52 người Việt chết vì sốt xuất huyết năm 2015

11:12, 23/12/2015

Năm nay cả nước có gần 82.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó 52 trường hợp tử vong.

Năm nay cả nước có gần 82.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó 52 trường hợp tử vong.

Một bệnh nhi bị sốt xuất huyết. Ảnh: Trần Ngoan.
Một bệnh nhi bị sốt xuất huyết. Ảnh: Trần Ngoan.

Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), đến nay sốt xuất huyết đã xuất hiện ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, đang gia tăng ở người lớn. Số ca mắc mới có chiều hướng tăng ở các thành phố lớn nơi có tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa cao.

Khảo sát dịch tễ cho thấy trong những năm qua ổ bọ gậy nguồn của muỗi sốt xuất huyết đã có nhiều biến đổi, không chỉ xuất hiện ở lu, khạp đựng nước trong các gia đình mà còn có trong nhiều dụng cụ khác. Sự gia tăng chủng loại và số lượng vật dụng phế thải ngoài trời, dụng cụ chứa nước trong các hộ gia đình tỷ lệ thuận với sự gia tăng lượng muỗi gây sốt xuất huyết.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng nhận định dịch bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ gia tăng và diễn biến phức tạp trong những năm tới vì nhiều lý do: Tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng, điều kiện vệ sinh kém, tăng chủng loại và số lượng vật phế thải đọng nước, ngày càng nhiều người thích trồng hoa, cây cảnh, nhà vườn.

Nhiều ổ loăng quăng được phát hiện ở các công trường xây dựng, nhà trọ, lán trại. Bên cạnh đó, hiện tượng biến đổi khí hậu, El Nino, diễn biến thời tiết bất thường, nhiều khu vực hạn hán tăng trữ nước trong hộ gia đình đã tạo nên môi trường nước sạch thuận lợi cho muỗi sinh sản.

Thời gian qua, công tác phòng chống dịch ở một số địa phương chưa thực hiện triệt để, ý thức phòng bệnh của người dân còn hạn chế nên cứ theo chu kỳ khoảng 4 đến 5 năm lại có một đợt dịch bùng phát và tăng cao. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định sốt xuất huyết là một trong những bệnh dịch do muỗi truyền có tốc độ lây lanh nhanh nhất. 

Đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và văcxin phòng bệnh cho cộng đồng. Điều quan trọng nhất để phòng bệnh là nâng cao ý thức vệ sinh môi trường của người dân nhằm ngăn chặn vòng đời sinh sản và phát triển  7 ngày của muỗi, không để lăng quăng có cơ hội nở thành muỗi.

Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP HCM lưu ý môi trường ưa thích của muỗi Dengue truyền bệnh sốt xuất huyết là những nơi chứa nước sạch, nước mưa chứ không phải  sông suối, kênh rạch như mọi người thường nghĩ.

Từ đầu năm đến nay có nhiều đoàn cán bộ y tế điều tra dịch tễ ở các hộ gia đình ghi nhận ổ loăng quăng phát sinh trong hầu hết những vật dụng chứa nước để ngoài trời không đậy nắp kín hoặc chỉ che sơ sài. Ông Lân khuyên các hộ gia đình mỗi cuối tuần nên thay nước lu, thùng phuy, bình bông, chén nước cúng, máng uống của vật nuôi, lật úp các vật phế thải có thể đọng nước mưa.

Theo tiến sĩ Phu, trong những năm qua, ngành y tế đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, phun xịt thuốc, kiểm tra, giám sát, điều trị nhằm giảm số lượng ca mắc mới, tử vong và giảm gánh tặng bệnh tật do sốt xuất huyết.

Thống kê ghi nhận tỷ lệ mắc đã giảm sâu từ 148 trong 100.000 dân giai đoạn 1980-2000 xuống còn 117 trong 100.000 dân giai đoạn 2006-2010 và 71 trong 100.000 dân giai đoạn 2011-2014. Tỷ lệ chết/mắc cũng giảm từ 0,52% xuống dưới 0,08%. Trung bình năm 2015, tỷ lệ này là 0,064%, thấp hơn so với một số nước trong khu vực như Malaysia (0,273%) Philippines (0,295%), Campuchia (0,205%)... 

Theo http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/52-nguoi-viet-chet-vi-sot-xuat-huyet-nam-2015-3332060.html

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh