Cảnh giác dịch bệnh mùa Đông Xuân

07:12, 25/12/2015

Thời tiết bất thường, mưa nắng trái mùa làm một số bệnh truyền nhiễm diễn biến "nghịch mùa" theo. Một số suy nghĩ, lối sống, ăn uống của không ít người cũng dẫn đến nguy cơ dịch bệnh bùng phát. Đó là một trong các nguyên nhân làm cho tình hình bệnh truyền nhiễm vào mùa Đông Xuân vẫn còn phức tạp...

 

Một phần do thời tiết cực đoan, nên tình hình bệnh tật phức tạp.
Một phần do thời tiết cực đoan, nên tình hình bệnh tật phức tạp.

Thời tiết bất thường, mưa nắng trái mùa làm một số bệnh truyền nhiễm diễn biến “nghịch mùa” theo. Một số suy nghĩ, lối sống, ăn uống của không ít người cũng dẫn đến nguy cơ dịch bệnh bùng phát. Đó là một trong các nguyên nhân làm cho tình hình bệnh truyền nhiễm vào mùa Đông Xuân vẫn còn phức tạp...

Bệnh truyền nhiễm giảm, nhưng tử vong tăng

Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng Vĩnh Long (Sở Y tế) cho thấy, trong gần một năm qua, số mắc các bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiêu hóa, hô hấp, véc tơ như: thương hàn, lỵ amip, tiêu chảy, tay chân miệng, cúm mùa, thủy đậu, sởi,... giảm mạnh so năm ngoái.

Riêng bệnh sốt xuất huyết (SXH), quai bị có số mắc tăng so cùng kỳ năm. Tại thời điểm báo cáo, bệnh quai bị: 136 ca, tăng 48% so với 70 ca; SXH: 488 ca, tăng 19% so hơn 400 ca. “Nhìn chung trong năm 2015, diễn biến tình hình dịch bệnh ở Vĩnh Long ổn định so năm 2014”- bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Vĩnh Long- nêu nhận xét.

Tuy nhiên, trong số các bệnh lưu hành ca mắc tăng, thì SXH lại có 2 trường hợp tử vong. Như vậy, đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 3 trường hợp tử vong với 2 ca do SXH nói trên và 1 ca hồi giữa năm do viêm não vi rút. Trong khi năm ngoái, cả tỉnh không có ca tử vong nào.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, thống kê của phòng chức năng từ đầu tháng 10 đến ngày 22/12 năm nay, số ca bệnh nhập viện điều trị nội trú do các bệnh vào mùa Đông Xuân vẫn khá cao. Cụ thể ở trẻ em, số nhập viện điều trị nội trú bệnh tay chân miệng là 280 ca, SXH (101 ca), viêm phổi (175), viêm phế quản (63). Ở người lớn, các bệnh phổ biến do ảnh hưởng của tiết trời chuyển mùa Đông Xuân có nhiễm trùng hô hấp 110 trường hợp, viêm phổi (296), viêm phế quản (132),...

Ngoài ra tính đến gần hết quý IV, cơ sở y tế này ghi nhận hơn 200 trường hợp điều trị nội khoa bệnh cao huyết áp và 100 trường hợp viêm phổi tắc nghẽn mãn tính. Đây là hai bệnh khá phổ biến hiện nay.

Bệnh bất thường do thời tiết, do cả con người

Theo các chuyên gia dịch tễ, thông thường vào thời điểm tháng 11 và 12 là giai đoạn cuối của dịch SXH trong năm. Tuy nhiên hiện nay, dịch bệnh SXH tại các địa phương trong cả nước vẫn diễn biến phức tạp với không ít ca bị biến chứng nặng và tử vong.

“SXH không phải bệnh xuất hiện vào mùa Đông Xuân, mà là mùa mưa khí hậu ẩm thấp, nhưng năm nay ngoài số ca mắc tại tỉnh tăng thì số ca bệnh nặng cũng có chiều hướng gia tăng”- bác sĩ Huỳnh Thanh Tân cho biết.

Theo Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trương Đình Bắc, đến nay ít nhất 56/63 tỉnh- thành đã ghi nhận có người mắc và tử vong do SXH. Giải thích sự phức tạp này, Cục Y tế dự phòng cho biết, năm nay do tác động của hiện tượng ElNino kéo dài, khí hậu nóng ấm đến cuối năm, đã dẫn đến nguy cơ bùng phát và kéo dài dịch SXH so các năm trước. Bởi đây là điều kiện cho muỗi gây bệnh phát triển mạnh hơn.

 

Năm qua, ngành y tế tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng cho 33 đơn vị xã- phường, phun hóa chất diệt muỗi diện rộng cho 14 đơn vị có nguy cơ, xử lý 100/103 ổ dịch SXH. Bệnh tay chân miệng có 169/239 ổ dịch tại cộng đồng và trường học được xử lý.
 

 

Thời điểm cuối năm và mùa Đông Xuân cũng là giai đoạn mà việc tiêu thụ, vận chuyển, buôn bán gia cầm tăng mạnh làm gia tăng nguy cơ lây lan vi rút cúm từ gia cầm sang người. Đã có ca liên cầu lợn tại khu vực miền Tây do ăn tiết canh dơi gần đây và mắc liên cầu khuẩn.

Việc ăn tiết canh heo, vịt, dơi và mắc liên cầu khuẩn đang là lo lắng không nhỏ hiện nay của Cục Y tế dự phòng. Thống kê trong 11 tháng qua, cả nước ghi nhận 82 trường hợp mắc liên cầu khuẩn, và tới 10 trường hợp tử vong. Đặc biệt trên 70% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn là do ăn tiết canh.

Theo cơ quan y tế dự phòng, dịch liên cầu khuẩn không nhiều người mắc, nhưng đã mắc thì nguy cơ tử vong rất cao. Đáng nói một phần là mắc bệnh do thói quen ăn uống của nhiều người đem lại. Để phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này, người dân cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tuyệt đối không ăn tiết canh, nội tạng và sản phẩm từ thịt heo chưa được nấu chín; không mua bán, vận chuyển, giết mổ heo bệnh, heo chết.

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh