càng cao, do thói quen dùng nhiều thức ăn ngọt và vệ sinh răng miệng không đúng cách. Sâu răng nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của các em.
Trường Mầm non Sen Hồng, thành phố Vị Thanh, có 60 trẻ bị sâu răng, tập trung ở độ tuổi từ 3 đến 5. Cô Dương Thị Bé Thơ, Hiệu trưởng trường, cho biết: “Trẻ thích ăn đồ ngọt nhưng lại vệ sinh răng miệng không đúng cách, là một trong những nguyên nhân dẫn đến sâu răng. Do đó, nhà trường thường xuyên giáo dục trẻ về cách phòng, chống sâu răng thông qua giờ ăn hoặc các buổi sinh hoạt. Dạy trẻ nên hạn chế ăn bánh kẹo và vệ sinh răng miệng hàng ngày bằng kem đánh răng có chứa fluor”. Bên cạnh đó, vai trò của gia đình góp phần quan trọng trong việc định hình ý thức chăm sóc răng miệng của trẻ ngay từ lúc nhỏ, đặc biệt là trẻ ở lứa tuổi mầm non. Gia đình cần có những biện pháp thiết thực để giúp trẻ hạn chế sâu răng. Anh Nguyễn Hoàng Ân, ở khu vực 1, phường V, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Tôi thường nhắc nhở bé phải vệ sinh răng miệng, đặc biệt là sau khi ăn và trước khi đi ngủ. Nếu bé có răng sâu, tôi đưa ngay đến bệnh viện để được các bác sĩ kiểm tra và điều trị kịp thời. Ngoài ra, tôi thường cho bé ăn những thực phẩm có lợi đối với răng như các loại ngũ cốc và trái cây,…”.
Tình trạng sâu răng ở học sinh tiểu học có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và định hình của răng vĩnh viễn sau này, bởi các em đang trong độ tuổi thay răng. Trường Tiểu học thị trấn Nàng Mau 1, huyện Vị Thủy, có hơn 60% học sinh bị sâu răng.
Trường đã đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn như: truyền thông đến phụ huynh trong những buổi họp, lồng ghép kiến thức phòng, chống sâu răng vào chương trình nha học đường, phát bàn chải và kem đánh răng chứa fluor cho học sinh đầu mỗi năm học,...
Tuy nhiên, tình trạng sâu răng vẫn cứ tiếp diễn, bởi muốn ngăn chặn cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường, trong đó ý thức của các em rất quan trọng. Em Nguyễn Thị Ái Mỹ, học sinh lớp 4A1, cho biết: “Em bị sâu răng khi 5 tuổi, do ăn nhiều bánh kẹo nhưng lại lười đánh răng. Nhiều lúc răng nhức làm em không ăn và không học bài được. Hiện tại, em đã ý thức hơn trong việc chăm sóc răng miệng bằng cách thường xuyên đánh răng và súc listerine”.
Cùng lớp 4A1 là em Nguyễn Mỹ Ái, sâu răng từ năm 6 tuổi, cho biết: “Em thường không đánh răng sau bữa ăn và không đi kiểm tra răng định kỳ. Những lúc thức ăn nhét vào răng, khiến em đau đến phát khóc, khi đó cha mẹ sẽ dẫn em đi trám hoặc nhổ răng”. Thực tế, các em chưa thấy hết tác hại mà sâu răng gây ra. Đồng thời, việc vệ sinh răng miệng đúng cách ở các em vẫn còn quá nhiều hạn chế.
Sâu răng gần như là một bệnh mắc phải do sự tác động của chính con người. Việc sử dụng thực phẩm chứa nhiều đường, không thực hiện vệ sinh răng miệng thường xuyên và ăn ít chất xơ đã tạo điều kiện tốt cho bệnh sâu răng phát triển mạnh. Khi răng sâu sẽ làm đau, nhức và giảm lực nhai, khiến dạ dày tiêu hóa không tốt, dẫn đến tình trạng trẻ biếng ăn.
Bên cạnh đó, nguồn dinh dưỡng cung cấp vào cơ thể trẻ bị hạn chế sẽ làm trẻ suy nhược, ảnh hưởng đến quá trình học tập và vui chơi. Theo bà Trần Nhật Mi, cán bộ phụ trách chương trình y tế trường học, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Răng sữa bị sâu sẽ làm răng vĩnh viễn mọc sai lệch, hoặc thậm chí là không mọc. Sâu răng ngoài những tác hại nghiêm trọng còn gây ra nhiều biến chứng, nặng nhất là nhiễm khuẩn huyết có thể dẫn đến tử vong. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã xây dựng kế hoạch fluor hóa nước máy trên địa bàn, nhưng hiện tại vẫn còn gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí và trang thiết bị kỹ thuật,..”.
Nhằm ngăn chặn sự phát triển và những tác hại nguy hiểm do sâu răng gây ra, gia đình và nhà trường cần có những kế hoạch phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn các em biết cách phòng, chống sâu răng ngay trong giai đoạn mọc răng sữa. Các gia đình nên đưa trẻ đi khám răng định kỳ 3 tháng/lần (trẻ đang thay răng) và 6 tháng/lần (trẻ từ 12 tuổi trở lên).
Các bà mẹ nên tập cho trẻ thói quen đánh răng ngay từ khi còn nhỏ, đưa trẻ đến khám và điều trị kịp thời khi răng có xuất hiện những vết đục trắng, nhằm hạn chế tác hại do bệnh gây ra. Để đề phòng sâu răng ở trẻ nhỏ, các bà mẹ mang thai cần bổ sung thêm những thực phẩm dinh dưỡng, giúp trẻ sinh ra không bị thiếu chất tạo răng, góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe răng miệng của trẻ một cách tốt nhất.
Theo báo cáo tổng kết công tác y tế trường học năm học 2014-2015, toàn tỉnh có 139.219 học sinh, trong đó có 36.300 em bị sâu răng, chiếm 32,54%, tăng 15,1% so với năm học 2013-2014.
Theo http://baohaugiang.com.vn/newsdetails/1D3FE185868/Phong_chong_sau_rang_o_tre_em.aspx
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin